(HBĐT) - Công ty CP Dệt kim Hòa Bình thuộc KCN bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) được thành lập năm 2015 và hiện có gần 200 công nhân. Công ty chuyên sản xuất tất xuất khẩu, nhà xưởng chứa nhiều bông, sợi, tất thành phẩm nên nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao. Hồi 22h15’ ngày 2/5/2017, tại kho chứa tất lỗi, diện tích 65 m2 của Công ty từng xảy ra cháy.
Dù lực lượng chữa cháy cơ sở đã sử dụng bình chữa cháy xách tay để dập lửa nhưng ngọn lửa vẫn bùng phát mạnh. Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) đã điều 4 xe chữa cháy, 1 máy bơm, 1 quạt thổi khói và 30 CB, CS đến chữa cháy, không để lan sang kho chứa tất xuất khẩu rộng khoảng 1.000 m2.
ông Park Onh Soon, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt kim Hòa Bình cho biết: Sau sự cố, Công ty quan tâm hơn đến công tác PCCC. Tháng 7/2017, Công ty đưa vào hoạt động khu nhà xưởng mới rộng 8.000 m2. Công ty đã mua bảo hiểm cháy, nổ và đầu tư 3 tỉ đồng lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, trang bị đầy đủ thiết bị chữa cháy; duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội chữa cháy cơ sở với 25 thành viên; định kỳ tổ chức tập huấn cho công nhân các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra.
Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh từng xảy ra những vụ cháy, nổ tại các cơ sở SX-KD gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Đơn cử như vụ cháy, nổ tại Nhà máy sản xuất ván sợi ép Vinafor Tân An Hòa Bình tại xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) làm 2 người chết, 1 người bị thương. Vụ cháy cơ sở sản xuất rượu Mường Đình tại xã Phú Lai (Yên Thủy) làm 11 người bị bỏng, thiệt hại tài sản khoảng 1 tỉ đồng. Vụ cháy kho sấy hương của Công ty TNHH Việt Nam Frangrances tại KCN Lương Sơn thiêu rụi khoảng 1,4 tấn tăm hương, gây hư hỏng, biến dạng nhà xưởng, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Vụ nổ tại Nhà máy đúc phôi thép của DNTN Thành Trung ở xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) làm 4 người thương vong...
Toàn tỉnh hiện có trên 2.400 doanh nghiệp với gần 60.000 lao động. Thời gian gần đây, cháy, nổ xảy ra ở cả những công ty có quy mô lớn và cả những cơ sở SX-KD nhỏ hay nhà ở kết hợp kinh doanh. Cụ thể như vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh đồ nhựa ở xã Trung Minh (TP Hòa Bình) thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng. Vụ cháy ki ốt tại chợ huyện Yên Thủy... Theo đánh giá của phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy, nổ là do sơ xuất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện, chập điện.
Với nhiệm vụ được giao, để phòng ngừa, đảm bảo an toàn ngay từ ban đầu, phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã tham gia ý kiến, thẩm duyệt thiết kế về PCCC các dự án, công trình. Trong 9 tháng năm 2017, phòng đã tham gia ý kiến 6 dự án, công trình; thẩm duyệt đối với 29 dự án, công trình; nghiệm thu về PCCC 10 công trình xây dựng; khảo sát 5 địa điểm mở cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, 1 địa điểm xây dựng cửa hàng xăng dầu, 2 địa điểm xây dựng kho vật liệu nổ công nghiệp. Phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức 176 buổi tuyên truyền kiến thức PCCC cho 979 lượt người. Huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 84 đội PCCC cơ sở. Tổ chức cho 150 cơ sở trọng điểm có nhiều nguy hiểm cháy, nổ và 360 hộ kinh doanh, tiểu thương tại các chợ, trung tâm thương mại ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC.
Luật PCCC sửa đổi cùng các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã có ý thức hơn. Song vẫn còn những cơ sở chưa chấp hành nghiêm quy định, chưa quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác PCCC. 9 tháng qua, phòng đã thực hiện các kế hoạch kiểm tra chuyên đề và định kỳ 449 cơ sở, kiến nghị khắc phục 808 thiếu sót không đảm bảo an toàn PCCC. Trong đó, các lỗi như: thiết bị tiêu thụ điện, dây dẫn điện đi sát hàng hóa, vật liệu dễ cháy; không tự tổ chức kiểm tra; chưa lập và tổ chức phương án chữa cháy; lắp thêm bể chứa xăng dầu ngoài thiết kế đã được thẩm duyệt... Qua kiểm tra, phòng đã lập biên bản vi phạm hành chính 10 cơ sở, phạt tiền 10 trường hợp. Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn trong các dây chuyển SX-KD...
"Nước xa không cứu được lửa gần”, Luật PCCC đã quy định công tác chữa cháy phải được thực hiện trước tiên tại cơ sở. Cháy, nổ diễn biến rất nhanh, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có đến nhanh mấy cũng đã có thiệt hại. Do đó, công tác phòng ngừa, nâng cao ý thức cảnh giác, khắc phục các thiếu sót, vi phạm là biện pháp hàng đầu để không bị "bà hỏa” ghé thăm.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Trong quý III/2017, trên toàn tỉnh xảy ra và phát hiện 191 vụ phạm pháp hình sự, tăng 56 vụ so với cùng kỳ năm 2016. Lực lượng công an đã điều tra, khám phá làm rõ 154/191 vụ, 248 đối tượng, đạt tỷ lệ 80,63%.
(HBĐT) - Trong quý III/2017, VKSND hai cấp trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc kiểm sát điều tra ngay từ khi có quyết định khởi tố vụ án, 100% vụ án đều được truy tố đúng tội, đúng thời hạn luật định.
(HBĐT) - Trong quý III/2017, TAND hai cấp trong tỉnh thụ lý 813 vụ án các loại, đã giải quyết 720 vụ, đạt tỷ lệ 88%. Trong đó có 220 vụ án hình sự, đã giải quyết 196 vụ, đạt tỷ lệ 89%; 565 vụ án dân sự, đã giải quyết 599 vụ, đạt tỷ lệ 91%; 521 vụ án hôn nhân, gia đình, đã giải quyết 500 vụ, đạt tỷ lệ 95%; 49 vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, đã giải quyết 13 vụ, đạt tỷ lệ 26,5%.
(HBĐT) - Các nhóm giải pháp cơ bản để phòng, ngừa tham nhũng: Chương II, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về phòng ngừa tham nhũng gồm 48 điều (từ điều 11 đến điều 58). Số lượng các điều trong chương phòng ngừa tham nhũng chiếm hơn một nửa tổng số điều của đạo luật (48/92 điều).