Lê Anh T., sinh năm 1969 ở xóm I, xã Tử Nê từ một thanh niên hiền lành, chất phác đã bị "nàng tiên nâu” đánh gục. Anh T. nhớ lại: Do cuộc sống khó khăn, nhiều người dân tìm đến bãi vàng ở xã vùng cao Nam Sơn, huyện Tân Lạc mong đổi đời. Vào thời điểm này, bãi vàng là nơi phát sinh các loại tệ nạn xã hội, ma túy, cờ bạc, mại dâm. Nhiều thanh niên tìm đến ma túy để thể hiện "chất chơi”, "bãn lĩnh đàn ông”. Lê Anh T. không nằm ngoài vòng xoáy đó. Mặc dù biết trước kết cục, song anh nghĩ rằng "chỉ hút một lần rồi bỏ”, rồi "hút một lần làm sao nghiện được”. Ma tuý đã biến anh trở thành con người hoàn toàn khác. Từ chàng thanh niên với thân hình vạm vỡ, khỏe mạnh, anh trở nên tiều tụy, ốm yếu vì thiếu ngủ.
Đến cuối năm 2002, sau khi Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc ra quyết định đưa người đi cai nghiện bắt buộc trong thời gian 18 tháng tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh. Vào trung tâm, sau quá trình cắt cơn giải độc ma túy, anh được dạy nghề rồi được biên chế vào tổ xây dựng, sản xuất gạch, trồng cây cảnh. Được cán bộ Trung tâm và gia đình quan tâm động viên, Lê Anh T. hoàn thành chương trình cai nghiện trở về cộng đồng. Anh lập gia đình với cô giáo vùng cao chịu thương, chịu khó. Không để con có thời gian nhàn cư, tái nghiện, gia đình đã đầu tư cho vợ chồng anh xây chuồng trại nuôi bò. Sau đó, anh được Hội Nông dân xã tín chấp giúp vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội được 25 triệu đồng để phát triển kinh tế. Có vốn trong tay, anh mạnh dạn mở rộng đầu tư, hình thành chuỗi cung ứng liên kết với các công ty, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn. Hiện cơ sở chăn nuôi của anh có hàng chục con bò, trị giá lên tới hàng trăm triệu đồng. Anh thường xuyên được các đoàn thể, chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên, tư vấn giúp có thêm nghị lực phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Thực tế xã Tử Nê đã triển khai thành công Đề án xây dựng địa bàn trong sạch, không có ma túy và tệ nạn xã hội, đến nay "xóa trắng” ma túy, được nhân rộng ra các địa bàn trong huyện. Một trong những bước đi đầu tiên đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về tệ nạn xã hội, ma túy. Ngay sau khi Đảng ủy ban hành Nghị quyết, UBND xã Tử Nê có chương trình hành động, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội vào cuộc, tùy vào chức năng, nhiệm vụ của mình có biện pháp tổ chức thực hiện cho phù hợp. Đoàn thanh niên xã phát động phong trào "Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” gắn với tuyên truyền phòng chống ma túy. Hội LHPN xã tổ chức cho hội viên ký cam kết gia đình, người thân không vi phạm pháp luật, không liên quan đến ma túy. Hội Người cao tuổi đề ra khẩu hiệu hành động "Tuổi cao, chí càng cao”, khuyến khích, vận động hội viên giáo dục con cháu, người thân không mắc tai - tệ nạn xã hội. Phòng thông tin, văn hóa huyện tổ chức sưu tầm tranh, ảnh, tài liệu, tuyên truyền trên loa phóng thanh, lưu động, pa nô, áp phích hoặc dưới dạng tờ rơi… về thực trạng ma túy. Ngoài ra, vào mỗi dịp lễ Tết, xã tổ chức lễ hội truyền thống, hòa nhịp chiêng, sắc bùa để thu hút bà con tham gia, đồng thời kết hợp tuyên truyền, vận động người dân tích cực phòng, chống ma túy, vì tươi lai tươi sáng…
Công tác phòng, chống ma túy ở xã Tử Nê đã thu được kết quả đáng khích lệ. Theo Trưởng Công an xã Tử Nê Bùi Văn Bựng, tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, hiểm họa ma túy rình rập, thách thức. Cấp ủy, Chính quyền xã Tử Nê trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn xác định công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong xã.
Như Hùng (CTV)