Tang vật truyền
đạo trái phép của nhóm người tự xưng là "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ"
tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)
Điều này hoàn toàn trái với giáo lý của tôn giáo nói chung và đạo Tin lành nói
riêng.
Ma mị, phản khoa học
Số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ cho thấy, ở Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu
tín đồ theo đạo Tin lành.
Ông Nguyễn Văn Hòa, đại diện điểm nhóm Hội thánh của Đức Chúa Trời quận Bình
Tân, Thành phố Hồ Chí Minh – điểm nhóm duy nhất được chấp thuận sinh hoạt tôn
giáo tập trung - cho biết, Hội thánh không dạy tín đồ về nhà đập bàn thờ tổ tiên
vì đó là sự tôn trọng truyền thống gia đình.
Không được phép vì khác đức tin mà xa cách gia đình, xa cách xã hội. Với người
trong gia đình, cần trao đổi, tôn trọng và chấp nhận nhau. Với người ngoài xã hội,
khác tín ngưỡng cũng phải tôn trọng họ, không được phép có những hành động kỳ
thị, sai trái.
Học sinh, sinh viên tham gia Hội thánh luôn được dạy dỗ, khuyến khích phải học
hành tốt, cống hiến cho gia đình, cống hiến cho xã hội. Đặc biệt, Hội thánh
không bao giờ dạy dỗ các thánh đồ rao truyền về ngày tận thế, gây xáo trộn cuộc
sống của mọi người và xã hội, đây là điều tuyệt đối không được phép.
Công an Thanh
Hóa kiểm tra một cơ sở hoạt động trái phép của Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ (Ảnh:
TTXVN phát)
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, đạo Tin lành thông qua các hoạt động từ thiện xã hội
như cứu trợ nhân đạo, khám chữa bệnh để truyền giáo, phát triển tín đồ chứ
không tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, phản khoa học về ngày tận thế.
Nhìn vào hoạt động của các nhóm "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” thời gian qua
cho thấy, cùng một tài liệu tuyên truyền, cũng sử dụng Kinh thánh như đa số tổ
chức Tin lành khác, song, các đối tượng cầm đầu các nhóm trên đã đưa ra nhiều
lý lẽ ma mị về ngày tận thế, gây hoang mang cho quần chúng nhân dân, xúi giục
người dân tin theo ứng xử không hiếu kính với cha mẹ, đập phá bàn thờ tổ tiên của
gia đình, cổ vũ cho việc từ bỏ công việc, học tập để đi truyền đạo, trục lợi...
trái với thuần phong mỹ tục, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, ảnh hưởng
đến an ninh trật tự xã hội và gây mất đoàn kết nội bộ gia đình.
Điều nguy hiểm là nhiều sinh viên bị lôi kéo, mê muội, bỏ bê việc học hành để
đi rao giảng những điều mê tín dị đoan, ma mị. Khi bị người thân phản đối,
không tin theo thì họ coi người thân như ma quỷ, ly khai, ruồng bỏ gia
đình.
Tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), nhiều gia đình cha mất con, vợ mất chồng vì đi
theo "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ."
Anh Nguyễn Đức Tĩnh, (thôn Thọ Phú, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) cho biết, nghe
theo lời dụ dỗ của những người trong hội thánh này, hai người con trai đầu của
anh là Nguyễn Đức Vương (sinh năm 1994) và Nguyễn Đức Hoàng (sinh năm 1996) đều
là sinh viên Đại học Hàng hải (Hải Phòng) đã tin theo và về tuyên truyền, dụ dỗ
mẹ đẻ là chị Nguyễn Thị Hương đi theo nhóm này.
Nghe theo lời con trai, chị Hương đập bỏ bàn thờ, đưa cả con gái út là Nguyễn
Thị Phương Linh (sinh năm 2001) đang học lớp 10 bỏ nhà ra đi biệt tích từ giữa
năm 2017 đến nay không về nhà. Chị Hương và con gái đã cắt đứt liên lạc với chồng
và gia đình cho đến nay.
"Tôi không hiểu "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" có ma lực gì nhưng vợ tôi
trước hiền lành, chân chất, con tôi cả 3 đứa đều học hành giỏi giang nay đều đã
thay đổi, không còn coi trọng giá trị đạo đức, văn hóa của gia đình. Tất cả những
gì xảy đến với gia đình tôi như một cơn ác mộng. Tôi vô cùng bế tắc, không còn
muốn làm gì nữa. Giờ tôi chỉ mong các cơ quan chức năng có biện pháp giúp đỡ
gia đình tôi làm sao để cho vợ con tôi trở về nhà," anh Tĩnh chia sẻ.
Hay như trường hợp của Lê Mạnh C., Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hồng
Đức. Theo gia đình C, trước khi tham gia vào "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ,”
Lê Mạnh C. hoàn toàn bình thường. Giữa năm 2017, sau khi gia nhập hội thánh, em
luôn trong tình trạng tinh thần bất ổn, học hành sa sút, có triệu chứng trầm cảm.
Hiện gia đình đang rất hoang mang lo lắng và đang nhờ các cơ quan chức năng vào
cuộc.
Mặc dù cùng tín lý, cùng nguồn gốc, nhưng đánh giá của chính quyền địa phương
cho thấy đến thời điểm này, điểm nhóm của ông Nguyễn Văn Hòa sinh hoạt tôn giáo
thuần túy và ổn định, chưa xảy ra hiện tượng cực đoan, tuyên truyền xuyên tạc,
lôi kéo tín đồ như cái gọi là "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” ở các địa phương
thời gian qua.
Lôi kéo, trục lợi
Thủ đoạn lợi dụng sinh hoạt tôn giáo để trục lợi của một số kẻ cầm đầu đi truyền
đạo ở một số địa phương thời gian qua đã bị cơ quan chức năng bóc trần. Điểm rõ
rệt nhất là những đối tượng cầm đầu bắt người tham gia có thu nhập ổn định phải
nộp 10% thu nhập hàng tháng như một thứ tiền hội phí.
Không những thế, luật bất thành văn, ngoài đóng góp 10% tổng quỹ lương, mỗi
ngày lễ, người tham gia lại rỉ tai nhau dâng hiến ít nhất 50.000 đồng/lần,
thông thường một tuần 2 lần, vào ngày học giáo lý để "thông công” với Đức Chúa
Trời. Thậm chí có người chi tiêu tằn tiện, có tiền dư ra là mang đóng cho điểm
nhóm dưới danh nghĩa làm từ thiện.
Thời gian đầu, người mới tham gia không phải đóng tiền, có người hoàn cảnh khó
khăn còn được hỗ trợ, nhưng sau khi tin theo, họ phải đóng tiền đều đặn. Song,
số tiền này được sử dụng vào mục đích gì, như thế nào không ai được biết. Một số
được dùng cho duy trì hoạt động của hội thánh, còn lại là để "xây nhà trên trời.”
Các đối tượng cầm đầu quản lý thành viên của mình bằng một mã định danh trong mỗi phong bì, do vậy, nắm rõ được các khoản dâng hiến của thành viên. Khi nhận thấy việc đóng góp không đảm bảo, có sa sút, trưởng nhóm sẽ gọi để chăm sóc riêng với những phương thức đặc biệt, một kèm một.
Không ép buộc thành viên phải nộp tiền, nhưng những lời đe dọa kiểu như "Đức
Chúa Trời nhìn thấy hết những gì của bạn,” "bạn có bao nhiêu tiền, bạn không giấu
được vì Đức Chúa Trời biết rồi”… ám chỉ đến việc chưa quyên góp thành thật, khiến
các thành viên lo sợ và phải nộp đủ 10% thu nhập.
Khi sinh hoạt với cộng đồng hội thánh, các thành viên bị tách thành những nhóm
nhỏ, bị hạn chế giao lưu nên thông tin của người này, người kia không được biết,
chỉ trao đổi công việc về hội thánh.
Cách thức dâng hiến của "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” khác hoàn toàn với các
tổ chức tôn giáo hiện nay. Giáo lý Tin lành mặc dù cũng kêu gọi dâng hiến 1/10
tiền lương, lợi tức trong công việc cho Chúa nhưng là hình thức tự nguyện chứ
không ép buộc, không ai biết mỗi tín đồ đóng bao nhiêu tiền. Việc thu chi tài
chính trong các Hội thánh Tin lành đều có thủ quỹ, báo cáo thu chi rõ
ràng.
Bản thân Hội thánh của Đức Chúa Trời do ông Nguyễn Văn Hòa đại diện cũng không
bắt tín đồ phải đóng bao nhiêu tiền, dâng hay không dâng đều không sao.
Như vậy có thể nhìn nhận hoạt động của nhóm "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ"
là tuyên truyền mê tín dị đoan, mục đích là thu lợi bất chính, cần phải kiên
quyết đấu tranh loại bỏ./.
TheoVietnamplus