Người dân xóm Bục, xã Lũng Vân (Tân Lạc) giúp nhau làm nhà nhưng trong quá trình làm việc không có bất kỳ thiết bị bảo hộ lao động nào được sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động.
Liên tiếp xảy ra tai nạn
Thông tin từ xã Mai Hịch (Mai Châu) cho biết, trên địa bàn xã xảy ra vụ TNLĐ làm 2 người chết, 6 người bị thương. Theo đó, ngày 31/3/2018, ông Vì Văn Đội, trú tại xóm Dến, xã Mai Hịch nhờ 11 người là hàng xóm, họ hàng đến dựng giúp nhà sàn 3 gian tại khu vực trang trại của gia đình trên núi Xà Lim thuộc xóm Dến. Đến khoảng 10h30’, trong khi mọi người đang lợp nốt những viên ngói cuối cùng trên mái thì bất ngờ ngôi nhà đổ sập, làm những người ở trên mái bị rơi xuống đất và đổ trùm những người đang dọn dẹp phía dưới. Hai người chết tại chỗ là ông Vì Văn Thầy (sinh năm 1968), Vì Văn Đọng (sinh năm 1964) cùng trú tại xóm Dến và 6 người bị thương.
Thông tin thêm về vụ việc, đồng chí Hà Công Hùng, cán bộ xã Mai Hịch cho biết: Từ trước đến nay trên địa bàn xã chưa xảy ra vụ TNLĐ nào nghiêm trọng như thế này. Nguyên nhân của vụ việc được xác định là do việc làm nhà chưa được tính toán kỹ, vừa san nền chưa lâu đã dựng nhà ngay. Trong quá trình dựng, ngôi nhà có dấu hiệu xiêu vẹo, nghiêng về một phía nhưng người ta vẫn chủ quan cho rằng, điều đó không quá nghiêm trọng. Thậm chí anh Vì Văn Định người trong nhóm thợ thấy nhà có dấu hiệu xiêu vẹo đã cảnh báo mọi người nhưng bản thân anh Định vẫn leo lên lợp mái. Khi ngôi nhà bị đổ, Vì Văn Định cũng bị gỗ, ngói đè làm gãy chân...
Mới đây nhất, vào hồi 7h30’ ngày 9/5/2018, tại gia đình ông Bùi Quang Vũ, số nhà 225, tổ 13, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) cũng xảy ra TNLĐ nghiêm trọng làm 2 người bị thương nặng. Theo đó, trong quá trình dùng tời vận chuyển vật liệu, sắt thép lên tầng 3 để chuẩn bị đổ rầm mái nhà, do sơ xuất đã để thanh sắt chạm vào đường dây điện 220KV phía trên, gây ra hiện tượng phóng điện. Hậu quả làm 2 người là Phạm Văn Hiệp (sinh năm 1983) có hộ khẩu thường trú tại Tiền Hải (Thái Bình) và Xa Văn Nê (sinh năm 1993) trú tại xã Đồng Chum (Đà Bắc) bị thương nặng.
Mất an toàn nghiêm trọng
Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, đồng chí Ngô Ngọc Thu, Trưởng phòng Việc làm - ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH) nhấn mạnh: Hiện nay, các lao động hoạt động trong lĩnh vực XDDD bị mất ATLĐ nghiêm trọng. Đa phần người lao động hoạt động trong lĩnh vực này đều có tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động kém. Điều kiện và môi trường làm việc nguy hiểm nhưng hầu như không có hoặc không được trang bị bảo hộ lao động phù hợp...
Qua thực tế tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, ở hầu hết các công trình XDDD đều do các nhóm thợ tự tập hợp nhau lại đảm nhiệm. Các nhóm thợ này không có và không xác lập hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động. Việc trang bị các trang thiết bị bảo hộ lao động cũng sơ sài, hạn chế, không mang tính chất bảo hộ, bảo đảm an toàn.
Anh Bùi Văn Thực ở phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) - người thường đảm nhận việc tháo, phá dỡ các công trình XDDD trên địa bàn TP Hoà Bình cho biết: Chúng tôi hoạt động theo nhóm, tự tập hợp anh em có việc thì gọi nhau đi làm. Dù biết là công việc mang tính chất đặc thù, nguy hiểm nhưng anh em đi làm vì miếng cơm manh áo nên không có điều kiện để đầu tư mua thiết bị bảo hộ lao động. Vấn đề đảm bảo an toàn trong khi làm việc cũng chỉ là người biết bảo người chưa biết và quá trình làm cũng chú ý cẩn thận hơn.
Xung quanh vấn đề này, đồng chí Ngô Ngọc Thu cho biết thêm: Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 50 nghìn người lao động làm việc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm không có thoả ước, hợp đồng lao động. Trong số này có rất nhiều người lao động hoạt động trong các lĩnh vực XDDD - ngành nghề có mức độ mất ATLĐ cực kỳ nghiêm trọng đang ở mức báo động. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ TNLĐ trong lĩnh vực XDDD. Đáng nói, trong 16 vụ TNLĐ xảy ra có đến 12 vụ gây chết người, chiếm tỷ lệ 75% số vụ. Nguyên nhân của tình trạng này là do người lao động chủ quan, không có ý thức tự bảo vệ bản thân. Về phía chủ đầu tư xây dựng công trình dân dụng thường là các cá nhân chỉ có trách nhiệm thuê người làm. Còn những vấn đề liên quan đến việc đảm bảo ATLĐ đều do người lao động tự chịu trách nhiệm. Mặc dù vấn đề này đã giao cho cơ quan chức năng nắm bắt, thực hiện công tác quản lý nhưng lại chưa có chế tài, xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
Để hạn chế tình trạng mất ATLĐ trong lĩnh vực XDDD "Trước hết phải tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện vệ sinh ATLĐ cho người lao động. Việc này cần được quản lý, làm chặt từ cấp xã. Đồng thời phải tổ chức huấn luyện ATLĐ cho chính cán bộ địa bàn để họ có kiến thức, kỹ năng, nhận biết được những nguy hiểm đối với người lao động đang hoạt động trong lĩnh vực XDDD ở địa phương để nhắc nhở. Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền nên có chế tài quy định tất cả các nhóm thợ hoạt động trong lĩnh vực này cần phải được huấn luyện và cấp thẻ ATLĐ thì mới được phép hoạt động, như các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu phải có chứng chỉ về huấn luyện ATLĐ là một yêu cầu bắt buộc. Hiện nay, vấn đề này đang buông lỏng quản lý, hầu như không có sự quản lý kiểm soát nên ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn cho người lao động là không có. Do vậy, đây chính là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATLĐ”, đồng chí Ngô Ngọc Thu kiến nghị.
Mạnh Hùng