Vườn cam 13 năm tuổi của gia đình chị Lê Thị Hiên ở khu 7, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) trơ trụi sau gần 2 tháng bị phun thuốc diệt cỏ.
Chúng tôi tìm đến vườn nhà chị Hiên. Con đường đất từ khu vực trồng cam dẫn vào vườn khá khó khăn, có đoạn dốc và trơn. Các vườn xung quanh cam, quýt đều xanh tươi, quả sai trĩu đang ngả vàng chờ thu hoạch, duy chỉ có vườn cam, quýt nhà chị trơ trụi.
Chị Hiên kể: Khoảng 17h ngày 13/7/2018, tôi vào kiểm tra vườn bất ngờ phát hiện các cây quýt ôn Châu bị cháy lá, thân và cành cũng khô héo, quả rụng đầy gốc, cỏ dưới gốc cháy khô. Đến ngày hôm sau, các cây cam Canh cũng trong tình trạng tương tự. Kiểm tra bể thấy còn ít nước màu xanh, bình và vòi phun thuốc của gia đình để ngay tại vườn cũng bị lấy sử dụng. Bao nhiêu công chăm sóc, giờ lại ra nông nỗi này, xót lắm! Tính riêng vụ năm nay, gia đình đã đầu tư chăm sóc 45 triệu đồng. Nếu không bị khô héo, hỏng, gia đình thu được khoảng 20 tấn cam, quýt, tính giá trung bình 20.000 đồng/kg cũng mất 400 triệu đồng. Chăm sóc tốt, vườn có thể cho thu hoạch nhiều năm nữa. Sau khi xảy ra vụ việc, gia đình đã cố gắng chữa trị cho cây, cắt bớt cành khô, thuê người dọn vườn, đến nay, một số cây đã mọc chồi mới. Tuy nhiên, đánh giá tổng quan là không thể giữ được nữa mà phải trồng mới hoàn toàn. Gia đình chúng tôi chuyên tâm làm ăn, không xích mích với ai mà lại xảy ra vụ việc như vậy, thấy rất bức xúc. Mong cơ quan công an tìm ra thủ phạm.
Trưởng Công an thị trấn Cao Phong Phạm Văn Hùng đi cùng chúng tôi đến vườn nhà chị Hiên cho biết: Khi nhận được tin báo về vụ việc, tôi đã đến hiện trường xác minh. Công an huyện đã lấy mẫu nước màu xanh còn sót lại ở bể đi kiểm nghiệm và xác định đó là thuốc diệt cỏ. Vụ việc gây tâm lý lo lắng cho những hộ trồng cam trong vùng, vì đầu tư, chăm sóc loại cây này tốn kém, nhiều gia đình phải vay tiền ngân hàng.
Trước đó, ngày 13/2/2018, vườn cam gần 2 ha của gia đình ông Trần Xuân Nguyên ở xóm Nam Hồng, xã Dũng Phong bị kẻ xấu chặt phá hoàn toàn. 302 cây cam hơn 1 năm tuổi được trồng xen với mía từ đầu năm 2016 đã bị chặt hạ. Bao công từ đầu tư giống, phân bón đến chăm sóc bỗng chốc bị tàn phá, khu vườn xanh tươi trở nên tan hoang.
Theo Công an huyện Cao Phong, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng cố ý hủy hoại tài sản với hình thức phá hoại cây cam. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 2 vụ gây thiệt hại lớn cho nhân dân. Trong đó, 1 vụ đối tượng sử dụng công cụ, phương tiện là dao để chặt phá, 1 vụ sử dụng thuốc diệt cỏ phun làm hỏng cây. Năm 2015 - 2016 không xảy ra những vụ gây thiệt hại lớn như vậy, chỉ lẻ tẻ vụ chặt phá với số lượng rất ít. Qua quá trình giải quyết, điều tra, xử lý các vụ việc cho thấy, nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn, thù tức giữa đối tượng và gia đình bị hại. Khó khăn là vườn cam thường ở khu vực đồi núi, xa khu dân cư, chủ tài sản không thường xuyên có mặt để quản lý, trông coi nên có những vụ việc xảy ra một thời gian mới phát hiện và rất ít thông tin phục vụ công tác điều tra. Lý do xảy ra vụ việc chủ yếu do mâu thuẫn nhưng phía bị hại ngại cung cấp những thông tin này. Tài liệu chứng minh về nguồn gốc, chi phí chăm sóc ít được bị hại quan tâm lưu giữ nên gặp khó trong việc định giá tài sản.
Chỉ vì mâu thuẫn, xích mích trong cuộc sống mà phá hoại kinh tế, triệt hạ cơ nghiệp của nhau là hành động đáng bị lên án, dư luận bất bình và đối tượng gây ra vụ việc cần phải xử lý nghiêm minh. Để ngăn ngừa tình trạng cố ý hủy hoại tài sản, trung tá Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng Công an huyện Cao Phong đưa ra một số giải pháp: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tác hại của hành vi hủy hoại tài sản. Phát động phong trào quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự trông coi, bảo vệ tài sản của mình. Tích cực tố giác, cung cấp tin báo tội phạm nói chung và tội phạm hủy hoại tài sản nói riêng. Tổ chức các tổ tuần tra tại vùng trồng cam. Chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo giải quyết các vụ việc mâu mắc, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay tại cơ sở, không để phát sinh phức tạp có thể dẫn đến việc hủy hoại tài sản. Các cơ quan bảo vệ pháp luật làm tốt công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội để răn đe các đối tượng khác. Cơ quan chuyên môn tăng cường quản lý việc kinh doanh, buôn bán, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc diệt cỏ.
Cẩm Lệ