Các bị cáo tại phiên tòa.
Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của Đơn nguyên lọc máu tại BVĐK tỉnh, Bùi Mạnh Quốc đã sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axit Clohydric (HCL), đây là hóa chất chưa được Bộ Y tế thẩm định, cấp phép dùng cho mục đích khử khuẩn trang thiết bị y tế để sục rửa các vỏ màng lọc. Khi sửa chữa, bảo dưỡng, Quốc đã không sục xả hết lượng hóa chất đã dùng, để tồn dư lượng hóa chất vượt quá mức an toàn trong hệ thống nước; chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định tiêu chuẩn AAMI (hệ tiêu chuẩn nước an toàn dành cho hệ thống RO) theo thỏa thuận nhưng vẫn đưa hệ thống lọc nước RO số 2 vào sử dụng gây hậu quả nghiêm trọng.
Còn Hoàng Công Lương là người ra y lệnh và ký xác nhận y lệnh để tiến hành việc lọc máu cho 18 bệnh nhân khi chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước sau sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2. Do nguồn nước không đảm bảo, còn tồn dư hoá chất độc hại trực tiếp đi vào người bệnh nhân, đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 9 bệnh nhân tử vong.
Đối với Trần Văn Sơn, được giao nhiệm vụ quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng thay thế phụ tùng và trực tiếp trao đổi với Bùi Mạnh Quốc thực hiện việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2. Mặc dù, biết rõ Bùi Mạnh Quốc chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm nhưng sáng 29/5/2017 khi có mặt tại Đơn nguyên lọc máu, Sơn vẫn để cho Đơn nguyên lọc máu đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Trần Văn Thắng là Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế - BVĐK tỉnh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao đã buông lỏng, không sâu sát trong công tác quản lý, thiếu kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới trong một thời gian dài, không làm hết trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất với Giám đốc bệnh viện ban hành văn bản quy định cụ thể đối với việc quản lý, sửa chữa, sử dụng các thiết bị y tế nói chung và hệ thông RO nói riêng.
Bị cáo Hoàng Đình Khiếu, là Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực trong đó có Đơn nguyên thận nhân tạo. Tuy nhiên, với vai trò và nhiệm vụ được giao, là người chịu trách nhiệm về chất lượng nước sử dụng trong lọc máu nhưng đã buông lỏng trong công tác quản lý, thiếu kiểm tra đôn đốc, giám sát đối với cấp dưới để xảy ra tình trạng một thời gian dài, tùy tiện đưa luôn vào sửa dụng khi chưa có kết quả xét nghiệm chất lượng nước, chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Đối với Trương Quý Dương, Giám đốc BVĐK tỉnh là người đứng đầu bệnh viện đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, chỉ đạo, điều hành, thiếu kiểm tra thường xuyên đối với cấp dưới, để cho cấp dưới có những vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn là người ký hợp đồng liên kết khai thác hệ thống máy chạy thận nhân tạo với BVĐK tỉnh. Nhưng những lần sửa chữa, bảo dưỡng hệ thông lọc nước RO đã ký hợp đồng và thanh lý hợp đồng với Trương Quý Dương, đều do Quốc là người trực tiếp thực hiện, sau khi sửa chữa đều đưa vào sử dụng ngay khi chưa có kết quả xét nghiệm nước, chưa có bàn giao nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Sau khi trải qua quá trình tố tụng, tranh tụng tại phiên toà và xem xét toàn diện nội dung vụ án HĐXX đã quyết định xử phạt các bị cáo Bùi Mạnh Quốc 54 tháng tù; Hoàng Công Lương 42 tháng tù về tội "Vô ý làm chết người; Trần Văn Sơn 42 tháng tù, Hoàng Đình Khiếu 36 tháng tù, Trần Văn Thắng 36 tháng tù, Trương Quý Dương 30 tháng tù, Đỗ Anh Tuấn 30 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Về trách nhiệm dân sự, buộc BVĐK tỉnh và Công ty Cổ phần Thiên Sơn phải liên đới trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân và bệnh nhân trong sự cố y khoa xảy ra ngày 29/5/2017 với tổng số tiền trên 2,4 tỷ đồng. Trong đó, BVĐK tỉnh phải bồi thường số tiền gần 1,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thiên Sơn phải bồi thường 728.400.000 đồng.
Ngoài ra, HĐXX cũng đề nghị cơ quan CSĐT tiếp tục xác minh, xem xét trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Công Tình, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh về hành vi làm giả, hợp thức hoá các giấy tờ tài liệu, khai báo gian dối có liên quan đến vụ tai biến y khoa; kiến nghị Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh chấn chỉnh những vi phạm sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, chuyên môn khám chữa bệnh và thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác khám chữa bệnh trong lĩnh vực y tế. Bởi đây là một trong những nguyên nhân góp phần để xảy ra sự cố y khoa để đảm bảo công tác quản lý và đảm bảo an toàn trong hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
P.V
(HBĐT) - Hoạt động họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường ở các chợ vùng nông thôn vẫn diễn ra, có lúc, có nơi còn lộn xộn. Vi phạm về hành lang an toàn giao thông (ATGT) tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn còn nhức nhối... Đó là thực trạng tình hình ATGT ở huyện Mai Châu. Các ngành chức năng đang tích cực vào cuộc, triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) dịp đầu năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.