(HBĐT) - Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.153 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. Trong đó, có 106 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 128 cửa hàng đăng ký kinh doanh cho thuê xe máy, ô tô, tư vấn hỗ trợ tài chính (thực chất là kinh doanh cầm đồ trá hình hoạt động cho vay tiền) tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ANTT và vi phạm pháp luật.
Điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) đọc lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với các đối tượng bắt giữ người trái phép liên quan đến hoạt động "tín
dụng đen” xảy ra tại huyện Lạc Sơn.
Thủ đoạn tinh vi, tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh - trật tự
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.153 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. Trong đó, có 106 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 128 cửa hàng đăng ký kinh doanh cho thuê xe máy, ô tô, tư vấn hỗ trợ tài chính (thực chất là kinh doanh cầm đồ trá hình hoạt động cho vay tiền) tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ANTT và vi phạm pháp luật.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, hoạt động "tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh diễn ra tinh vi, phức tạp, được thực hiện trá hình dưới nhiều hình thức, dẫn đến nhiều hành vi vi phạm như bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng. Từ tháng 4/2017 đến hết tháng 12/2018, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 36 vụ việc liên quan đến dịch vụ cầm đồ, hoạt động "tín dụng đen", gồm: 4 vụ bắt giữ người trái pháp luật, 9 vụ cố ý gây thương tích, 1 vụ cưỡng đoạt tài sản, 2 vụ huỷ hoại tài sản, 8 vụ uy hiếp tinh thần... Cơ quan chức năng đã khởi tố 5 vụ, 15 bị can. Đặc biệt, đã nhanh chóng lập án, điều tra khám phá 2 ổ nhóm với 12 đối tượng về hành vi bắt giữ người trái pháp luật để siết nợ theo kiểu "xã hội đen”.
Theo trung tá Bùi Đức Thịnh, Phó Trưởng Công an thành phố Hoà Bình, trước đây, hoạt động "tín dụng đen" chủ yếu liên quan đến các hiệu cầm đồ. Thời gian gần đây, để đối phó với lực lượng chức năng, nhiều cơ sở cầm đồ đã chuyển sang kinh doanh cho thuê xe máy, ô tô, tư vấn hỗ trợ cho vay tài chính. Bởi đây là những hình thức kinh doanh không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT. Đây là thủ đoạn rất tinh vi của các đối tượng cho vay, vừa tránh được sự kiểm tra của lực lượng chức năng, vừa gắn trách nhiệm hình sự cho khách vay tiền.
Hiện trên địa bàn thành phố Hoà Bình ngoài 25 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, ký gửi có giấy phép còn có 44 cơ sở kinh doanh dưới hình thức cho thuê xe, hỗ trợ tài chính và 5 công ty hỗ trợ tài chính. Đáng nói, số cơ sở cho thuê xe và hỗ trợ tài chính phần lớn là những cơ sở hoạt động trá hình cho vay nặng lãi. Về hình thức, thủ đoạn của các cơ sở này thường cho vay theo hình thức tín chấp như cho cán bộ, công chức Nhà nước vay tiền nhưng có giấy tờ biên nhận tiền xin việc hoặc cắm thẻ, giấy tờ cơ quan Nhà nước; cho vay bằng hình thức bốc bát họ, thuê xe, đáo nợ ngân hàng. Các hình thức vay nêu trên khi viết giấy vay nợ đều không thể hiện mức lãi suất. Để đảm bảo hoạt động thu hồi tiền vay, các cơ sở cho vay "tín dụng đen” thường liên kết với một số đối tượng côn đồ làm bộ phận chân rết đi đòi, ép trả theo kiểu "xã hội đen” ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và tính mạng của người vay; nhẹ hơn thì dùng thủ đoạn nhắn tin đe dọa, đổ chất bẩn để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay... Năm 2018, trên địa bàn thành phố Hoà Bình đã xảy ra 22 vụ ném chất bẩn, 5 vụ cố ý gây thương tích, 1 vụ gây rối trật tự công cộng. Về người vay, đa phần là những người có lối sống buông thả, chơi bời, hoặc những người hám lợi vay chỗ này để cho chỗ khác vay ăn chênh lệch...
Tập trung đấu tranh, truy quét, xử lý
Thực tế công tác đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen” của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, nan giải. Như việc ném chất bẩn thường được các đối tượng thực hiện vào ban đêm và nhanh chóng tẩu thoát rất khó để điều tra, làm rõ. Hơn nữa, khi làm rõ về bản chất đối tượng là người đi đòi nợ thuê nhưng chúng thường lấy lý do mâu thuẫn hợp lý, khó cấu thành tội phạm, chỉ xử lý hành chính nên không có tính răn đe. Đối với những vụ cố ý gây thương tích liên quan đến "tín dụng đen” thường có đông đối tượng tham gia. Các đối tượng có nhân thân xấu, lỳ lợm không thừa nhận được thuê đi đòi nợ nên quá trình chứng minh hành vi vi phạm pháp luật gặp nhiều khó khăn...
Để ngăn chặn, xử lý, đấu tranh hiệu quả với tội phạm "tín dụng đen” một cách triệt để, theo trung tá Bùi Đức Thịnh, Phó Trưởng Công an thành phố Hoà Bình, các cấp có thẩm quyền cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy định pháp luật một cách chặt chẽ, có tính dự báo, phòng ngừa lâu dài. Trước mắt, lực lượng Công an và các ban, ngành liên quan cần có sự phối hợp để phòng ngừa, xử lý các vi phạm, giải quyết những vấn đề nổi cộm do hoạt động "tín dụng đen” gây ra. Các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác; khi cần vay tiền đến các ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tín dụng hợp pháp; khi thực hiện hợp đồng vay tiền cần đọc kỹ nội dung. Nếu không rõ thì nhờ người tư vấn, tránh ký vào giấy vay mượn mà không hiểu nội dung sẽ gây nhiều hệ lụy về sau. Khi bị đòi nợ, đe dọa, phải bí mật hoặc nhờ người thân báo ngay cho cơ quan Công an giải quyết kịp thời.
Mạnh Hùng