Thực hiện Nghị định số 133/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Quy chế số 639/QCPH-BCHQS-CA-SNN&PTNT, sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được duy trì thực hiện một cách có hiệu quả, đi vào nề nếp. Qua đó, đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cảnh giác phòng, chống âm mưu, thủ đoạn, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan doanh nghiệp, nhà trường an toàn về ANTT; tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; có nhận thức đúng đắn về quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, PCCR. Tính đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức, xây dựng và nhân rộng 8.754 đơn vị mô hình tự quản trong công tác đảm bảo ANCT - TTATXH; bảo vệ rừng và PCCR. Xây dựng được 206 phương án PCCR cấp xã, 11 phương án cấp huyện, 5 phương án Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, 1 phương án cấp tỉnh. Duy trì, củng cố 1.827 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng với trên 11 nghìn người tham gia. Trong năm 2018, các đơn vị cũng đã thực hiện có nền nếp công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phối hợp giữa công an xã với DQTV, kiểm lâm trong hoạt động bảo vệ ANCT - TTATXH ở cơ sở; bảo vệ và PCCR.
Tại hội nghị, các ngành đã thảo luận chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ công tác phối hợp năm 2019. Trên cơ sở kết quả thực hiện Quy chế phối hợp, các ngành cũng đã kiến nghị trung ương, tỉnh xem xét tăng mức khoán bảo vệ rừng, tạo điều kiện cho người dân có thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra để bảo vệ rừng; UBND tỉnh đảm bảo kinh phí cho hoạt động phối hợp giữa lực lượng DQTV, công an xã và kiểm lâm địa bàn tại cơ sở; đầu tư, bố trí phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, PCCR tại chỗ cho các địa bàn xóm xã, trọng điểm...
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các ngành cũng đã ký kết triển khai thực hiện Quy chế phối hợp bảo vệ ANCT - TTATXH ở cơ sở; bảo vệ và PCCR năm 2019.
Mạnh Hùng