Các đồng chí lãnh đạo huyện Đà Bắc và các sở, ngành động viên tân binh lên đường làm nhiệm vụ trong Lễ giao nhận quân năm 2019.
Chàng trai Vũ Hữu Sỹ năm đó 27 tuổi, quân số của Quân đoàn 3 hành quân từ đồng bằng Bắc Bộ tiến vào giải phóng mặt trận Tây Nguyên rồi thẳng đường 14 tiến đánh đập tan "cánh cửa thép" hướng Tây Bắc, đó là căn cứ Đồng Dù (Củ Chi). Ông cùng các đồng đội tham gia trực tiếp trận đánh giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 ấy còn có nhiều người con của quê hương Đà Bắc thuộc Quân đoàn 3 cùng tham gia chiến đấu, góp sức cho sự nghiệp giải phóng toàn dân tộc. Trong đó, ông Sỹ nhớ rõ nhất là liệt sỹ Xa Văn Y đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch này.
Bên cạnh những con em của quê hương Đà Bắc trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường, những người ở lại hậu phương tích cực thi đua lao động, sản xuất góp sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, vừa tham gia lực lượng dân quân tự vệ chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, vừa đẩy mạnh phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang" với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Vượt lên nhiều gian khó, vừa sản xuất, vừa chiến đấu để bảo vệ quê hương, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, 1.268 thanh niên, gồm 1.229 nam, 39 nữ đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Trong huyện có tới 30,6% hộ đưa con em tham gia quân đội, chiếm 4,8% dân số, 13,4% lực lượng lao động, trong đó 4,5% là đảng viên, 83,6% là đoàn viên. Nhiều xã như Tân Lập có tới 6,5% và Hào Tráng 5,93% dân số nhập ngũ, 57 gia đình có 2 - 3 con em lên đường đánh Mỹ. Những người tham gia quân đội hoặc phục vụ hỏa tuyến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Con em quê hương Đà Bắc đã có mặt trên khắp chiến trường, lập nhiều chiến công. Lực lượng dân quân không ngừng lớn mạnh, lập nhiều công lớn. Tính đến năm 1972, cả huyện có 3.085 đội viên (2.291 nam, 794 nữ, 324 đảng viên, 797 đoàn viên) với sự tham gia của tất cả các dân tộc trên địa bàn.
Đặc biệt, quân và dân trong huyện đã lập công lớn bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái. Công tác phòng không, sơ tán được chú trọng, đã đào 3.808 hầm với 2.465 ngày công, 10.164 hố với 5.164 ngày công, 43.660 m hào giao thông với 43.460 công. Ngành Giao thông vận tải làm được 82 km đường ô tô, 129 km đường dân sinh kinh tế, sửa chữa 13 km đường ô tô và 108 km đường dân sinh, 50 cầu cống với chiều dài 710 m. Ngoài ra còn huy động 120 con ngựa, 50 con trâu thồ, 600 thuyền độc mộc và thuyền nan, mở 8 bến đò ngang phục vụ chiến đấu và đời sống nhân dân. Chính sách hậu phương quân đội trong những năm tháng đó được thực hiện đầy đủ. Gia đình có con em tại ngũ hoặc chiến đấu ở chiến trường thường xuyên được thăm hỏi, động viên. Các HTX điều hòa cho các gia đình liệt sỹ, thương binh, gia đình bộ đội 30,127 tấn thóc. Ngoài ra còn vận động nhân dân giúp đỡ làm nhà, đào hầm hố phòng không.
Sự đóng góp, hy sinh của lớp lớp thanh niên các dân tộc Đà Bắc trên chiến trường đã tô thắm thêm những trang sử hào hùng của quê hương, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp nối truyền thống vẻ vang, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc tiếp tục vượt khó đi lên, tạo dựng cuộc sống với những đổi thay tích cực, chính trị - xã hội ổn định, QP-AN được củng cố. Chung sức vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc trong huyện đã động viên con em tiếp bước cha ông lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Công tác tuyển chọn, gọi công dân lên đường nhập ngũ hàng năm luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu giao nhận với chất lượng ngày càng được nâng lên. Từ năm 2009 đến nay, huyện Đà Bắc luôn là một trong những địa phương làm tốt công tác phát triển đảng viên trong thanh niên nhập ngũ. Về công tác quân sự quốc phòng liên tục là đơn vị đứng ở tốp đầu, năm 2018 được tặng cờ thi đua xuất sắc của tỉnh về công tác quân sự - quốc phòng địa phương.
Bùi Minh