Với thủ đoạn vay tiền của người này để trả cho người kia, Phùng Thị Hằng, trú tại tổ 14, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) bị đưa ra xét xử về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Vay tiền bằng "tình thân”
Tính từ năm 2014 đến tháng 4/2018, từ mối quan hệ quen biết, Phùng Thị Hằng đã vay tiền của nhiều người. Người ít cũng vài ba trăm triệu đồng, người nhiều thì hàng tỷ đồng. Tuy vậy, khi được hỏi, nhiều người chỉ úp mở "cũng là giúp nhau lúc khó khăn”. Chỉ tính riêng số tiền mà 10 người đứng đơn tố cáo đến cơ quan chức năng đã lên tới hơn 6,4 tỷ đồng. Trong đó, Phùng Thị Hằng vay của bà Trần Thị M. 3 lần với tổng số tiền 400 triệu đồng; vay của bà Nguyễn Thị T. 5 lần với tổng số tiền 800 triệu đồng; vay của chị Nguyễn Thị S. 2 lần với tổng số tiền 400 triệu đồng; vay của bà Dương Thị L. 2 lần với tổng số tiền 400 triệu đồng; vay của ông Trần Văn N. 4 lần với tổng số tiền 550 triệu đồng; vay của bà Nguyễn Thị V. 4 lần với tổng số tiền 600 triệu đồng; vay của bà Nguyễn Thị L. 4 lần với tổng số tiền 700 triệu đồng; vay của bà Nguyễn Thị D. 430 triệu đồng; vay của bà Vũ Thị B. tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; vay của bà Nguyễn Minh H. 2 lần với tổng số tiền 850 triệu đồng.
Số tiền vay được, Hằng đầu tư kinh doanh vào một số lĩnh vực như câu lạc bộ thể hình, thẩm mỹ, quán bia trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh không hiệu quả nên để có tiền tiếp tục kinh doanh cũng như trả lãi cho các khoản vay và không để xảy ra tình trạng vỡ nợ, từ năm 2014 đến tháng 4/2018, Phùng Thị Hằng đã đưa ra những thông tin về việc đầu tư làm ăn, kinh doanh như mở rộng đầu tư vào dự án không có thật để vay tiền. Tuy vậy, quá trình kinh doanh tiếp tục thua lỗ, Phùng Thị Hằng đã chuyển nhượng, bán toàn bộ tài sản và các cơ sở kinh doanh được hình thành từ tiền vay của những người nêu trên. Đáng nói, toàn bộ số tiền chuyển nhượng, bán tài sản, cơ sở kinh doanh được hình thành từ tiền vay được Phùng Thị Hằng dùng để trả lãi và trả các khoản vay của người khác, không thông báo, không trả cho chính những người đã cho Hằng vay tiền để đầu tư kinh doanh. Sau đó, Hằng đã bỏ trốn khỏi địa phương nhằm chiếm đoạt toàn bộ số tiền vay. Trước khi bỏ trốn, Hằng đã viết thư cho những "chủ nợ” với nội dung là đi nước ngoài làm ăn, tắt máy điện thoại rồi cùng chồng bỏ trốn...
Hay mối quan hệ cung - cầu?
Trong vụ án này, có một câu hỏi đặt ra: tại sao Phùng Thị Hằng có thể vay được số tiền lên đến hàng tỷ đồng của nhiều người trong khi không có những ràng buộc pháp lý một cách chắc chắn? Tại sao nhiều người dễ dàng cho Phùng Thị Hằng vay tiền thông qua những cam kết theo kiểu giao dịch dân sự dù ai cũng hiểu yếu tố rủi ro rất cao?
Đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên, chúng tôi được chị Nguyễn Thị L. - một tiểu thương ở chợ Phương Lâm (TP Hòa Bình) cho biết: Thực tế là việc vay tiền của bà Hằng và nhiều người đều được tính lãi suất theo ngày. Chứ chẳng có ai bỏ ra một khoản tiền lớn để cho vay dễ dàng như thế đâu.
Theo chị L. thì khi cho vay, giữa bên cho vay và bên vay có lập cam kết, thường là bản viết tay. Trong đó, chỉ có 2 bên và người làm chứng được biết mức lãi khoản vay. Trong giới tiểu thương trên địa bàn thành phố Hòa Bình, mức lãi vay dao động từ 1.000 - 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Chỗ quen biết, thân thuộc thường cho vay ở mức lãi suất từ 1.000 - 2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Nếu chỉ nhìn ở mức lãi suất thế này thì cũng không có gì là ghê gớm. Nhưng khi con số tiền vay lên đến cả trăm triệu đồng thì mức lãi này tính ra cũng không hề nhỏ. Mà càng nợ lâu, mức lãi lại càng tăng lên nhiều, có khi không thể kiểm soát được. Như trường hợp của bà Hằng, bà ấy vay mượn của nhiều nhiều với số tiền lên đến cả tỷ đồng. Riêng việc trả lãi cũng đã trở thành một gánh nặng. Thế nên nhiều người cho vay trong thời gian dài cũng chỉ được trả phần lãi chứ phần gốc đều không có khả năng thu hồi. Hơn nữa, số tiền trả lãi cho mọi người là số tiền mà bà Hằng đi vay của người này để trả cho người khác nên nợ lại càng dầy thêm. Còn những người cho vay thì phần lãi nhận được nhiều khi đó cũng chính là số tiền mình vừa cho vay.
Tuy nhiên, trong đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều thể hiện việc giao dịch, vay mượn giữa các đương sự hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Như từ tháng 3/2014 đến tháng 4/2016, Phùng Thị Hằng vay của bà Trần Thị M. tổng số tiền 400 triệu đồng với lãi suất từ 2 - 3%/tháng; vay của bà Nguyễn Thị T. tổng số tiền 800 triệu đồng với lãi suất 2%/tháng; vay của chị Nguyễn Thị K. tổng số tiền 400 triệu đồng với lãi suất 1,5 - 2,3%/tháng. Người cho vay có lãi suất cao nhất cũng chỉ đến 6%/tháng.
Theo một cán bộ cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh), với cách tính, hợp thức hóa việc vay mượn tiền trong giao dịch dân sự giữa các bên được thực hiện chủ yếu dựa trên mối quan hệ quen biết trong giới tiểu thương với nhau thì rất khó để có thể làm rõ hành vi cho vay nặng lãi. Bởi ngoài các giấy tờ viết tay không bao giờ được đưa ra, người ta đều có những hồ sơ, giấy tờ thủ tục có tính ràng buộc pháp lý. Nhưng trong đó, các khoản vay, cách tính lãi suất đều thể hiện việc vay mượn đúng quy định của pháp luật, tính lãi suất theo biên độ lãi suất ngân hàng theo từng thời điểm. Do vậy, việc làm rõ hành vi cho vay nặng lãi hầu như không thể. Chính sự rủi ro này mà trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra nhiều vụ vỡ nợ lên đến hàng chục tỷ đồng, trong đó vụ của Phùng Thị Hằng chỉ là một ví dụ.
P.V
(HBĐT) - Năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Ở một số địa phương còn có nhiều lượt công dân tiếp tục khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.