Hiện nay, huyện Đà Bắc có 122 tổ hòa giải với 793 hòa giải viên. Từ năm 2019 đến nay, các tổ hòa giải cơ sở đã thực hiện 69 vụ việc hòa giải và đã hòa giải thành công 63 vụ việc. Trong đó, có nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến tranh chấp đất đai, quyền sở hữu, tranh chấp tài sản, mẫu thuẫn gia đình, hàng xóm.
Xác định công tác hòa giải không chỉ góp phần gìn giữ tình làng nghĩa xóm, đảm bảo ANTT mà còn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân. Vì vậy, ngay khi triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa luật vào cuộc sống. Đồng chí Bùi Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện cho biết: Huyện đã chỉ đạo rà soát, củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở, chú trọng các địa bàn vừa mới sáp nhập xóm, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên. Phối hợp với các ngành, tổ chức tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở để nâng cao trình độ, năng lực của hòa giải viên. Công tác hòa giải cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhất là vai trò người có uy tín tại địa phương. Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với MTTQ và các hội, đoàn thể tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật cho hội viên, đoàn viên các hội, đoàn thể ở cơ sở. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân được đẩy mạnh. Cùng với tuyên truyền những luật mới ban hành, luật có tác động trực tiếp đến người dân, huyện chú trọng phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội. Từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật tại cộng đồng.
Trong năm qua, huyện đã tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi và hội thi về thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với 100% xã, thị trấn có đội thi tham gia. Với các phần thi về hiểu biết pháp luật, xử lý tình huống ở cơ sở, xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền, hội thi đã trở thành kênh tuyên truyền, trang bị kiếm thức pháp luật bổ ích cho các thành viên tổ hòa giải cũng như người dân trên địa bàn huyện. Đồng chí Đinh Thị Cúc, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Toàn Sơn cho biết: Tham gia hội thi, mỗi đội phải tìm hiểu kiến thức pháp luật, xây dựng kịch bản tiểu phẩm và đặt ra các tình huống giả thiết để xử lý. Trải qua quá trình tập luyện cũng là một lần được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức. Tham gia hội thi chúng tôi đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay từ các đội thi.
Theo đồng chí Bùi Thanh Hải, năm 2020, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, huyện rà soát, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên các xã sau sáp nhập. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền pháp luật về đất đai, hình sự, hôn nhân gia đình, phòng chống tội phạm ma túy, buôn bán người và xâm hại trẻ em nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân trên địa bàn. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giữ vững ANTT địa phương.
Đinh Hòa