Một buổi giao ban của cán bộ Trại tạm giam, Công an tỉnh.
Thượng tá Ngô Nguyên Ngọc – Giám thị Trại tạm giam, Công an tỉnh Hoà Bình chia sẻ: Công tác tham mưu không chỉ trên văn bản, giấy tờ mà giúp lãnh đạo đơn vị chỉ đạo, điều hành toàn bộ công việc tại Trại tam giam. Cái khó của cán bộ tham mưu là phát hiện, đề xuất những vấn đề đột phá định hướng công tác quản lý, giáo dục phạm nhân. Công tác quản giáo không chỉ coi thể xác mà quan trọng hơn, phải nắm được phần hồn của họ, hiểu được họ suy nghĩ gì, tâm tư, tình cảm thế nào, làm sao "chạm” được vào góc tâm hồn mà họ đang cố giấu. Từ suy nghĩ đó, Đội tham mưu đã đề xuất Ban giám thị phát động viết thư "Gửi lời xin lỗi” nhằm khơi gợi tính bản thiện trong con người của phạm nhân. Mặt khác, thông qua đó giúp cán bộ quản giáo nắm bắt tâm lý, tư tưởng phạm nhân để có biện pháp giáo dục phù hợp. Cán bộ tham mưu sẽ phát giấy, bút, hướng dẫn và tạo điều kiện về thời gian, đồng thời cử cán bộ trực tiếp đi liên hệ, tiếp xúc với những người nhận để đánh giá thái độ và ứng xử của họ. Vận động gia đình, người thân của phạm nhân viết thư phản hồi, động viên để cùng với Ban giám thị giáo dục phạm nhân tiến bộ. Từ hoạt động đơn lẻ, Cuộc vận động "viết thư xin lỗi” đã lan toả tới từng phân trại và mỗi phạm nhân với hàng chục, rồi hàng trăm lá thư gửi tới Ban giám thị. Mỗi lá thư chứa đứng nỗi niềm, là sự hối lỗi vì đã gây ra cho xã hội, mong được tha thứ.
Theo Trung tá Tống Chí Hiếu, Đội trưởng Đội tổng hợp, khó khăn lớn nhất đối với Trại tạm giam Công an Hoà Bình hiện nay là số lượng bị án tử tù rất cao, phần lớn là đối tượng liên quan đến ma tuý. Điều đó gây áp lực rất lớn từ lãnh đạo, chỉ huy đến cán bộ, chiến sỹ đơn vị. Vừa phải đảm bảo sức khoẻ cho tử tù đến khi thi hành án, vừa không để tử tù tự sát, bỏ trốn. Đặc biệt là phương án thi hành án đối với tử tù rất phức tạp, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng, trang bị phương tiện hiện đại. Đồng thời có kế hoạch phân công cụ thể các lực lượng tham gia như: hậu cần, bảo vệ, y tế, cảnh sát giao thông, cơ động... đảm bảo chặt chẽ, khoa học. Sau mỗi phương án, kế hoạch thành công, các anh lại tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện các phương án nghiệp vụ. "Trên thực tế mỗi sự việc đều có tính chất, mức độ khác nhau, dẫn đến các phương án, kế hoạch phải linh hoạt và phù hợp với thực tiễn. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ tham mưu phải tâm huyết, trách nhiệm với công việc, không ngừng nghiên cứu, sáng tạo thì mới có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao” – Trung tá Hiếu cho biết thêm.
Đội ngũ làm công tác tham mưu, hậu cần của Trại tạm giam, Công an tỉnh khá mỏng, nhiệm vụ lại vô cùng nặng nề, áp lực đè nặng lên từng cán bộ trong Đội. Vừa làm chuyên môn tham mưu, lập kế hoạch triển khai các văn bản, quy định về công tác tạm giam, tạm giữ đến các bộ phận, vừa phụ trách Văn phòng Đảng uỷ, theo dõi thi đua, khen thưởng, xây dựng lực lượng, hậu cần, đời sống của đơn vị. Đề xuất ban hành tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua đối với phạm nhân, phục vụ việc xếp loại, đánh giá thi đua và xét giảm án, ân xá, đặc xá hằng năm. Trong những năm qua, Đội tham mưu tổng hợp Trại tạm giam luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trở thành cánh tay đắc lực của Ban giám thị trong lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng môi trường Trại tạm giam văn minh, thực sự là nơi ươm mầm hướng thiện cho những mảnh đời một thời lầm lỗi.
Như Hùng
(Công an tỉnh)