Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh.
Trong đó, nhiều kế hoạch mang tính chuyên đề mang lại hiệu quả rõ nét, như: Kế hoạch phát động phong trào thi đua đảm bảo TTATGT; kế hoạch cao điểm xử lý vi phạm tốc độ đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; kiểm soát tải trọng phương tiện; an toàn đường thuỷ nội địa; tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ...
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp từng địa bàn, đối tượng. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đối với người tham gia giao thông. Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh, trong 5 năm thực hiện phong trào bảo đảm TTATGT giai đoạn 2016-2020, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền trên 650 buổi tại các trường học, khu dân cư cho hơn 150.000 lượt người. Sở GTVT tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, pano, áp phích; phát hành 15.000 tờ rơi về vận tải đường bộ, 5.000 tờ rơi quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (KCHTGTĐB) đến các tổ chức, cá nhân. Tổ chức tuyên truyền cho chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải; triển khai ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh vận tải đối với 32 đơn vị kinh doanh vận tải, 43 đơn vị đầu mối nguồn hàng.
Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong các đơn vị, trường học được chú trọng. Đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Công tác tuyên truyền ATGT và đội mũ bảo hiểm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nhằm đảm bảo an toàn đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên (HS-SV) khi tham gia giao thông. Ngành đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, nhất là quy định về độ tuổi lái xe mô tô, xe gắn máy, giấy phép lái xe (GPLX) và quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông đối với cán bộ, giáo viên, HS-SV. Hàng năm, Sở đều chủ trì, phối hợp Văn phòng Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh trong việc tuyên truyền, triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATGT trong các trường học...
Song song với tuyên truyền, giáo dục, công tác kiểm tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm được siết chặt. Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh trao đổi: Những năm qua, phòng đã chủ động xây dựng, duy trì triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các kế hoạch chuyên đề; mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), vi phạm KCHTGTĐB, hành vi vi phạm gây bức xúc, được dư luận quan tâm.
Theo đó, về đường bộ, giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng CSGT đã phát hiện 66.870 trường hợp vi phạm, xử phạt trên 55 tỷ đồng; tạm giữ 14.147 phương tiện, tước GPLX trên 4.700 trường hợp; vi phạm về tải trọng 1.131 trường hợp, xử phạt 3,4 tỷ đồng, tước GPLX 272 trường hợp. Về nồng độ cồn, xử phạt 2.945 trường hợp, số tiền 7,3 tỷ đồng, tước quyền sử dụng GPLX 1.515 trường hợp, tạm giữ 2.945 phương tiện. Về ma túy phát hiện 10 trường hợp, xử phạt 105 triệu đồng, tước GPLX 3 trường hợp, tạm giữ 10 phương tiện.
Bên cạnh đó, Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp Trạm kiểm tra tải trọng xe triển khai công tác kiểm tra bảo đảm TTATGT và kiểm soát tải trọng phương tiện trên tuyến. Trong 5 năm qua đã lập biên bản gần 4.790 trường hợp, xử phạt trên 24,4 tỷ đồng, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 1.564 trường hợp.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành và đồng thuận của Nhân dân, TNGT trên địa bàn tỉnh được kiềm chế trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Theo báo cáo của Phòng CSGT, trong 5 năm (2016 - 2020), trên địa bàn tỉnh, TNGT đường bộ xảy ra 514 vụ, làm chết 395 người, bị thương 393 người. So với cùng kỳ 5 năm trước liền kề giảm 88 vụ, giảm 91 người chết, giảm 122 người bị thương. TNGT đường thủy nội địa xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người, bị thương 1 người. So với cùng kỳ 5 năm trước liền kề giảm 1 vụ, giảm 1 người chết, tăng 1 người bị thương.
Nguyên nhân các vụ TNGT chủ yếu do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành các quy định về TTATGT. Trong đó, số vụ do nam giới gây ra chiếm 92,71%; độ tuổi gây ra tai nạn nhiều nhất từ 27-55 tuổi, chiếm 59,38%; thời gian xảy ra tai nạn nhiều nhất từ 18 - 24h, chiếm 48,54%; phương tiện xảy ra tai nạn nhiều nhất là mô tô, chiếm 54,17% tổng số vụ TNGT.