Công an huyện Tân Lạc bám nắm cơ sở, tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý, giáo dục con em, giúp đỡ người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng.
Không chỉ Bùi Văn M, thời gian qua, nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Công an đã nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng (HNCĐ), từng bước vươn lên trong cuộc sống. Như anh Nguyễn Văn Đ, thôn Đồng Làng, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) bị TAND huyện xử phạt 18 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội đánh bạc. Trong quá trình chấp hành án tại địa phương, Nguyễn Văn Đ luôn được cấp uỷ, chính quyền giám sát, động viên, giúp đỡ, không tái phạm. Đồng thời mở rộng quy mô cơ sở sản xuất xưởng bóc gỗ, sản xuất ván ép của gia đình, thu hút, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 công nhân là người địa phương, với mức lương từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Hay anh Bùi Văn Đ ở xóm Be Trên, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) là đối tượng tù tha, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sau khi được Công an huyện tặng 1 con bò giống đã trở thành nguồn động viên để anh và gia đình tiếp tục nỗ lực vươn lên...
Theo thống kê, giai đoạn 2015 - 2020, Công an các địa phương trong tỉnh đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức giúp đỡ, tái HNCĐ cho 2.321 người, trong đó có 1.274 người không tái phạm; phối hợp giáo dục 640 người lầm lỗi, có 164 người tiến bộ; giải quyết hàng trăm vụ việc mâu thuẫn gây mất đoàn kết nội bộ trong Nhân dân. Điển hình như Công an huyện Lạc Thủy phối hợp Hội LHPN và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức giúp đỡ, cảm hóa 47 người lầm lỗi, có 20 trường hợp tiến bộ, tạo việc làm cho 13 người tại các doanh nghiệp địa phương; Công an huyện Kim Bôi phối hợp giúp đỡ 702 người có quá khứ vi phạm pháp luật, 148 người diện tái HNCĐ... Thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng và các địa phương quản lý 1.033 người (913 nam, 120 nữ).
Để thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái HNCĐ, hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù tái HNCĐ, lập hồ sơ HNCĐ để quản lý, theo dõi. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã có những cách làm hiệu quả, sáng tạo trong công tác tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Tiêu biểu như Hội Nông dân thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) giúp đỡ 9 đối tượng hết thời hạn chấp hành án phạt tù trở thành hội viên; bảo lãnh cho 7 người được vay vốn tín chấp để phát triển kinh tế. Hội Nông dân huyện Cao Phong bảo lãnh cho 2 người mãn hạn tù trở về địa phương được vay 300 triệu đồng đầu tư sản xuất, kinh doanh; Hội Nông dân huyện Lạc Thủy bảo lãnh cho 8 người vay vốn sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống; Hội Nông dân xã Mai Hịch (Mai Châu) bảo lãnh 1 trường hợp vay vốn làm chủ thầu xây dựng, tạo việc làm cho 35 lao động địa phương... Các địa phương, đơn vị duy trì hoạt động 10 mô hình về tái HNCĐ. Như mô hình "Phối hợp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái HNCĐ” của xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) đã giúp đỡ tái HNCĐ cho 2 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống; mô hình "Cảm hóa, giáo dục đối tượng chấp hành xong án phạt tù” của Công an phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 27 lượt người chấp hành xong án phạt tù về địa phương... Bên cạnh các mô hình điển hình xuất hiện các cá nhân tiến bộ tiêu biểu, điển hình tiên tiến như: Anh Nguyễn Tiến Đoàn, trú tại tổ 7, phường Tân Thịnh, ủy viên BCH Hội Cựu chiến binh phường thực hiện tốt công tác tái HNCĐ, trực tiếp tạo việc làm cho 1 người tái HNCĐ; anh Nguyễn Mạnh Th, trú tại phường Tân Thịnh sau khi chấp hành xong án phạt tù về địa phương mở cửa hàng vận tải, bán vật liệu xây dựng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng...
Theo Đại tá Trương Quang Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh, để duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tái HNCĐ, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội cần tiếp tục có sự phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ; đẩy mạnh vận động toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi, người chấp hành xong án phạt tù chưa tiến bộ tại cộng đồng; đưa nội dung thực hiện biện pháp bảo đảm tái HNCĐ đối với người chấp hành xong án phạt tù vào chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, công tác dân vận của các lực lượng.
Mạnh Hùng