Khu trung tâm phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) được quy hoạch xây dựng theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.
Xác định việc lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, là cơ sở pháp lý cho công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ, thu hồi đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ và thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý SDĐ, do vậy, UBND tỉnh luôn chú trọng chỉ đạo nhiệm vụ này. Từ đó đã góp phần tích cực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị - xã hội; đảm bảo SDĐ tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái.
Thực tế cho thấy, qua mỗi giai đoạn phát triển KT-XH của địa phương, quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã dần tích hợp, thống nhất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có SDĐ. Công tác quy hoạch đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng, triển khai thực hiện đã phân định các khu đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo an ninh lương thực. Đồng thời, các khu đất trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang các mục đích khác để nâng cao hiệu quả SDĐ, phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH. Công tác quy hoạch, kế hoạch SDĐ từng bước đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, tăng tỷ lệ đô thị hóa, nhất là đối với vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, việc giao đất, cho thuê đất được quan tâm để phục vụ cho mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi xã hội và thực hiện các dự án thương mại, dịch vụ. Giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh đã thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ cho 761 dự án, tổng diện tích trên 11.880 ha. Thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá 109 dự án, tổng diện tích khoảng 450 ha, thu từ đấu giá quyền SDĐ 1.750 tỷ đồng. Thông qua thực hiện đấu giá quyền SDĐ đã tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách để có nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích SDĐ tiết kiệm, hiệu quả và tạo sự công bằng giữa các chủ SDĐ.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) và tăng tính phân cấp, tạo sự chủ động cho UBND cấp huyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ GPMB, UBND tỉnh đã ủy quyền cho UBND cấp huyện thực hiện thông báo thu hồi đất (THĐ); quyết định THĐ, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án có đối tượng THĐ là hộ gia đình, cá nhân; dự án có đối tượng THĐ là tổ chức và hộ gia đình, cá nhân; ủy quyền có điều kiện việc xây dựng, phê duyệt giá đất cụ thể phục vụ công tác BTGPMB. Theo đó, những năm qua, tỉnh đã hoàn thành công tác BTGPMB đối với 718 công trình, dự án; thu hồi trên 13.370 ha đất các loại của tổ chức và 37.829 lượt hộ gia đình, cá nhân SDĐ; bố trí tái định cư cho 595 hộ có đất ở bị thu hồi với diện tích 37,367 ha; tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ đã chi trả trên 14.120 tỷ đồng. Nhờ đó đã hoàn thành nhiều dự án trọng điểm như: Đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL12B đi QL1 qua các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy; đường Hòa Lạc - Hòa Bình; hồ Cánh Tạng (Lạc Sơn) giai đoạn 1… Hiện, tỉnh tập trung chỉ đạo công tác BTGPMB các dự án trọng điểm như dự án hồ Cánh Tạng giai đoạn 2, cầu Hòa Bình 2, dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng…
Thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, nhất là việc quy hoạch SDĐ có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội, đóng góp tích cực phát triển KT-XH của tỉnh. Trong nhiều cuộc họp gần đây của UBND tỉnh bàn về lập quy hoạch SDĐ cấp huyện, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết: Việc lập quy hoạch SDĐ là biện pháp hữu hiệu của Nhà nước nhằm hạn chế việc SDĐ lãng phí, bất hợp lý, kém hiệu quả, ngăn chặn các hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm, phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, kìm hãm phát triển sản xuất cũng như phát triển KT-XH. Đồng thời là cơ sở để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên, vừa đáp ứng mục tiêu CNH - HĐH… Chính vì vậy, các huyện, thành phố cần chủ động thực hiện việc lập quy hoạch SDĐ thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch SDĐ năm 2021.
Về vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với phát triển KT-XH của tỉnh và các huyện, thành phố. Công tác này luôn được UBND tỉnh chỉ đạo ráo riết. Làm quy hoạch phải mang tính dài hơn và phải đi trước nhằm tạo động lực cho phát triển bền vững. Bởi đây là "chìa khóa” mở ra các nhiệm vụ khác; đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng; tạo nguồn thu ngân sách, việc làm cho người dân và tăng trưởng kinh tế.
Thu Hiền
(HBĐT) - Thời gian qua, lực lượng Công an huyện Kim Bôi đã tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, bám sát địa bàn, quản lý chặt các loại đối tượng, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần ổn định tình hình ANCT - TTAXH trên địa bàn.