Lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền cho tiểu thương chợ thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) về phương thức, thủ đoạn lừa đảo lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.
Theo Thiếu tá Xa Thanh Hải, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Đà Bắc), thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện một số đối tượng giả danh cán bộ Công an huyện sử dụng các số điện thoại 0917xxxx98 xưng là Tuấn, 0918xxxx90 xưng là Dũng, 08288xxx45 xưng là Mai... là cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), Công an huyện gọi điện thoại cho các hộ kinh doanh, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn huyện yêu cầu tập huấn về công tác PCCC, mua tài liệu, cấp chứng chỉ về PCCC... Việc giao dịch, chuyển tiền cho các đối tượng được thực hiện theo nhiều phương thức như chuyển khoản, thông qua hệ thống chuyển phát nhanh... Với phương thức, thủ đoạn này, nhiều người dân, doanh nghiệp đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Trung tá Trần Anh Tuấn, Đội trưởng Đội công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ), việc các đối tượng giả danh cán bộ Công an để gọi điện thoại cho hộ kinh doanh, cơ quan, doanh nghiệp yêu cầu tập huấn về công tác PCCC, mua tài liệu, cấp chứng chỉ về PCCC diễn ra từ lâu. Phòng cũng đã tiếp nhận nhiều tin báo của các doanh nghiệp và người dân về vấn đề này. Tuy nhiên, việc điều tra, xác minh, xử lý gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, nhiều người cho rằng, số tiền bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt không lớn, chỉ từ vài trăm nghìn đồng đến 1 - 2 triệu đồng nên không trình báo cơ quan Công an. Hơn nữa, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo thường có địa chỉ cư trú ở các địa phương ngoài tỉnh; số điện thoại dùng để liên lạc thường là sim rác, chỉ liên lạc theo chiều gọi đi, khi gọi lại để xác minh đều không được...
Cũng theo Trung tá Trần Anh Tuấn, phương thức, thủ đoạn, thời điểm các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo thường dùng là giả danh, giả mạo cán bộ Công an gọi điện thoại đến các cơ quan, doanh nghiệp thông báo về việc tới đây cơ quan chức năng sẽ tiến hành đợt cao điểm về kiểm tra, xử lý những sai phạm liên quan đến hồ sơ công tác PCCC. Nếu các cơ sở sản xuất, kinh doanh không chấp hành sẽ bị đình chỉ hoạt động. Đối tượng để thực hiện hành vi lừa đảo thường là hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sau khi đồng ý với yêu cầu, các đối tượng lừa đảo sẽ gửi hồ sơ, yêu cầu tập huấn về PCCC, cấp chứng chỉ liên quan đến công tác PCCC...
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các đối tượng mạo danh cán bộ Công an thực hiện hành vi lừa đảo, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đã phối hợp Công an các huyện, thành phố ban hành các văn bản về việc tuyên truyền, nêu rõ những phương thức, thủ đoạn đối tượng thường sử dụng. Đồng thời khuyến cáo đại diện các cơ sở, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, người dân khi nhận được cuộc điện thoại yêu cầu chuyển tiền để tập huấn về PCCC; xây dựng hồ sơ về PCCC; cấp chứng chỉ liên quan đến công tác PCCC hoặc nghi ngờ bị lừa đảo... cần thông báo, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng Công an huyện, Công an các xã, thị trấn; hoặc thông tin đến số máy 02183.855.832 (Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ) để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh, không để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mạnh Hùng