Lực lượng CSGT kiểm tra xe quá khổ, quá tải trên đường Hồ Chí Minh.
Phương tiện ô tô, mô tô, xe máy tăng nhanh, cơ sở hạ tầng quá tải, đặc biệt ý thức người tham gia giao thông dù có chuyển biến nhưng tình hình vi phạm TTATGT diễn biến phức tạp, nguy cơ tai nạn giao thông tiềm ẩn tăng cao - Thượng tá Đinh Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết.
Từ đầu năm đến nay có từ 8.000 - 10.000 phương tiện ô tô đăng ký. Cơ quan chức năng quản lý khoảng 27.722 xe tô tô và 48,5 vạn xe máy. Thời gian gần đây, tình hình vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng. Nhằm bảo đảm TTATGT, các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Các vi phạm diễn ra ở các đô thị, nhất là khu vực TP Hoà Bình, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và va chạm giao thông, ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng và văn minh đô thị. Các vi phạm chủ yếu là vượt đèn đỏ, vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, sử dụng lòng đường, vỉa hè để đậu đỗ xe trái quy định, trong đó có cả CB, CC vi phạm. Ông Nguyễn Tiến Hùng, phường Hữu Nghị (TP Hoà Bình) cho biết: Mấy năm trước, gia đình có ô tô chỉ đếm được trên đầu ngón tay, giờ cơ bản đã có ô tô. Hầu hết các cơ quan, công sở đều không đủ chỗ đỗ xe, do vậy hiển nhiên là đỗ ra lòng lề đường. Một số tuyến đường trên địa bàn thành phố thường xuyên ùn ứ vào giờ cao điểm, nhiều phương tiện đậu đỗ trái quy định, bị lực lượng chức năng xử phạt. Đặc biệt khi bị lực lượng chức năng xử lý, nhiều cán bộ, công chức can thiệp đến công tác xử lý vi phạm… Thực tế đó làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật cũng như làm xấu hình ảnh của CB, CC.
Nhận thức tính nghiêm trọng của thực tế trên, ngày 21/4, Đại tá Lê Xuân Minh, Giám đốc Công an tỉnh đã ký Văn bản số 926-CAT/PV01 về việc phối hợp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn. Văn bản nhấn mạnh trong quá trình xử lý các vi phạm về Luật Giao thông đường bộ, có nhiều CB, CC can thiệp đến công tác xử lý. Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, phòng ngừa các vi phạm, bảo đảm TTATGT đường bộ, văn minh đô thị, Giám đốc Công an tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong tỉnh, chính quyền các huyện, thành phố phối hợp với Công an tỉnh thực hiện những nội dung như: Chủ động thực hiện và phối hợp với lực lượng công an tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân nói chung, CB, CC, viên chức thuộc đơn vị mình nói riêng dưới nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, khắc phục những lỗi vi phạm, góp phần bảo đảm TTATGT công cộng và văn minh đô thị trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên nhắc nhở CB, CC, viên chức trong cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện và vận động người thân, Nhân dân nơi cư trú chấp hành nghiêm túc quy định về Luật Giao thông đường bộ, tuyệt đối không được can thiệp vào việc xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng. Lực lượng công an sẽ thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, đơn vị, sở, ngành, UBND các huyện, thành phố việc CB, CC, viên chức của đơn vị vi phạm, kể cả hình thức "phạt nguội” và can thiệp vào việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng để xử lý, nhắc nhở cán bộ trong đơn vị thực hiện theo đúng quy định.
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, từ ngày 15/12/2021 - 14/3/2022, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông, làm 15 người chết và bị thương 13 người. Nguyên nhân chủ yếu là người điều khiển phương tiện không chấp hành các quy định về TTATGT như: Lạm dụng rượu, bia, phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng phần đường... Ban ATGT tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT theo chuyên đề, các nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông; mở các lớp tập huấn, tuyên truyền bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể thực hiện tốt việc giáo dục, xử lý trường hợp vi phạm khi có thông báo của cơ quan chức năng.
|
Lê Chung