(HBĐT) - Những năm qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, kiên quyết xử lý các cơ sở, phương tiện đường thủy vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT). Qua đó, tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng đảm bảo an toàn trên tuyến đường thủy nội địa.
Chúng tôi có mặt tại cảng Bích Hạ, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) đúng ngày HTX vận tải hàng hóa và du lịch sông Đà triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. HTX có 60 thành viên, hiện quản lý 28 phương tiện. Nhiều năm trở lại đây không có thành viên, phương tiện nào của HTX vi phạm các quy định về đảm bảo ATGT đường thủy đến mức phải xử lý. Ông Phạm Hồng Lâm, Giám đốc HTX cho biết: Việc chấp hành các quy định của pháp luật giờ đây đã trở thành ý thức tự giác của các thành viên. Trong quy chế hoạt động, chúng tôi đã nêu rõ, người lái, thuyền viên, thuyền trưởng phải có đầy đủ bằng lái, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Các phương tiện phải được trang bị đủ phao, áo phao cứu sinh và thiết bị chỉ báo hoạt động ban đêm, thiết bị phòng cháy còn hạn… Đặc biệt, nếu phương tiện cố tình vi phạm, bên cạnh việc bị xử phạt theo quy định Nhà nước còn bị nhắc nhở, xử lý theo quy ước riêng của HTX. Sở dĩ quy định như vậy vì từ sự tuyên truyền, nhắc nhở kịp thời của lực lượng CSGT đường thủy Công an tỉnh, chúng tôi hiểu, chấp hành quy định của pháp luật chính là cách hiệu quả nhất giữ an toàn cho hành khách, phương tiện và cho bản thân mình.
Không còn là mùa lễ hội, song lượng khách đến cảng để lên tàu đi du lịch các điểm tâm linh vẫn khá đông, các tàu vận tải hàng hóa hoạt động sôi động. Mỗi chuyến tàu chuẩn bị khởi hành đều được chủ thuyền kiểm tra an toàn phương tiện, hướng dẫn khách mặc áo phao đúng quy định trước khi rời bến. Theo anh Nguyễn Ngọc Anh, du khách đến từ Hà Nội, thời điểm này gia đình mới sắp xếp được thời gian để đến đền Thác Bờ. Lựa chọn đi thuyền, nhất là thời điểm mùa mưa bão khá lo lắng, nhưng khi lên thuyền, được hướng dẫn mặc áo phao cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn, các thành viên trong gia đình đã yên tâm hơn nhiều.
Tuyến giao thông đường thủy trên sông Đà, đoạn qua địa phận tỉnh có tổng chiều dài trên 100 km, với 45 cảng, bến. Trên tuyến, có 234 phương tiện chở khách và 24 phương tiện vận chuyển hàng hóa hoạt động. Trong khi đó, Đội CSGT đường thủy chỉ có 7 cán bộ, chiến sỹ. Những ngày này, để giữ bình yên trên tuyến, Đội phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo từng chuyến tàu được an toàn lưu thông. Theo Thiếu tá Bạch Công Thi, Phó Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, vào mùa mưa bão, trên tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện. Nhất là những ngày xả lũ thủy điện Hòa Bình, khu vực hạ lưu nước dâng cao và chảy xiết. Để kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, Đội chủ động xây dựng danh bạ, trong đó có số của 100% chủ phương tiện, qua đó kịp thời liên lạc nắm tình hình cũng như hướng dẫn phương tiện tránh trú, neo đậu ở nơi an toàn khi thời tiết xấu. Đồng thời, Đội yêu cầu các cảng, bến thành lập 1 tổ từ 3 - 4 phương tiện ứng trực 24/24h với trang bị đầy đủ, sẵn sàng ứng cứu các tàu, thuyền gặp sự cố.
Với những biện pháp đồng bộ và quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế, nhiều năm qua, trên tuyến không có vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Để tăng tính răn đe, nâng cao nhận thức cho chủ phương tiện, trong 6 tháng đầu năm, Đội CSGT đường thủy đã lập biên bản, xử lý 16 phương tiện vi phạm với tổng tiền phạt 71 triệu đồng. Trong đợt cao điểm rà soát phương tiện giao thông thủy từ ngày 30/5 - 30/9, riêng cảng Bích Hạ, đến thời điểm này có 40 phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm. Đội đã phối hợp cùng các ngành liên quan lập báo cáo, đề nghị Cục Đăng kiểm rà soát, cấp đăng kiểm cho phương tiện đảm bảo các điều kiện cần thiết, góp phần quan trọng giữ ATGT trên tuyến.
Hải Yến