Ngày 5/9, chị T.Ng. ở TP Hoà Bình nhận được cuộc gọi video qua tài khoản zalo của một người bạn, nhưng sau đó người bạn nói rằng mạng yếu nên nhắn tin nói chuyện. Khi nhắn tin, bạn của chị Ng. cho biết đang cần tiền gấp để nộp phạt hành chính liên quan đến lỗi giao thông nên hỏi vay chị Ng. một khoản tiền.
Tin tưởng là bạn của mình vì trước đó đã nói chuyện qua cuộc gọi video, chị Ng. nhanh chóng chuyển cho người bạn một khoản tiền. Chỉ sau khi gọi điện lại cho bạn thông báo đã chuyển tiền chị Ng. mới tá hoả biết mình bị lừa. Chị Ng. cho biết: Ngoài tôi ra, đối tượng cũng đã lừa được một số người. Hầu hết mọi người đều chuyển tiền vì thủ đoạn quá tinh vi, dùng cuộc gọi video có hình ảnh.
Được biết, hình thức chiếm dụng tài khoản zalo và thực hiện cuộc gọi video để lừa tiền đã diễn ra khá phổ biến trong thời gian gần đây. Theo những nạn nhân bị mất tài khoản zalo chia sẻ, có thể đối tượng sau khi chiếm được tài khoản zalo đã lấy ảnh cá nhân của chủ tài khoản đăng trên zalo, sau đó trình chiếu vào cuộc gọi video hòng tạo niềm tin, sau đó nói dối là do mạng yếu tắt cuộc gọi và chuyển sang nhắn tin. Theo thông tin từ Công an tỉnh và Sở TT&TT, trường hợp bị đối tượng xấu dùng tài khoản zalo giả mạo để vay tiền như trường hợp chị Ng. không phải là hiếm gặp, tuy nhiên việc xác định chính xác đối tượng lừa đảo cũng không đơn giản. Các đối tượng thường sử dụng tài khoản ảo hoặc không ở trên địa bàn nên rất khó xác minh.
Ngoài lừa tiền qua mạng xã hội, gần đây, nhiều người cũng vô cùng bức xúc vì thường xuyên nhận được các cuộc gọi tự xưng là của cơ quan công an yêu cầu nộp phạt hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu đóng bảo hiểm... Chị Bích Ngọc ở TP Hoà Bình cho biết: Ngày 22/8, tôi đang nghỉ trưa thì có một số máy lạ gọi đến xưng là đại diện của một Cục Cảnh sát thuộc Bộ Công an, yêu cầu tôi nộp phạt theo một mã biên lai mà tôi không hề biết. Sau khi trao đổi một hồi, biết không thể lừa được đối tượng đã tự tắt máy, khi tôi gọi điện lại số máy đã khóa thuê bao. Khi chia sẻ câu chuyện này lên trang mạng xã hội để cảnh báo, tôi mới biết có rất nhiều người cũng bị gọi điện lừa đảo như tôi và cũng đã có người bị mất tiền.
"Tôi cũng đã từng nhận một cuộc gọi như thế, thông qua máy bàn tại cơ quan. Đối tượng tự xưng là ở Bộ Công an. Với hình thức lừa đảo này, đối tượng gọi điện thường có giọng điệu làm việc của các cơ quan chức năng, nói giọng cứng rắn và có phần dọa nạt nhằm phủ đầu người nghe", chị Thanh Hoa (TP Hoà Bình) cho biết.
Thực tế trong thời gian qua, với những thủ đoạn tinh vi, nhiều người dân đã bị sập bẫy lừa đảo qua mạng xã hội hoặc qua các cuộc gọi xưng là lực lượng chức năng. Tuy nhiên, nhiều người phản ánh khi biết mình bị lừa thì đành ngậm ngùi chấp nhận. Nguyên nhân là thường không có chứng cớ, không có thông tin về đối tượng, một phần cũng vì số tiền bị mất thường chỉ một vài trăm đến vài triệu. Vì vậy, không phải ai cũng đến trình báo công an và các đối tượng lừa đảo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, tiếp tục các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. "Thực tế, nhiều người đã mất tiền cũng ngại đến trình báo vì phải đến trực tiếp, làm tường trình trong khi tiền đã mất rồi, cũng chẳng có thông tin gì. Vì vậy, mong cơ quan chức năng có thể xem xét lập một đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về những cuộc điện thoại lừa đảo như này để có biện pháp xử lý kịp thời" - chị Ngọc phản ánh.
Chiếm dụng tài khoản mạng xã hội, sử dụng sim rác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hình thức lừa đảo khá phổ biến hiện nay, trong phạm vi cả nước. Mới đây, tại kỳ họp Quốc hội đã có buổi chất vấn đối với Bộ Công an và Bộ TT&TT về vấn đề này. Trả lời chất vấn, người đứng đầu Bộ Công an và Bộ TT&TT cho biết đã, đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương và hoạt động của các tập đoàn, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập thông tin cá nhân. Đấu tranh mạnh mẽ với các loại tội phạm công nghệ cao. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo mật thông tin cá nhân trong việc sử dụng các mạng xã hội. Khi tham gia, sử dụng, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội zalo, facebook… cần chọn lọc kỹ trước khi chia sẻ công khai. Cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền trên mạng xã hội zalo, facbook… dù người yêu cầu tự xưng là lãnh đạo, người thân, bạn bè… Xác thực lại với người thân, bạn bè… bằng cách gọi điện thoại thông thường hoặc gặp mặt trực tiếp ngay khi nhận được yêu cầu vay mượn tiền, chuyển khoản. Không đồng ý kết bạn lại với những người trước đó đã kết bạn zalo, facbook…
Khi phát hiện các trường hợp tương tự, người dân cần thông báo kịp thời cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, xử lý.
Đ.H
(HBĐT) - Ngày 8/9, TAND tỉnh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Giàng Lao Ly (SN 1979) trú tại Chiềng On, Yên Châu (Sơn La) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 4, điều 251, Bộ luật Hình sự.