Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông sáu tháng đầu năm diễn ra ngày 11/7, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, trên phạm vi cả nước, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương so cùng kỳ.



Lực lượng chức năng cứu hộ, cứu nạn vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại huyện Núi Thành (Quảng Nam) ngày 14/2/2023.

Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm mạnh nhờ các lực lượng chức năng xử lý vi phạm quyết liệt, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tai nạn giao thông giảm sâu

Theo TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thống kê trong 6 tháng qua, cả nước xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người. So cùng kỳ, tai nạn giao thông giảm sâu ở cả ba tiêu chí: giảm 762 vụ (hơn 13%), giảm 484 người chết (gần 15%) và 214 người bị thương (gần 6%).

Cả nước có 43 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so cùng kỳ, trong đó tám địa phương giảm hơn 40% số người chết (Thái Nguyên, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Ninh Bình), đặc biệt Thái Nguyên và Đà Nẵng giảm hơn 60%.

Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, số người chết do tai nạn giao thông cũng được kéo giảm sâu cả về tỷ lệ và con số tuyệt đối.

Tuy nhiên, vẫn còn 17 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ, trong đó bảy tỉnh tăng hơn 20% và bốn tỉnh có số người chết tăng hơn 70% trở lên gồm Sơn La, Tây Ninh, Lạng Sơn và Hà Tĩnh.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn để xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thí dụ, tại Quảng Nam, đã xảy ra bốn vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết; tại Nghệ An xảy ra một vụ làm ba người chết và một người bị thương; tại Hòa Bình xảy ra một vụ làm chết ba người và một người bị thương,…

Lĩnh vực đường sắt, tai nạn tăng cao cả ba tiêu chí so cùng kỳ: xảy ra 48 vụ, làm chết 34 người, bị thương 13 người. Vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố.

Lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý gần 1,7 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 3.252 tỷ đồng, tước hơn 328 nghìn giấy phép lái xe, tạm giữ gần 530 nghìn phương tiện các loại.

So với cùng kỳ năm 2022, xử lý vi phạm tăng hơn 300 nghìn trường hợp (22,2%), tiền phạt tăng hơn 1.600 tỷ đồng (gần 100%). Trong đó, lực lượng chức năng đã xử lý gần 374 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, (chiếm 22,6%), 1.159 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,07%); 34.100 trường hợp vi phạm làn đường, phần đường (chiếm 2,06%), 325.635 trường hợp chạy quá tốc độ quy định (chiếm 19,68%),...

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phân tích, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép,... còn diễn ra khá phổ biến. Hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe tuy giảm mạnh nhưng vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.

Hiện tượng một số thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển mô-tô lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu còn diễn biến phức tạp, gây ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng, khiến xã hội lo ngại, dư luận bức xúc,…

Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố.

Đáng lưu ý, hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông gia tăng (33 vụ, tăng 17 vụ so cùng kỳ)

TS Khuất Việt Hùng

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia

"Không có vùng cấm” trong xử lý vi phạm

Trong sáu tháng qua, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, công an các đơn vị, địa phương huy động nhân lực, phương tiện thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông khép kín 24/24 giờ, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông, như kiểm soát nồng độ cồn; kiểm soát phương tiện vận tải khách; xử lý hành vi "cơi nới” thành thùng, xe quá khổ quá tải; xử lý trách nhiệm của người giao xe mô-tô, ô-tô cho người chưa đủ tuổi điều khiển.

Theo đánh giá của TS Khuất Việt Hùng, các chuyên đề xử lý vi phạm trên đường bộ được thực hiện thường xuyên, quyết liệt, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Đặc biệt, chuyên đề vi phạm nồng độ cồn được quần chúng nhân dân ủng hộ, "xử lý vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm của từng gia đình” là câu chuyện được nhắc đến nhiều thời gian qua. Người thân trong gia đình hay bạn bè đều nhắc nhở nhau đã uống rượu bia thì không lái xe, hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông của người dân không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia.

Với mục tiêu kéo giảm từ 5 đến 10% về số vụ và thương vong do tai nạn giao thông trong năm nay so với năm trước, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tại một số địa phương có tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, tăng cao thời gian qua để nghiên cứu, tìm giải pháp ngăn ngừa hiệu quả.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về an toàn giao thông; rà soát, xử lý các "điểm đen” tiềm ẩn tai nạn mới phát sinh.

Bộ Công an tăng cường hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khép kín 24/24 giờ, tập trung xử lý vi phạm theo các chuyên đề, các nhóm hành vi như kiểm soát nồng độ cồn; xử lý hành vi "cơi nới” thành thùng, xử lý xe quá khổ quá tải; xử lý trách nhiệm của người giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi điều khiển,...

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Bộ trưởng Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị dành sự quan tâm rất lớn cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Sau đại dịch, tình hình kinh tế-xã hội đất nước lấy lại đà tăng trưởng, nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của người dân tiếp tục gia tăng. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Bộ trưởng Giao thông vận tải cho rằng, chỉ cần một giải pháp nếu triển khai quyết liệt, liên tục sẽ góp phần rất lớn giúp giảm tai nạn giao thông và mau chóng hình thành thói quen, văn hóa của người dân khi tham gia giao thông.

Các lực lượng chức năng quan tâm xử lý trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ khi để tình trạng thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển mô-tô, nhất là các trường hợp gây tai nạn giao thông. Trong quá trình điều tra tai nạn giao thông, ngoài xác định nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, cần xác định nguyên nhân thuộc về thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân làm công tác quản lý nhà nước và thực thi công vụ có liên quan,…

TheoNhanDan



Các tin khác


Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang huyện Lạc Sơn giai đoạn 2019 - 2024

Ngày 17/5, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang (LLVT) huyện giai đoạn 2019 - 2024.

Tham ô gần 3 tỷ đồng, nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh doanh và công nghệ Hà Nội lĩnh 15 năm tù

Sau 3 ngày nghị án, sáng 17/5, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh bước vào phần tuyên án bị cáo Nguyễn Tiến Kính (SN 1964), trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh doanh và công nghệ Hà Nội về hành vi "tham ô tài sản”.

Công an huyện Kim Bôi xử phạt người bình luận trên Facebook nội dung kích động bạo lực

Công an huyện Kim Bôi cho biết, ngày 14/5 đã làm việc với B. V. B, trú tại xã Mỵ Hoà (Kim Bôi) liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội Facebook. Trước đó, ngày 3/5, B. V. B đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để bình luận tại Trang "Hoà Bình Đa Chiều" với nội dung kích động bạo lực.

Đoàn luật sư tỉnh: Cầu nối đưa pháp luật đến với người dân

Tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, phản biện và giám sát xã hội, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở vùng sâu, xa tại các phiên tòa... Từ những hoạt động tích cực, hiệu quả đó, những năm qua, Đoàn Luật sư tỉnh đã phát huy tốt vai trò, trở thành cầu nối đưa pháp luật đến với người dân.

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Lĩnh 19 năm tù vì giết vợ để níu giữ tình yêu

Ngày 16/5, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Bùi Văn Nhuận (SN 1985), trú tại xã Miền Đồi (Lạc Sơn) về tội "giết người”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục