(HBĐT) - Dự án mở rộng Trường Chính trị tỉnh (phường Thịnh Lang) và dự án khu dân cư (KDC) nông thôn và tái định cư (TĐC) Đồng Trám (phường Trung Minh) là các dự án triển khai gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), tương đối phức tạp trên địa bàn TP Hòa Bình. Tuy nhiên, áp dụng và thực hiện đúng quy trình công tác Công an tham gia bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trong quá trình cưỡng chế, thi công công trình, dự án, về cơ bản những khó khăn đã được Công TP Hòa Bình tham mưu giải quyết, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đảm bảo kế hoạch, tiến độ đề ra.
Theo Thượng tá Bùi Đức Thịnh, Trưởng Công an TP Hòa Bình, sau khi UBND thành phố ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất dự án mở rộng Trường Chính trị tỉnh, Công an thành phố đã có báo cáo gửi Công an tỉnh xin ý kiến tham gia đảm bảo ANTT cưỡng chế thu hồi đất. Trong đó, dự án mở rộng Trường Chính trị tỉnh còn vướng mắc 30/46 hộ chưa đồng ý nhận tiền, không phối hợp bàn giao mặt bằng; dự án KDC nông thôn và TĐC Đồng Trám còn 16 hộ chưa nhận tiền lý do đơn giá bồi thường thấp. UBND thành phố đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất (đợt 1) đối với 4 hộ. Qua công tác vận động, tuyên truyền, 1 hộ đã nhận tiền, 3 hộ không hợp tác. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Công an thành phố đã tham mưu lãnh đạo UBND thành phố tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ gia đình, cá nhân tại 2 dự án trên. Do thực hiện tốt quy trình, chủ động trong công tác lập kế hoạch bảo vệ, cưỡng chế nên quá trình cưỡng chế thu hồi đất tại 2 dự án được đảm bảo. Đến nay đã thu hồi, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Trên đây là một trong nhiều vụ việc điển hình trong thực hiện quy trình công tác Công an tham gia bảo đảm ANTT trong quá trình cưỡng chế, thi công công trình, dự án trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Theo Thượng tá Bùi Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, trong những năm qua, công tác bồi thường, GPMB là vấn đề "nóng”, dần trở nên phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh nông thôn, ANTT trên địa bàn. Từ đó phát sinh nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, tổng diện tích đã thu hồi đất thuộc các dự án Nhà nước thu hồi đất để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển KT-XH trên toàn tỉnh là 2.388,41ha. Trong đó, thu hồi do thiên tai 10,01 ha; thu hồi để thực hiện các dự án từ vốn ngân sách, ngoài ngân sách nhà nước 1.546,83 ha; thu hồi đầu tư xây dựng khu TĐC 174,75 ha. Đã hoàn thành 483 dự án, đang triển khai 127 dự án. Tổng số hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất 22.928 hộ; đã bồi thường, hỗ trợ 14.510 hộ; tự nguyện di dời 10.050 hộ; chưa nhận bồi thường, hỗ trợ khoảng 700 hộ.
Từ năm 2021 đến nay, số vụ việc, tính chất phức tạp, số lượng người dân tham gia hoạt động khiếu kiện liên quan đến GPMB, thi công các công trình, dự án có dấu hiệu giảm, nhưng tính chất, mức độ có chiều hướng phức tạp, khó lường hơn so với những năm trước, nhất là tại dự án có sử dụng đất do Nhà nước thu hồi đất do người dân không đồng thuận triển khai dự án, không đồng ý mức giá bồi thường, có sự chênh lệch về giá Nhà nước bồi thường với giá thị trường... Như vụ người dân cản trở không cho chủ đầu tư triển khai thi công công trình sau khi đã hoàn thành công tác GPMB tại dự án hạ tầng kỹ thuật khu TĐC và bán đấu giá đất ở phường Thịnh Lang; vụ người dân cản trở GPMB, thi công dự án khu đô thị mới Trung Minh A tại phường Trung Minh...
Phát huy tính chủ động trong công tác đảm bảo ANTT, lực lượng Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ, sáng tạo nhiều biện pháp, giải pháp tổ chức đảm bảo ANTT trong cưỡng chế, thi công công trình 30 vụ. Trong đó, cưỡng chế kiểm đếm 8 vụ, cưỡng chế thành công 8 vụ, vận động không phải cưỡng chế 6 vụ, tạm dừng cưỡng chế 6 vụ, bảo vệ thi công công trình 2 vụ. Theo Thượng tá Bùi Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, kết quả này là cơ sở để các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố rút ra những bài học kinh nghiệm trong vận dụng cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật trong thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao với mục tiêu nhất quán là giữ vững ổn định, đảm bảo an ninh nông thôn, giữ gìn ANTT góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Mạnh Hùng