Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, từ ngày 30-8 đến ngày 15-10, 6 tổ công tác của Bộ Công an do Cục Cảnh sát giao thông chủ trì đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố tập trung kiểm soát, xử lý chuyên đề người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn, ma túy, quá tải trọng. Qua đó, đã phát hiện và bàn giao cho Công an địa phương xử lý 6.391 trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (1.202 xe ô tô, 5.160 xe mô tô, 28 xe máy điện, 1 xe ba bánh).
Trong đó, có 6.119 trường hợp (1.129 trường hợp điều khiển ô tô, 4.963 trường hợp điều khiển mô tô, 26 trường hợp đi xe máy điện, 1 trường hợp đi xe ba bánh) vi phạm về nồng độ cồn; 46 trường hợp (12 trường hợp đi ô tô, 33 trường hợp đi mô tô, 1 trường hợp đi xe máy điện) không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn; 32 trường hợp người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy; 12 trường hợp vi phạm về tải trọng và kích thước hàng hóa, 187 trường hợp vi phạm khác). Đặc biệt, qua xác minh, có 232 trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức...
Công an tỉnh Gia Lai kiểm tra nồng độ cồn chủ phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: TTXVN
Ngoài ra, quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, tổ công tác đã phát hiện, lập biên bản, bàn giao cho Công an địa phương khởi tố 8 vụ, 9 đối tượng. Trong số này, có 3 vụ, 4 đối tượng liên quan đến hành vi tàng trữ, sử dụng chất ma túy trái phép (Hải Phòng 1 vụ, 1 đối tượng; Bắc Kạn 1 vụ, 2 đối tượng; Bắc Giang 1 vụ, 1 đối tượng); 3 vụ, 3 đối tượng chống người thi hành công vụ (Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng); 2 vụ, 2 đối tượng về hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (hai đối tượng ở Cao Bằng và Thái Nguyên giả danh nhà báo).
Các tổ công tác đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra để xác minh, xử lý 37 vụ, trong đó 24 vụ liên quan ma túy, 10 vụ liên quan đến giấy phép lái xe không do cơ quan thẩm quyền cấp, 2 vụ không chấp hành, có dấu hiệu chống người thi hành công vụ; 1 vụ có dấu hiệu đục số khung, số máy, gắn biển số không đúng với xe đang điều khiển (Đà Nẵng).
Điển hình, tại tỉnh Bắc Giang, các tổ công tác đã phát hiện và bàn giao cho địa phương lập biên bản xử lý 436 trường hợp, trong đó có 399 trường hợp (59 ô tô, 338 xe mô tô, 2 xe máy điện) vi phạm về nồng độ cồn, 4 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, 1 trường hợp vi phạm về ma túy, 32 trường hợp vi phạm khác. Qua xác minh nhanh có 19 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức.
Một số địa phương đã tập trung kiểm soát tốt chuyên đề nồng độ cồn như Thừa Thiên Huế (trung bình xử lý 38 trường hợp/ngày); Yên Bái (trung bình 21 trường hợp/ngày); Bình Thuận (trung bình 28 trường hợp/ngày); Gia Lai (trung bình 31 trường hợp/ngày); Quảng Nam (trung bình 22 trường hợp/ngày); Hà Tĩnh (trung bình 15 trường hợp/ngày).
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát giao thông, việc gửi thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị đối với các cá nhân vi phạm đã tạo sự chuyển biến về nhận thức sâu rộng trong quần chúng nhân dân và các cơ quan tổ chức, từ người đứng đầu đến cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức, từ đó hình thành ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, mọi người khi tham gia giao thông đều bình đẳng, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý không có vùng cấm.
Thời gian tới, Cục Cảnh sát giao thông xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục gửi thông báo vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức đến cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư; Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo số 388/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Thông báo Kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an…
Đồng thời, Cục Cảnh sát giao thông có văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý chuyên đề người điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có nồng độ cồn, quyết tâm hình thành bằng được thói quen, văn hóa "Đã uống rượu, bia không lái xe”. Quá trình xử lý vi phạm phải triệt để, không né tránh, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ…
Theo QĐND
(HBĐT) - Đến nay, huyện Tân Lạc đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân gắn chip cho 100% công dân trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT). Người dân nhận thấy những tiện ích mang lại từ quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính.
(HBĐT) - Theo đánh giá của lực lượng chức năng, hiện nay tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, khó lường. Đáng chú ý, nhiều thanh, thiếu niên thành lập, tham gia các hội nhóm ảo trên MXH. Đây chính là mầm mống dẫn đến nguy cơ phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật ở ngoài đời thật.
Ngày 19/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành Lệnh khám xét chỗ ở và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh (sinh năm 1989, trú tại P20 đường 1, Khu dân cư Villa Park, phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức) về tội "Gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự. Các Quyết định và Lệnh được Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố phê chuẩn.
(HBĐT) - Ngày 19/10, Ban chỉ đạo Diễn tập huyện Kim Bôi tổ chức bế mạc, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT), phòng chống khủng bố (PCKB) huyện năm 2023.
(HBĐT) - Ngày 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Bôi đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Bùi Thị Ngọc A. (SN 2003) và Bùi Đức D. (SN 2007), trú tại xóm Dăm, xã Nuông Dăm (Kim Bôi) về tội "Gây rối trật tự công cộng”.
(HBĐT) - Thời gian qua, công tác phối hợp giải quyết án hình sự giữa Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) và Tòa án nhân dân huyện Lạc Sơn có sự chuyển biến tích cực trong mỗi giai đoạn tố tụng; những tin báo, vụ án có tính chất phức tạp được 3 ngành họp bàn biện pháp giải quyết kịp thời, đảm bảo giải quyết các vụ việc đúng quy định. Công tác phối hợp thực hiện khá tốt nên chất lượng giải quyết án hình sự được nâng lên; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật; kịp thời tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương giải quyết một số vụ việc phức tạp về an ninh chính trị tại địa phương.