Bằng nhiều chiêu trò, thủ đoạn, một số doanh nghiệp (DN), người nộp thuế (NNT) trên địa bàn tỉnh đã "lách luật”, trốn thuế, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước (NSNN) hàng trăm triệu đồng.
Lập hợp đồng khống để trốn thuế
Để thực hiện hành vi trốn thuế, Nguyễn Minh Ngọc (SN 1982), Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc Hà, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình (hoạt động kinh doanh ngành nghề đóng mới, sửa chữa tàu thuyền) đã lập khống hợp đồng kinh tế, ghi giá trị trên hóa đơn giá trị gia tăng thấp hơn số tiền khách hàng thanh toán thực tế. Với thủ đoạn đó, công ty đã trốn thuế gần 400 triệu đồng. Vụ việc đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh phát hiện và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Ngọc về tội "trốn thuế” theo khoản 2, Điều 200, Bộ luật Hình sự.
Ngoài trường hợp nêu trên, vào tháng 5/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Văn Biền, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Anh - đơn vị quản lý cảng du lịch Thung Nai (Cao Phong) về tội "trốn thuế” theo khoản 2, Điều 200, Bộ luật Hình sự. Theo đó, từ năm 2019 - 2022, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT xác định doanh thu thực tế của Công ty TNHH Tiến Anh có sự chênh lệch so với số liệu doanh thu thể hiện trong báo cáo tài chính nộp cơ quan thuế hơn 4,6 tỷ đồng; tổng số tiền công ty trốn thuế hơn 914 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này Phạm Văn Biền tự quản lý, chi tiêu, không có sổ sách ghi chép, theo dõi theo quy định.
Thực tế đây không phải là những trường hợp đầu tiên bị xử lý về hành vi "trốn thuế”. Trước đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã đưa vụ án "trốn thuế” tại Công ty CP Y dược học dân tộc Hoà Bình ra xét xử, vì đã có hành vi kê khai doanh thu không trung thực để trốn thuế số tiền trên 214 triệu đồng.
Hành vi ngày càng tinh vi
Theo Đại tá Trương Quang Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh, qua thực tế đấu tranh với tội phạm, hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, nhất là hành vi trốn thuế diễn ra khá phổ biến, nhưng do đối tượng thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi đã gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, phát hiện, xử lý. Việc "lách luật” diễn ra ngay từ công đoạn lập hoá đơn, chứng từ trong quá trình hoạt động, kinh doanh để hợp thức hóa báo cáo tài chính. Số tiền trốn thuế thường được chuyển ra ngoài, không đưa vào sổ sách, không kê khai thuế.
Ngoài ra, theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thuế trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp. Từ năm 2022 đến nay, Cục Thuế tỉnh liên tục phát hiện những vụ việc vi phạm liên quan đến hành vi xuất hóa đơn khống; thành lập DN chỉ để mua, bán hóa đơn; nhiều tổ chức, DN kê khai sử dụng hóa đơn đầu vào không hợp pháp nhằm gian lận, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế gây thất thu cho NSNN. Cơ quan Thuế đã chuyển thông tin sang cơ quan chức năng 1.312 vụ việc, trong đó có 1.288 trường hợp thông báo NNT không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế; 24 trường hợp chuyển tin báo về NNT có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế và hóa đơn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do một số cơ chế, chính sách về thuế chưa được chặt chẽ, còn có kẽ hở để các đối tượng lợi dụng "lách luật”. Ngoài ra, hiện nay bộ phận lớn người dân còn có thói quen mua bán, sử dụng dịch vụ không lấy hoặc không yêu cầu lấy hóa đơn, đơn vị cung cấp dịch vụ cung cấp hóa đơn. Do vậy đã tạo điều kiện cho các đối tượng có hành vi vi phạm đưa nhiều khoản thu ra ngoài chứng từ, hóa đơn tính thuế.
Theo Đại tá Trương Quang Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cơ quan chức năng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm quản lý, đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm. Tuy nhiên, để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả thì ngành Thuế nói riêng, các cơ quan chức năng nói chung cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật thuế, quy định về sử dụng hóa đơn. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế; thường xuyên rà soát, đối chiếu thông tin về tình hình sử dụng hóa đơn, kê khai nộp thuế của NNT trên ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử để kịp thời phát hiện trường hợp có dấu hiệu vi phạm; phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thuế các địa phương kiểm tra, giám sát, xác minh thông tin về nguồn gốc hàng hóa, tình trạng hoạt động của những DN có rủi ro cao về thuế và hóa đơn. Đặc biệt, phải hình thành thói quen lấy hóa đơn, yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ cung cấp hóa đơn cho người dân, tổ chức, đơn vị khi sử dụng và được cung cấp dịch vụ nhằm quản lý chặt chẽ tình hình sử dụng hóa đơn và kê khai nộp thuế của NNT, tránh thất thu NSNN.
Mạnh Hùng