Sau 2 năm thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06/CP) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số "điểm nghẽn”.


Cán bộ, công chức bộ phận "một cửa” thị trấn Mai Châu (Mai Châu) hướng dẫn người dân sử dụng hệ thống công nghệ thông tin trong thực hiện giao dịch hành chính trên Cổng Dịch vụ công.

"Hệ sinh thái số” được triển khai đồng bộ

Tính đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06/CP, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo (BCĐ) Đề án 06/CP tỉnh chỉ đạo quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời nhiều văn bản, chỉ thị, công điện của Chính phủ. Đồng thời, ban hành 1 chỉ thị, 3 nghị quyết và 350 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai nhằm tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện Đề án tại địa phương. Nổi bật là Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 30/3/2023 về đẩy mạnh triển khai Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ "điểm nghẽn” trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đề án trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Chủ động tham mưu đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, thay thế 3 nghị quyết của HĐND tỉnh; điều chỉnh, cắt giảm 97 thủ tục hành chính (TTHC) có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú, quản lý dân cư và 84 TTHC sử dụng thông tin về nơi cư trú để thực thi 19 nghị quyết đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và rà soát các văn bản, TTHC có yêu cầu giấy tờ cư trú.

Đồng thời, tỉnh từng bước xây dựng, hoàn thiện "Hệ sinh thái số” trên địa bàn. Hiện nay, tỉnh đã thực hiện tích hợp, cung cấp 1.317/1.878 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên Cổng DVC quốc gia, đạt 70,12%, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết TTHC. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh cung cấp 1.858 DVCTT. Trong đó, có 1.113 DVCTT toàn trình, đạt 60%; 745 DVCTT một phần, đạt 40%. Các hồ sơ có liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy đều được bãi bỏ khi giải quyết TTHC. Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả 26/53 DVC thiết yếu. Qua đó, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trên Cổng DVC của tỉnh.

Việc phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành đã góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH địa phương. Từ ứng dụng phục vụ công tác đảm bảo ANTT qua việc quản lý dân cư, quản lý đối tượng, cấp căn cước công dân (CCCD), định danh và xác thực điện tử, cấp hộ chiếu, đăng ký phương tiện, PCCC... đến ứng dụng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội như thuế, ngân hàng, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt...

Đặc biệt, từ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ Đề án 06/CP, tỉnh đã từng bước phát triển xây dựng công dân số để đảm bảo thực hiện các giao dịch hành chính trên môi trường điện tử. Đến nay, lực lượng Công an tỉnh thu nhận và cấp CCCD cho 99,4% công dân đủ điều kiện. Toàn tỉnh đã kích hoạt, sử dụng 427.679 tài khoản định danh điện tử. Sở TT&TT cấp 1.300 chữ ký số cho người dân và doanh nghiệp để sử dụng trong giao dịch DVCTT; 100% cơ sở y tế đã triển khai thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip...

Còn nhiều "điểm nghẽn”

Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số "điểm nghẽn” cần phải tháo gỡ. Theo thống kê của Sở TT&TT, tính từ tháng 12/2022 - 31/12/2023, nghĩa là sau 1 năm chính thức kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), toàn tỉnh đã thực hiện tra cứu, xác thực thông tin người nộp hồ sơ TTHC từ CSDLQGVDC là 65.498 lần/ 300.000 hồ sơ TTHC đã tiếp nhận, đạt 21,8%. Còn tính từ ngày 1/1/2024 - 21/2/2024, toàn tỉnh đã thực hiện tra cứu, xác thực thông tin người nộp hồ sơ TTHC từ CSDLQGVDC là 222 lần/29.613 hồ sơ TTHC đã tiếp nhận, đạt 0,7%.

Theo đồng chí Bùi Đức Nam, Giám đốc Sở TT&TT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trình độ CNTT của đa số người dân còn hạn chế, chưa biết cách tự thực hiện. Ngoài ra, vẫn còn nhiều người không có thiết bị thiết yếu như điện thoại thông minh, máy tính kết nối internet cũng gây cản trở trong việc khai thác CSDLQGVDC. Nhiều cán bộ, công chức tại bộ phận "một cửa” các cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn người dân tạo lập tài khoản và xác thực thông tin tài khoản trên CSDLQGVDC. Khi tiếp nhận hồ sơ TTHC, còn nhiều cán bộ thuộc bộ phận "một cửa” hoặc các phòng, ban chuyên môn trực tiếp xử lý hồ sơ chưa thực hiện xác thực, tra cứu thông tin người nộp hồ sơ trên CSDLQGVDC theo quy định...

Bên cạnh đó, theo đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thì điều kiện tiên quyết để thực hiện việc gửi, nhận giải quyết hồ sơ TTHC toàn trình trên môi trường điện tử đó là phần mềm. Hiện nay, phần mềm xử lý TTHC trên Cổng DVC của tỉnh hoạt động không ổn định. Từ ngày 15/12/2023 bắt đầu thực hiện việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ TTHC trên Cổng DVC của tỉnh. Tuy nhiên, hiện phần mềm hoạt động chưa ổn định. Do vậy, công dân rất khó khăn trong việc nộp được hồ sơ TTHC lên hệ thống. Điều này có nguyên nhân do một số hồ sơ bị cán bộ làm chậm, muộn. Nhưng đa số hồ sơ bị chậm muộn là do hệ thống phần mềm hoạt động chưa ổn định nên việc đồng bộ kết quả lên Cổng DVCQG chưa thực hiện được. Trong 2 tháng vừa qua, chúng ta mới đồng bộ được 17% số hồ sơ và 82% bị báo chậm, muộn mặc dù đã hoàn thành xong. Cái nữa là hiện nay, người dân rất quan tâm ủng hộ việc nộp hồ sơ TTHC trực tuyến, bằng chứng là từ ngày 15/12/2023 - 15/2/2024, Trung tâm Phục vụ hành chính công nhận được 10.071 hồ sơ, tuy nhiên, do việc đồng bộ, số hóa hồ sơ TTHC còn chậm nên đã ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, xử lý.

Phải đến được với người dân và phục vụ người dân

Bên cạnh những kết quả, tiện ích đạt được trong phát triển "hệ sinh thái số”; góp phần CCHC, hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa TTHC liên quan đến quản lý dân cư, cư trú; phát triển các tiện ích phục vụ phát triển KT-XH, phát triển công dân số, từng bước xây dựng xã hội số, kinh tế số và chính quyền số... việc triển khai Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh vẫn còn những "điểm nghẽn” cần phải tập trung giải quyết. Trong đó, lớn nhất đó là các vấn đề liên quan đến nhận thức và quyết tâm thực hiện ở một số nơi chưa quyết liệt; việc điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất; nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ để kết nối, chia sẻ dữ liệu còn nhiều hạn chế; công tác bảo mật về thông tin con người, thiết bị; công tác tuyên truyền triển khai để cán bộ hiểu đúng, làm đúng người dân biết để thụ hưởng các chính sách chưa được triển khai thực hiện hiệu quả. Các "điểm nghẽn” này đã tác động, gây ảnh hưởng đến việc khai thác CSDLQGVDC trong giải quyết TTHC của tỉnh. Do vậy, theo đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Đề án 06/CP tỉnh, để giải quyết vấn đề này, tạo tiền đề, cơ sở hướng đến thực hiện hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ của Đề án đó là nhóm giải quyết TTHC và cung cấp DVCTT; nhóm tiện ích phục vụ phát triển KT-XH; nhóm tiện ích phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái số phục vụ kết nối, khai thác làm giàu bổ sung dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, hướng tới mục tiêu cao nhất là làm sao phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh nhất, tốt nhất thì đầu tiên chúng ta phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm từ các thành viên BCĐ cấp tỉnh, cấp huyện đến từng cán bộ cấp xã. Tinh thần này phải được ngấm đến từng thành viên BCĐ cấp huyện và từng cán bộ, công chức để bất cứ ai, bất cứ người dân nào cũng có thể làm được các TTHC liên quan đến mình ở ngay từ cơ sở.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị phải khai thác hiệu quả CSDLVDC; khai thác, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị, phần mềm trong thực hiện việc CĐS. Đặc biệt, phải tăng cường công tác tuyên truyền về thực hiện các nội dung CĐS và các tiện ích của nó đến với người dân, nhằm biến tư duy thành hành động cụ thể, thiết thực trên tinh thần xây dựng nền hành chính công phục vụ người dân một cách tốt nhất, hiệu quả nhất... Trong đó, "phải xác định CĐS phải đến được với người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. CĐS cũng phải hướng được đến với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, để ai cũng được thụ hưởng quyền lợi và những chính sách ưu việt của Đề án này. Cùng với đó, các ngành, các địa phương phải phát huy tối ưu hiệu quả hệ thống thiết bị đã được đầu tư, duy trì đảm bảo kinh phí, thiết bị thiết yếu, các giải pháp ứng dụng tiện ích từ nền tảng CSDLQGVDC, CCCD và định danh điện tử để đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06/CP đúng lộ trình, hiệu quả trong năm 2024 và những năm tiếp theo”, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

 

Chỉ đạo hệ thống chính quyền thực hiện quyết liệt, đồng bộ Đề án 06/CP

Phạm Văn Hoàn

Chủ tịch UBND huyện Mai Châu

Mai Châu là huyện miền núi, trình độ dân trí, nhận thức, nhất là việc cập nhật, tiếp cận kiến thức CNTT của phần lớn người dân, thậm chí là một bộ phận cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế. Huyện cũng xác định đây là một trong những "điểm nghẽn” trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06/CP cần phải tập trung tháo gỡ, giải quyết trong thời gian trước mắt.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban chỉ đạo Đề án 06/CP huyện sẽ tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn phải tiếp tục cố gắng hơn nữa, đặc biệt là phải thay đổi tư duy, cách làm, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị, phần mềm trong thực hiện chuyển đổi số nhằm thực hiện tinh thần và tính bao trùm của Đề án để mọi người dân trên địa bàn huyện được phục vụ tốt nhất, thụ hưởng nhiều nhất các tiện ích mà Đề án mang lại.

 

Sẽ thực hiện các giải pháp công nghệ biến hệ thống bưu điện xã thành các "cây ATM”

Đặng Anh Tuyến

Giám đốc Bưu điện tỉnh

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH về việc triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh theo nội dung của Đề án 06/CP, tính đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành chi trả cho 16.332 đối tượng được thụ hưởng với tổng số tiền trên 8,4 tỷ đồng, đạt 100% theo tinh thần Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, BHXH chi trả lương hưu, trợ cấp thất nghiệp thường xuyên và ngắn hạn qua hệ thống Bưu điện cho hàng chục nghìn lượt người.

Xuất phát từ thực tế trên, cũng như để góp phần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt theo Đề án 06/CP của Chính phủ, hiện nay, Bưu điện Việt Nam đang nỗ lực triển khai các giải pháp công nghệ để phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc chi trả an sinh xã hội và chi trả lương hưu cho người dân thông qua hệ thống ví điện tử để chi trả, thanh toán không dùng tiền mặt. Đối với các địa bàn vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn, khi thực hiện các giải pháp này sẽ biến hệ thống bưu điện cấp xã trong toàn tỉnh thành các "cây ATM” để phục vụ người dân.

  

Đồng hành cùng tỉnh tháo gỡ "điểm nghẽn” về công nghệ nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ

Nguyễn Văn Thường

Giám đốc VNPT Hòa Bình

Với vai trò là đơn vị xây dựng, cung cấp phần mềm hệ thống xử lý thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, sau khi nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành, hoạt động của hệ thống, bằng các giải pháp công nghệ, VNPT Hòa Bình đã khẩn trương khắc phục các lỗi. Đến nay đã đưa hệ thống vào hoạt động ổn định. Cùng với đó, để góp phần tháo gỡ "điểm nghẽn" về nguồn nhân lực, VNPT Hòa Bình sẽ trao đổi, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh đưa cán bộ có trình độ CNTT đến các huyện hỗ trợ cho các xã, hướng dẫn lại một lần nữa và trực tiếp "cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. VNPT Hòa Bình cam kết đồng hành với tỉnh giải quyết vấn đề này một cách tốt nhất.

 

Mạnh Hùng

Các tin khác


Khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” tại huyện Yên Thủy

Thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho biết, ngày 27/2, đơn vị đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 1 cán bộ nguyên là Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Yên Thủy, 1 chuyên viên phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Yên Thủy; khởi tố bị can và thực hiện lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch, nguyên Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Yên Thủy.

Hàng chục ki ốt tại chợ Tân Thịnh bị kẻ gian cắt khóa trộm tài sản

Theo thông tin ban đầu từ lực lượng chức năng, khoảng 7h30’ sáng nay 27/2, khi đến chợ mở cửa bán hàng, nhiều tiểu thương tại chợ Tân Thịnh thuộc phường Tân Thịnh (thành phố Hòa Bình) tá hỏa phát hiện nhiều cửa hàng, ki ốt bị kẻ gian cắt khóa, trộm cắp tài sản.

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh "cán bộ Cục An ninh mạng" để lừa đảo hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều Fanpage, hội, nhóm, tài khoản giả danh Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đăng bài viết để hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo. Trước thực tế trên, Công an tỉnh vừa có thông báo, cảnh báo thủ đoạn mạo danh cán bộ Cục An ninh mạng để lừa đảo hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền.

Siết chặt quản lý giao thông đường thủy vùng hồ Hòa Bình mùa lễ hội

Lượng du khách đến với hồ Hòa Bình tham quan, trải nghiệm, đi lễ đền Thác Bờ đầu Xuân tăng đáng kể, nhất là dịp cuối tuần. Lực lượng chức năng tăng cường phối hợp triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, kiên quyết không cho xuất bến những phương tiện không đảm bảo an toàn, để có một mùa lễ hội yên vui, an toàn, tạo hình ảnh đẹp cho du khách khi đến trải nghiệm, du ngoạn chốn tâm linh, hồ Hòa Bình.

Điều tra vụ tai nạn khiến 2 người tử vong tại Kon Tum

Ban An toàn giao thông tỉnh Kon Tum cho biết, lực lượng chức năng tỉnh đang điều tra, làm rõ vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng xảy ra vào khuya ngày 25/2 trên địa bàn tỉnh khiến 2 người tử vong.

Đề nghị truy tố Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Ngày 24/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố Trần Quí Thanh, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) cùng 2 con gái là Trần Uyên Phương (Phó Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát) và Trần Ngọc Bích về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục