Ngày 18/1/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15). Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Luật Đất đai năm 2024 có những điểm mới nổi bật sau đây:
I. VỀ QUY ĐỊNH CHUNG(Chương I, Luật Đất đai)
Chương này hoàn thiện, giải thích các khái niệm cho rõ ràng, dễ hiểu, phổ quát cho các vùng miền; bổ sung giải thích một số cụm từ được sử dụng nhiều lần trong Luật để bảo đảm cách hiểu thống nhất, trong đó kế thừa, hoàn thiện 27 khái niệm, bổ sung 22 khái niệm.
II. VỀ QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT (Chương V, Luật Đất đai)
Chương này được hoàn thiện theo hướng đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH nhanh, bền vững; bảo đảm QP-AN; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch.
Ngoài những nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 có các điểm đổi mới về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau đây:
1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện (Điều 67): Tiếp tục quy định về lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý nhà nước về đất đai. Đồng thời doanh nghiệp sẽ chủ động trong đầu tư, người có đất bị thu hồi sẽ biết trước kế hoạch sử dụng đất để chủ động trong việc sử dụng đất, thực hiện quyền của mình, ổn định đời sống, sản xuất. Các nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện quy định trong Luật quy định nội dung đơn giản hơn, không yêu cầu phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất gắn liền với thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân. Quy định cụ thể một số trường hợp không phải bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
2. Thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 72): Phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, lồng ghép nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh vào nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Phân cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia cho Chính phủ.
Ngoài các nội dung trên, một số điều khoản cũng giao cho các địa phương trong việc xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất để các địa phương chủ động phát triển KT-XH của địa phương mình. Chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ kiểm soát đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh... Đối với kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh sẽ được quy định lồng ghép trong nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh. Bổ sung quy định đối với thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ vào quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
III. VỀ THU HỒI ĐẤT, TRƯNG DỤNG ĐẤT (Chương VI, Luật Đất đai)
Nội dung Chương VI của Luật Đất đai được tách thành một chương riêng so với quy định của Luật Đất đai năm 2013, quy định cụ thể về: các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; căn cứ, điều kiện; thẩm quyền thu hồi đất; thông báo, trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích QP-AN; phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng; cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất đã thu hồi; cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất; trưng dụng đất.
Ngoài những nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 có các điểm đổi mới về thu hồi đất, trưng dụng đất sau đây:
1. Thu hồi đất vì mục đích QP-AN (Điều 78): Bổ sung công trình thông tin quân sự, an ninh để phù hợp với yêu cầu mới về nhiệm vụ QP-AN; bổ sung cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ, cơ sở điều dưỡng, nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở tạm giam, tạm giữ; cơ sở giáo dục bắt buộc; trường giáo dưỡng và khu lao động, cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, trại viên, học sinh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
(Còn nữa)
Minh Phượng (Sở Tư pháp)