Chiều 22/7, phiên tòa xét xử 50 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tiếp tục với phần xét hỏi. Các bị cáo làm việc tại các Công ty thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn FLC như: Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS… đều thừa nhận hành vi vi phạm nhưng khai chỉ làm theo sự chỉ đạo, giúp đỡ... mà không được hưởng lợi, không thực hiện hành vi với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Các bị cáo tại phiên toà xét xử.

Ngay từ đầu phần xét hỏi, 3 bị cáo: Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC), Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Quyết) và Lê Văn Tuấn (cựu Kiểm toán viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Kế toán Hà Nội - CPA) bị Hội đồng xét xử cho cách ly, trước khi tiến hành xét hỏi các bị cáo khác trong vụ án.

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Trịnh Văn Đại (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros, là anh họ của bị cáo Quyết) thừa nhận đã giúp Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế ký các thủ tục nâng khống vốn góp; đứng tên cổ đông, nhận ủy thác đầu tư với số tiền lớn để hợp thức việc nâng khống vốn góp tại Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros, giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE để bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, bị cáo Đại còn giúp Trịnh Thị Minh Huế đứng tên thành lập các công ty để mở tài khoản chứng khoán; giao tài khoản cho Huế quản lý, sử dụng để thao túng thị trường chứng khoán, giúp Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế thao túng 4 mã cổ phiếu HAI, FLC, GAB, ART. Tuy nhiên, bị cáo Đại cho rằng mình chỉ làm theo sự nhờ vả của hai anh em bị cáo Quyết, không có sự bàn bạc nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Đàm Mai Hương (cựu Kế toán trưởng Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros) thừa nhận đã ký các Báo cáo tài chính, Bảng cân đối kế toán, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Thuyết minh báo tài chính, Báo cáo tài chính hợp nhất; ký Bản cáo bạch giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE, bán cổ phiếu… Song, bị cáo Hương cho rằng mình chưa bao giờ tiếp xúc với bị cáo Quyết và bị cáo Huế, không được hưởng lợi, không có mục đích lừa đảo khi thực hiện những hành vi này. Do vậy, bị cáo Hương xin Tòa cho bị cáo được thay đổi tội danh, trong trường hợp không thay đổi được tội danh thì bị cáo mong được Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Cụ thể, bị cáo Hương xin Hội đồng xét xử xem xét lại cáo buộc bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản với lý do mới chỉ vào làm Kế toán trưởng được 6 ngày, không có năng lực nghiệp vụ để biết các giai đoạn trước tăng vốn thế nào, đồng thời cũng không biết bị cáo Quyết hay Huế là ai nên cho rằng không thể bị coi bị cáo là có hành vi "giúp sức" lừa đảo.

Phản đối lời khai này của bị cáo Hương, bị cáo Nguyễn Thiện Phú (cựu Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC; cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros) cho biết bị cáo Hương khai mới làm Kế toán trưởng 6 ngày tại Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros là chưa đúng, vì trước đó bị cáo Hương đã có 2 tháng thử việc tại vị trí này.

Theo cáo trạng, bị cáo Phú bị cáo buộc trực tiếp làm việc với hai bị cáo thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Kế toán Hà Nội - CPA để "rửa" báo cáo tài chính, xác định Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros có 4.300 tỷ đồng; ký 466 ủy nhiệm chi để chuyển hơn 12.000 tỷ đồng góp vốn khống...

Về khoản nâng khống vốn góp của Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros lên 4.300 tỷ đồng, bị cáo Phú thừa nhận thấy các báo cáo này chưa đủ điều kiện. Bị cáo Phú cho rằng khi ký khống các giấy chuyển nhượng cổ phần, giấy nộp tiền, chỉ quan niệm "ký hộ anh Quyết" chứ không biết tiền của ai và không có ý định chiếm đoạt tài sản.

Hầu hết các bị cáo trong vụ án đều thừa nhận hành vi vi phạm, nhưng cho rằng mình thực hiện hành vi này là vì nể nang, không nhằm mục đích lừa đảo, không được hưởng lợi.


Theo Baotintuc

Các tin khác


Phòng, chống tội phạm mua bán người: Cảnh giác với thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao”

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc về tội phạm mua bán người (TPMBN). Tuy nhiên, qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, các cơ quan chức năng xác định tình hình TPMBN tiềm ẩn nhiều phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện...

Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 90/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung danh mục chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Mua ma túy bán lẻ, 2 bị cáo lĩnh tổng hình phạt 24 năm tù

Ngày 18/7, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm theo hình thức trực tuyến rút kinh nghiệm đến TAND các huyện, thành phố trong tỉnh và một số tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Các bị cáo bị đưa ra xét xử là Hà Văn Huynh (SN 1972) và Vũ Tuấn Phương (SN 1968), cùng trú tại thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”.

Phiên phúc thẩm vụ án Việt Á và Học viện Quân y: Viện Kiểm sát đề nghị giảm án cho các bị cáo

Chiều 17/7, tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Học viện Quân y, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương nêu quan điểm giải quyết vụ án.

Khẩn trương xác minh nhân thân các nạn nhân thiệt mạng tại khách sạn ở Bangkok

Bộ Ngoại giao đang khẩn trương phối hợp với Bộ Công an xác minh nhân thân của 6 người thiệt mạng tại khách sạn ở Bangkok (Thái Lan) tối 16/7/2024.

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng trong vụ 3 công nhân tử vong tại hầm thủy điện Nậm Cuổi 1

Ngày 16/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu đã quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Văn Duẩn (sinh năm 1986, trú tại xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) để điều tra về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động” xảy ra tại Công trường thi công hầm thủy điện Nậm Cuổi 1, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục