Chiều 6/8, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm, chi cục đăng kiểm địa phương với phần đề nghị mức án của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đối với các bị cáo.
Hội đồng Xét xử bắt đầu phần luận tội các bị cáo.
Cụ thể, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà mức án 20 năm tù về tội "Nhận hối lộ”. Trần Kỳ Hình bị đề nghị 18-19 năm tù về tội "Nhận hối lộ”, 5-6 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là 23-25 năm tù.
Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt bị cáo Đỗ Trung Học (cựu Trưởng phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm Việt Nam, đã bỏ trốn) mức án 20 năm tù; Trần Anh Quân (cựu quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam) 17-18 năm tù về tội "Nhận hối lộ”. Bị cáo Nguyễn Vũ Hải (cựu Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị đề nghị 4-5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Trần Lập Nghĩa (cựu Giám đốc các Trung tâm Đăng kiểm 62-03D - Long An; 71-02D - Bến Tre; 83-02D - Sóc Trăng) bị đề nghị 12-13 năm tù về tội "Nhận hối lộ”, 12-13 năm tù về tội "Giả mạo trong công tác”, 4-5 năm tù về tội "Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Nghĩa bị đề nghị phải chấp hành là 28-30 năm tù.
Các bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đề nghị mức án từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù giam.
Theo cáo trạng, xuất phát từ quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, tổ công tác của Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện hai xe ô tô 50H-100.20 và 51D-325.89 có dấu hiệu cơi nới thành thùng so với quy chuẩn nên tiến hành dừng phương tiện để kiểm tra theo quy định. Kết quả kiểm tra xác định số đo kích thước thành, thùng xe trùng khớp với số đo kích thước trong giấy chứng nhận kiểm định. Tuy nhiên, lại sai lệch so với số đo theo thông số kỹ thuật của xe trên cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam nên chuyển cơ quan điều tra để tiến hành xác minh, làm rõ.
Từ dấu hiệu tội phạm này, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiến hành điều tra, xác định hành vi phạm tội có tổ chức xuyên suốt từ Cục Đăng kiểm Việt Nam đến các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương trên cả nước. Qua quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã khởi tố 254 bị can về 11 tội danh.
Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa. Các bị cáo trong vụ án đều có chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng chỉ vì động cơ tư lợi cá nhân, nhận thức chưa đầy đủ, đã thực hiện hành vi phạm tội xuyên suốt từ Cục trưởng, đến trưởng phòng và nhân viên. Trong đó có bị cáo được hưởng lợi không nhiều nhưng hành vi ảnh hưởng đến tính mạng người dân, môi trường sống, niềm tin của nhân dân, nên cần có hình phạt nghiêm khắc để răn đe.
Trong đó, Viện Kiểm sát xác định trong thời gian giữ chức Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, bị cáo Đặng Việt Hà đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát để các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm, trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm trên cả nước xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống trong thời gian dài. Khi phát hiện, bị cáo Hà không chấn chỉnh, xử lý mà "vì vụ lợi cá nhân” tiếp tục đưa ra các chủ trương, chỉ đạo cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới, các trung tâm đăng kiểm nhận hối lộ. Số tiền này được chia mức hưởng lợi theo nguyên tắc phải đảm bảo lợi ích của bị cáo Hà là cao nhất. Viện Kiểm sát xác định Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số tiền nhận hối lộ hơn 40 tỷ đồng, hưởng lợi gần 8,8 tỷ đồng và 13.000 USD.
Các bị cáo tại phiên toà.
Đối với bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, người tiền nhiệm của Đặng Việt Hà), Viện Kiểm sát xác định bị cáo vì động cơ vụ lợi cá nhân đã nhận tiền hối lộ tổng cộng hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD của doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm để bỏ qua sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động trung tâm đăng kiểm, sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện. Ngoài ra, Hình còn lợi dụng chức vụ quyền hạn vị trí công tác làm trái quy định, duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở không đủ điều kiện, tạo điều kiện cho cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các chi cục đăng kiểm và Cục đăng kiểm Việt Nam.
Về hình phạt, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng cần có sự phân hóa trách nhiệm xử lý nghiêm đối với người đứng đầu, xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo có vai trò đồng phạm, thực hiện theo chỉ đạo. Ngoài ra, Viện Kiểm sát cũng ghi nhận, tất cả bị cáo trong vụ án đều có nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Các bị cáo Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình, Nguyễn Vũ Hải (cựu Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam)... có nhiều thành tích trong công tác, đã khắc phục hậu quả nên đề nghị Hội đồng Xét xử ghi nhận, xem xét giảm một phần hình phạt cho các bị cáo.
Theo TTXVN
Đã từng có thời kỳ, đồng bào dân tộc Mông ở xã Hang Kia (Mai Châu) chỉ tuân theo những quy định, quy ước trong dòng họ, nội tộc. Ý thức, nhận thức pháp luật hầu như rất mờ nhạt, nhưng đến nay đã có sự thay đổi đáng kể khi được các cấp, các ngành quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Từ ngày 17 - 30/7/2024, Công an huyện Cao Phong tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật cho 264 người thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở trên địa bàn huyện.
Trong tháng 6 - Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024, công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy được đẩy mạnh với hình thức đa dạng, nội dung thiết thực và mang lại hiệu quả. Công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai và điều trị thay thế bằng Methadone được duy trì thực hiện tốt. Ngành Công an thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy. Qua đó, công tác phòng, chống ma túy đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Ngày 2/8, Bộ CHQS tỉnh tổ chức Hội nghị thống nhất nội dung đề nghị xếp hạng di tích địa điểm thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tham gia hội nghị có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành chức năng, UBND huyện Lạc Sơn, Hội Sử học tỉnh và các nhân chứng liên quan đến địa điểm thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình năm 1947 tại xóm Khị, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn).
Ngày 1/8, tại nhà văn hóa phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình), Cơ quan Thi hành án hình sự - Công an tỉnh, Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an TP Hòa Bình, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH), Chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tái hoà nhập cộng đồng và tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm cho gần 100 người tái hòa nhập cộng đồng, chấp hành án hình sự trên địa bàn thành phố.
Ngày 31/7, Toà án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự phúc thẩm theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo: Bùi Tú Cao, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; Trần Thị Huê, kế toán và Phạm Trọng Toản, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền, cổ động, triển lãm, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”.