Cán bộ, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trao đổi nghiệp vụ kiểm sát án hình sự.
Theo đó, VKSND tỉnh tăng cường quán triệt các văn bản của Đảng, của ngành về cải cách tư pháp; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, kiểm sát viên (KSV). Chú trọng công tác đào tạo tại chỗ như thông qua các thông báo rút kinh nghiệm, xây dựng chuyên đề, tổ chức các cuộc thi... qua đó giúp cán bộ, KSV nắm chắc các quy định của pháp luật để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Chỉ đạo phòng nghiệp vụ hướng dẫn VKSND các huyện, thành phố thực hiện công tác chuyên môn; phân công cụ thể cán bộ, KSV theo dõi đơn vị cấp huyện. Trong công tác kiểm sát điều tra vụ án hình sự, VKSND tỉnh đã chủ động kiểm sát chặt chẽ 100% vụ án ngay từ khi khởi tố; kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt, tạm giữ, tạm giam, trực tiếp lấy lời khai người bị bắt, tạm giữ trước khi phê chuẩn.
Trong 9 tháng năm 2024, VKSND 2 cấp kiểm sát điều tra 807 vụ/1.353 bị can (thụ lý mới 574 vụ/1.021 bị can); Cơ quan điều tra (CQĐT) đã xử lý, giải quyết 619 vụ/1.074 bị can, trong đó, kết thúc điều tra 548 vụ/1.054 bị can, đình chỉ 20 vụ/18 bị can, tạm đình chỉ điều tra 51 vụ/2 bị can; đang giải quyết 188 vụ/279 bị can. Xác định án trọng điểm 64 vụ/121 bị can; áp dụng thủ tục rút gọn điều tra 3 vụ/3 bị can (Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn mỗi đơn vị 1 vụ/1 bị can).
Hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, VKSND 2 cấp ban hành 575 yêu cầu điều tra, tham gia lấy lời khai, hỏi cung 222 lượt; yêu cầu CQĐT khởi tố 14 bị can, yêu cầu tiếp tục giải quyết 6 vụ án đang tạm đình chỉ, yêu cầu điều tra áp dụng kê biên tài sản trong vụ án tham nhũng; ban hành 20 kiến nghị yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm (vượt 7 kiến nghị so với chỉ tiêu ngành), 18 kiến nghị các cơ quan hữu quan thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm; ban hành 5 thông báo rút kinh nghiệm…
Ngoài ra, VKSND 2 cấp còn đề ra nhiều biện pháp tăng cường trách nhiệm công tố, chủ động tiến hành các hoạt động điều tra, phúc cung bị can trước khi ban hành quyết định giải quyết vụ án, nhất là đối với những vụ án nghiêm trọng, vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các chứng cứ, tài liệu trong vụ án có mâu thuẫn. Tại phiên tòa, KSV thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật; thể hiện đúng vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan kiểm sát các hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự. Sau mỗi phiên tòa, KSV tham gia có báo cáo kết quả xét xử vụ án bằng văn bản với lãnh đạo VKSND về diễn biến, kết quả kiểm sát các trường hợp quan điểm xử lý của tòa án trái với quan điểm của KSV để xin hướng giải quyết.
Đồng chí Cao Viết Lực, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết án hình sự, thời gian tới, VKSND tỉnh tiếp tục quán triệt các quy định của pháp luật; chỉ thị, hướng dẫn của ngành về công tác kiểm sát việc giải quyết án hình sự. Gắn công tố với điều tra, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Đẩy mạnh công tác phối kết hợp giữa các cấp kiểm sát, giữa hai ngành tòa án và kiểm sát cũng như với các cơ quan hữu quan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo viện và phòng nghiệp vụ trong công tác kiểm sát giải quyết án hình sự, đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với VKSND các huyện, thành phố. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, KSV; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hồ sơ nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án.
Đinh Thắng