Sáng 21/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cùng 11 đồng phạm do sai phạm trong việc phê duyệt dự án điện mặt trời, gây thiệt hại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hơn 1.043 tỷ đồng.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại phiên tòa.
Hội đồng xét xử gồm 3 người: 1 thẩm phán, 2 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Nguyễn Xuân Văn (Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) làm chủ tọa phiên tòa. Năm kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (biệt phái về Viện Kiểm sát nhân dân thành phố) được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Trong số 12 bị cáo hầu tòa tại vụ án này, có 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Bộ Công thương và 4 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Cục Thuế tỉnh Bình Phước.
Tám bị cáo thuộc Bộ Công thương gồm: Hoàng Quốc Vượng (sinh năm 1963, cựu Thứ trưởng); Phương Hoàng Kim (sinh năm 1973, cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo); hai bị cáo thuộc Cục Điều tiết điện lực: Trịnh Văn Đoàn (sinh năm 1982, cựu chuyên viên Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng), Trần Quốc Hùng (sinh năm 1976, cựu Phó trưởng Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng); các bị cáo thuộc Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
Nguyễn Danh Sơn (sinh năm 1966, cựu Giám đốc Công ty), Nguyễn Hữu Khải (sinh năm 1977, cựu Trưởng Phòng Kinh doanh mua điện), Đỗ Ngọc Tuyền (sinh năm 1988, cựu chuyên viên Phòng kinh doanh mua điện), Trương Hoàng Dũng (sinh năm 1982, cựu nhân viên Phòng Kỹ thuật và Công nghệ thông tin).
Bốn bị cáo thuộc Cục Thuế tỉnh Bình Phước gồm: Phan Văn Sang (sinh năm 1972, cựu công chức Phòng Thanh tra - Kiểm tra 3), Nguyễn Duy Khánh (sinh năm 1966, cựu Phó Cục trưởng), Trần Văn Định (sinh năm 1965, cựu Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra 3), Phạm Quang Vinh (sinh năm 1978, cựu Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ - Dự toán - Pháp chế).
Trong đó, 8 bị cáo thuộc Bộ Công thương và bị cáo Phan Văn Sang bị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.
Ba bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Duy Khánh, Trần Văn Định, Phạm Quang Vinh bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, khoảng 40 luật sư có mặt bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 12 bị cáo. Trong đó, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng có nhiều luật sư bào chữa nhất với tổng số 7 luật sư. Ngoài ra, hơn 50 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được Hội đồng xét xử triệu tập tới phiên tòa.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao công bố tại phiên tòa, trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Công thương, bị cáo Hoàng Quốc Vượng được giao phụ trách Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Từ ngày 31/8/2018- 6/4/2020, bị cáo Vượng đã trực tiếp chỉ đạo tham mưu xây dựng Dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo Vượng biết rõ các chủ trương của Chính phủ (Nghị quyết số 115/NQ-CP), chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đối với các dự án điện mặt trời.
Do động cơ vụ lợi, bị cáo Vượng đã nhận 1,5 tỷ đồng của ông Nguyễn Tâm Thịnh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam) và cố ý chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng dự thảo Quyết định 13 theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi và thống nhất chủ trương đề xuất cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam) được phê duyệt bổ sung quy hoạch, xin cơ chế giá 9,35 UScents/kWh cho Dự án này.
Viện Kiểm sát xác định, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, làm trái công vụ của bị cáo Hoàng Quốc Vượng đã dẫn đến hậu quả thiệt hại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hơn 1.043 tỷ đồng.
Đối với cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phương Hoàng Kim, trong thời gian từ ngày 31/8/2012 đến ngày 6/4/2020, bị cáo Kim được giao làm Tổ trưởng Tổ soạn thảo trực tiếp thực hiện việc xây dựng Dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Cơ quan công tố đánh giá, quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, bị cáo Kim biết rõ các chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận, đối với các dự án điện mặt trời.
Nhưng vì muốn tạo điều kiện không chính đáng cho Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được bổ sung quy hoạch để hưởng giá điện ưu đãi 9,35 UScents/kWh, bị cáo Kim đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, cố ý đẩy trách nhiệm cho ông Đỗ Đức Quân (Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo) làm Tổ trưởng Tổ soạn thảo nhưng không được Hoàng Quốc Vượng đồng ý.
Cáo trạng nhận định, bị cáo Phương Hoàng Kim không chỉ đạo Tổ soạn thảo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng Dự thảo Quyết định số 13 theo đúng Nghị quyết 115/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; không báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương về nội dung Dự thảo trái với Nghị quyết số 115/NQ-CP mục đích để Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được hưởng giá điện ưu đãi; trực tiếp tham mưu, đề xuất bổ sung quy hoạch và giá điện ưu đãi cho Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.
Hai bị cáo: Trịnh Văn Đoàn và Trần Quốc Hùng bị Viện Kiểm sát xác định đã tạo điều kiện không chính đáng cho Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 (ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đủ điều kiện để được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) sớm, nên đã lập báo cáo thẩm định hồ sơ, dự thảo, ký nháy Giấy phép hoạt động điện lực trình lãnh đạo ký cấp Giấy phép hoạt động điện lực cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 trái quy định, gây thiệt hại cho EVN hơn 209 tỷ đồng.
Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 9 ngày.
Theo TTXVN
Tính riêng trong tháng 2/2025, các đơn vị chức năng Công an tỉnh phát hiện 10 cá nhân có hành vi đăng tải, chia sẻ, bình luận nội dung sai sự thật, xúc phạm cá nhân, tổ chức liên quan đến việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh. Xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp với tổng số tiền 22,5 triệu đồng; tiếp tục làm việc, hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật đối với 7 trường hợp. Sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của lực lượng Công an đã góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp tỉnh Hòa Bình đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hàng trăm vụ án hình sự, qua đó kịp thời phát hiện nhiều vi phạm, ban hành nhiều kháng nghị phúc thẩm. Kết quả công tác kháng nghị phúc thẩm của ngành Kiểm sát đã góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh, sau một thời gian ngắn phát lệnh truy nã, đến khoảng 22 giờ ngày 18/4, đối tượng bị truy nã Bùi Đình Khánh (31 tuổi) trú tại phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã sa lưới khi đang lẩn trốn tại khu vực đường tránh, địa phận phố Lễ Môn, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa.
Đêm 17/4, trong quá trình triệt phá chuyên án ma túy đặc biệt nghiêm trọng, một cán bộ của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 17h50’ ngày 16/4 xảy ra vụ cháy tại khu đồi Vàng, thôn Ao Kềnh, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn thuộc đất của Công ty TNHH xi măng Vĩnh Sơn quản lý.
Sáng 17/4, lãnh đạo xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy cho biết, ngay khi phát sinh cháy tại khu vực rừng thuộc địa phận thôn Đồng Phú, xã đã báo cáo cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng. Đồng thời khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, cùng với các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm và nhân dân khống chế đám cháy. Đến sáng nay 17/4, nguồn cháy đã được dập tắt. Các lực lượng chức năng đang rà soát, kiểm tra hiện trường, thống kê diện tích rừng bị cháy.