Không gian thương mại điện tử (TMĐT) đang mở ra những chân trời tiêu dùng mới, nơi một cú click có thể đưa sản phẩm từ thôn bản xa xôi tới tận bàn ăn thành thị. Nhưng cũng chính ở đó, những khoảng trống pháp lý, những kẽ hở kiểm soát lại tạo ra những "vùng trũng” dễ bị lợi dụng cho hành vi gian lận, trốn thuế, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Hòa Bình vừa bước vào cuộc chơi thương mại số và cũng đã phải đối mặt với những vết rạn đầu tiên. Vừa qua, vụ việc Công ty TNHH HTV VKMarket (huyện Yên Thủy) bị khởi tố vì hành vi trốn thuế thông qua kinh doanh trực tuyến không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết: TMĐT dù là mảnh đất màu mỡ, cũng không thể trở thành "vùng trũng” của pháp luật.


Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra hàng hóa tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Kim Bôi.

Cơ hội lớn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro

Ở Hòa Bình, TMĐT dần trở thành một xu thế mới, mở ra cơ hội mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa tiêu dùng địa phương. Tuy nhiên, chính trong quá trình chuyển mình ấy, những khoảng trống pháp lý và kỹ năng vận hành TMĐT bài bản đã bộc lộ rõ. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn xem TMĐT đơn giản chỉ là đăng bán hàng hóa lên mạng xã hội hay các sàn trực tuyến, mà thiếu sự tuân thủ quy định pháp luật về xuất hóa đơn, chứng từ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cũng từ đó, nguy cơ gian lận thương mại, trốn thuế, bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng len lỏi vào từng giao dịch nhỏ.

Đồng chí Đỗ Mạnh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh thẳng thắn nhận định: "Với TMĐT, chỉ cần một tài khoản facebook hay zalo, một gian hàng trên các sàn TMĐT, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể tiến hành giao dịch. Nhưng việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, nguồn gốc hàng hóa hay nghĩa vụ thuế thì rất khó theo kịp nếu không có sự vào cuộc đồng bộ từ quản lý nhà nước và chính bản thân doanh nghiệp".

Thực tế thời gian qua cho thấy, số lượng gian hàng trực tuyến của Hòa Bình gia tăng, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp, cá nhân chấp hành đầy đủ quy định về hóa đơn điện tử, kê khai thuế, nhãn mác sản phẩm còn thấp. Điều này tiềm ẩn nhiều hệ lụy: vừa thất thu ngân sách nhà nước, vừa gây mất lòng tin nơi người tiêu dùng, vừa làm méo mó môi trường cạnh tranh trên không gian mạng.

Vụ việc Công ty TNHH HTV VKMarket bị khởi tố vì hành vi trốn thuế ngay trong quý I/2025 đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh rõ ràng nhất cho thực trạng ấy.

Ngày 13/2/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh  Hòa Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty TNHH HTV VKMarket, trụ sở tại xóm Yên Lương, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy. Chủ doanh nghiệp - bà Trương Thị Vinh (sinh năm 1980) bị cáo buộc thực hiện hành vi mua bán hàng hóa trên môi trường mạng mà không xuất hóa đơn, không kê khai doanh thu, trốn thuế lên tới gần 1,8 tỷ đồng.

Theo kết quả điều tra, công ty này sử dụng các nền tảng TMĐT để tiêu thụ hàng hóa với số lượng lớn nhưng cố tình lẩn tránh nghĩa vụ thuế, không thực hiện kê khai hóa đơn chứng từ theo quy định. Bản chất "ảo" của giao dịch TMĐT - nơi các bên không gặp mặt, chứng từ dễ dàng bị bỏ qua, đã bị VKMarket lợi dụng như một "khe cửa hẹp" để qua mặt cơ quan thuế và chiếm đoạt nguồn thu ngân sách.

"Vụ việc VKMarket là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những ai đang kinh doanh online mà chưa ý thức đầy đủ nghĩa vụ   pháp lý. Một thị trường điện tử bền vững không thể dung túng cho sự nhập nhèm và trốn tránh nghĩa vụ" - đồng chí Đỗ Mạnh Dũng khẳng định. 

Tăng cường kiểm soát thương mại điện tử

Vụ VKMarket chỉ là một lát cắt nhỏ trong bức tranh TMĐT đang vận động mạnh mẽ tại Hòa Bình. Nếu không có những bước đi quyết liệt và đồng bộ, không gian số - từ nơi khơi mở cơ hội - rất dễ trở thành miền đất màu mỡ cho những hành vi vi phạm pháp luật len lỏi.

Từ thực tế đó, Hòa Bình đã sớm nhận diện nguy cơ và từng bước xây dựng bộ khung pháp lý cho TMĐT địa phương. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp đẩy mạnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh online, tập trung vào hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế. Trong quý I/2025, lực lượng chức năng tỉnh đã kiểm tra 166 vụ, xử lý 87 vụ, trong đó TMĐT là lĩnh vực được nhấn mạnh trong công tác kiểm tra đột xuất.

Song song với kiểm tra, ngành chức năng tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Những lớp tập huấn, tuyên truyền kỹ năng TMĐT, những đường dây nóng tiếp nhận tố giác vi phạm, những chuyên mục tuyên truyền về nhận diện thủ đoạn gian lận trên môi trường số... dần hình thành "hàng rào mềm" bảo vệ người tiêu dùng trong kỷ nguyên mua bán trực tuyến.

Về mặt hạ tầng, sàn giao dịch TMĐT tỉnh (hoabinhtrade. gov.vn) tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc chuẩn hóa hoạt động kinh doanh online. Sự liên kết liên thông với SanViet.vn - hệ thống TMĐT hợp nhất toàn quốc không chỉ giúp đưa sản phẩm Hòa Bình đi xa hơn, mà còn buộc doanh nghiệp tuân thủ các quy chuẩn khắt khe về nguồn gốc sản phẩm, quy định thuế và trách nhiệm pháp lý khi bán hàng.

TMĐT dù diễn ra trên không gian mạng cũng không thể đứng ngoài những nguyên tắc căn bản của kinh doanh: minh bạch, trung thực và tuân thủ pháp luật. Vụ VKMarket chỉ là một lát cắt cho thấy: nếu thiếu cơ chế giám sát, nếu buông lỏng nghĩa vụ thuế và trách nhiệm nguồn gốc sản phẩm, TMĐT sẽ nhanh chóng trở thành mảnh đất màu mỡ cho gian lận sinh sôi. Hòa Bình đang cho thấy quyết tâm rõ rệt: không để TMĐT phát triển bằng mọi giá. Những bước đi siết chặt quản lý, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh số một cách bài bản, minh bạch chính là chìa khóa để TMĐT không chỉ bùng nổ về lượng, mà còn vững chắc về chất lượng. Bởi trong kỷ nguyên số, cơ hội sẽ chỉ thực sự bền vững với những ai bước đi trên nền tảng của pháp luật và niềm tin.


Minh Vũ

Các tin khác


Phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 798/UBND-NVK về việc triển khai thực hiện Công điện số 29/CĐ-TTg, ngày 3/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng (KGM) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 26 bị cáo hầu tòa trong vụ đất hiếm

Ngày 12/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cùng 26 bị cáo khác trong vụ án Công ty Thái Dương và các đơn vị liên quan khai thác trái phép đất hiếm ở mỏ Phù Yên (tỉnh Yên Bái).

Cảnh sát cơ động - lá chắn bảo đảm bình yên

Là đơn vị nòng cốt trên tuyến đầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, lực lượng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Hòa Bình luôn phát huy bản chất cách mạng, truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, mưu trí, dũng cảm đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mỗi chiến công, mỗi thành tích của lực lượng Cảnh sát cơ động thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực sự là "lá chắn thép” bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Phá chuyên án lừa đảo xuyên quốc gia dưới hình thức cá cược “cắt đá tìm ngọc”

Ngày 9/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 30 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua chiêu trò cá cược cắt đá tìm ngọc được livestream trực tiếp trên mạng xã hội.

Phát hiện, trục vớt 3 vật nổ tồn sót sau chiến tranh dưới lòng sông Đà

Theo thông tin từ Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình, sau 1 ngày triển khai thực hiện công tác rà phá bom mìn, vật nổ khu vực hạ lưu sông Đà, lúc 16h30' ngày 8/5, lực lượng làm nhiệm vụ đã trục vớt thành công 3 vật nổ tồn sót sau chiến tranh gần chân cầu Đúng thuộc phường Tân Thịnh (thành phố Hòa Bình).

Khởi tố Tiktoker Lê Việt Hùng về hành vi cưỡng đoạt tài sản

Ngày 8/5, Công an tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lê Việt Hùng (sinh năm 1987, trú phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) để điều tra, làm rõ về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục