M. đã không biết và cũng không thể làm gì để đòi lại sự công bằng cho mình. Còn người thân của M. lại đem nỗi bất hạnh của em ra toan tính, mặc cả và xúc phạm lẫn nhau

M. gục đầu khi nghe luật sư bào chữa cho bị cáo nêu những tình tiết giảm nhẹ, trong đó có chi tiết toàn bộ số tiền tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường về tổn thất tinh thần cũng đã được trao cho gia đình M. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gò má có phần rám nắng của em. Thật lạ. Chỉ ít phút trước đây thôi, em đã rất thản nhiên, rành rọt trả lời từng câu hỏi của HĐXX về lý do thay đổi nội dung kháng cáo.

Và mặc những câu hỏi tới lui của các vị trong HĐXX, em chững chạc khẳng định: “Không có ai ép buộc, đe dọa cháu. Chỉ vì thấy gia đình bố Thái đang rất khó khăn, vợ- con đều đau bệnh, không người chăm sóc... Xin xem xét thả cho bố Thái được về ạ...”. Hình như có điều gì đó...

Nghị án. Mẹ em bước ra khỏi phòng xử. Đốt điếu thuốc, đi qua đi lại rít mấy hơi   rồi quay trở vào ngồi cạnh con gái. Tôi bước đến hỏi thăm cuộc sống hiện tại của hai mẹ con cũng là để lựa lời hỏi lý do khiến M. rơi nước mắt. Bà H. (mẹ của M.) kể sau khi xảy ra vụ án, M. về ở nhà dì Út, em gái bà, người đã giúp M. tố cáo với công an sự việc bị cha nuôi dùng nhục hình đối với em.

Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau phiên tòa sơ thẩm (tháng 7-2009), giữa bà và em gái phát sinh mâu thuẫn về chuyện tiền nong, dì Út lấy lý do “con nhỏ lì lợm, nói không nghe lời”, yêu cầu bà lên TPHCM đón M. Bà đưa M. lên Đắk Lắk hái cà phê nhưng vì M. sống ở TP từ nhỏ, không quen với công việc nhà nông nên cũng chưa làm được gì mấy.

Cũng vì vậy mà phiên tòa phúc thẩm mở ra từ tháng trước phải hoãn cho đến tháng sau vì hai mẹ con không về TP kịp. “Lúc nãy, tôi nhờ tòa yêu cầu dì Út trả lại 50 triệu đồng tiền bồi thường đã nhận từ  gia đình cha mẹ nuôi của con nhỏ (gồm 30 triệu đồng tòa tuyên buộc và 20 triệu đồng mẹ nuôi cho M. để học nghề) nhưng tòa lại nói không thuộc thẩm quyền của tòa. Vậy mẹ con tôi phải làm sao hả cô?”.

Rồi bà tiếp, nhiều lần nói em gái trả lại tiền nhưng lần nào em bà cũng kể ra nào là chi phí khám bệnh, ăn uống của M. và các thứ linh tinh khác từ sau khi vụ án xảy ra đến giờ cũng đã gần hết. “Tiền mua gạo, mẹ con tôi còn không có thì làm sao có tiền mà khởi kiện dân sự như HĐXX nói?” - bà đưa mắt nhìn qua con gái. Không một lời, M. mím chặt môi, rưng rức khóc và lắc đầu quầy quậy khi tôi hỏi lý do khiến em khóc.
 


Ngược thời gian gần một năm về trước. Do mải đi chơi cùng bạn bè suốt đêm không về, M. đã bị bố Lê Quốc Thái, chồng của mẹ nuôi, dùng nhục hình để dạy bảo. Sự việc được phát hiện khi người hàng xóm thấy M. với đầu tóc lởm chởm, tay chân có nhiều vết bầm. Bất bình, dì Út của M. (mà lúc đó em gọi là cô Út) đã làm đơn tố cáo ra công an. Cũng từ đó, M. biết được thân thế của mình. Em là con nuôi của chính cậu ruột và mợ.

Do cậu mợ không có con mà gia đình em lại đang khó khăn nên mẹ đã đồng ý giao em cho họ làm con. Từ đó, mẹ ruột em trở thành cô Tư. Nhưng những năm tháng hạnh phúc thật ngắn ngủi, cha nuôi em chẳng may qua đời, người mẹ nuôi đi thêm bước nữa. M. có thêm em và cũng nghỉ học từ đó để chăm em. Từng được thương yêu, chiều chuộng, nay mất vị thế vì có em, M. đâm ra mặc cảm, lầm lì, có lúc  khó bảo.
 
Vì thế lại càng bị la mắng, đòn roi mà cao điểm là  trận đòn dã man của người cha nuôi. Sau khi TAND quận 8 tuyên phạt Lê Quốc Thái 2 năm 6 tháng tù, M. và đại diện hợp pháp của em- bà H. - làm đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo, bởi vì “những thiệt hại về vật chất có thể tính được nhưng những chấn thương về tâm lý mà M. phải gánh chịu bởi những hành vi suy đồi đạo đức của bị cáo sẽ theo M. đến suốt đời”.


Nhưng hôm nay, em và mẹ em đều thay đổi kháng cáo, xin HĐXX tha cho bị cáo. Vì điều gì? TAND TPHCM đã phải hoãn tuyên án đến 2 ngày sau và cuối cùng chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo lẫn bị hại. Bị cáo được trả tự do sau khi tòa tuyên án 10 tháng 10 ngày tù về tội làm nhục người khác.

Chiều hôm đó, M. và mẹ không đến tòa vì đã về Đắk Lắk. Nhưng tôi thì không thể quên được những giọt nước mắt và tiếng nấc khe khẽ, cố nén của em. Có cái gì đó như là nỗi ấm ức, sự dồn ép mà em không thể hay không được phép mở lời. Tôi điện thoại hỏi thăm vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho em trong phiên tòa sơ thẩm trước đó. Ông im lặng hồi lâu rồi nói: “Theo lời dì Út của M.,  chuyện không hẳn như mẹ của M. kể.
 
Để ông Thái được về sớm, mẹ nuôi của M. đã cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu của gia đình bị hại. Nhưng khi đã có một số tiền trong tay, những người thân của M. lại mâu thuẫn với nhau...”. Là vậy sao? Lẽ ra những người lớn phải chăm sóc, yêu thương một đứa trẻ bất hạnh như em nhiều hơn thì ngược lại, họ lại đem nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của em ra toan tính, mặc cả và xúc phạm lẫn nhau.

Còn em, dẫu là bị hại trong vụ án, thiệt thòi về mọi đường cũng chẳng thể làm gì- kể cả lên tiếng- để đòi lại sự công bằng cho mình. Bởi vì, mọi chuyện đều do người lớn sắp xếp, quyết định. Nhưng họ lại quên quan tâm đến tương lai của em.


Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao em khóc.

 

                                                                                   Theo Báo NLĐ

Các tin khác


Triệt phá đường dây sản xuất giấy phép lái xe, đăng ký xe giả

Ngày 20/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can: Lê Xuân Giáp, Trịnh Thị Thu, Nguyễn Văn Tĩnh, Đặng Văn Nam và Hoàng Thị Hạnh về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Công an huyện Tân Lạc bắt nhanh 2 đối tượng liên tiếp cướp tài sản trong đêm

Công an huyện Tân Lạc cho biết, đơn vị vừa bắt 2 đối tượng liên tiếp gây ra 2 vụ cướp trong đêm bằng hành vi đánh và xin "đểu” tiền người đi đường.

Xét xử sơ thẩm vụ án khai thác quặng lậu, rửa tiền tại Lilama

Ngày 20/5, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai mở phiên tòa xét xử sở thẩm 17 bị cáo trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Lilama; trong đó có một số bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ tỉnh.

Xử phạt hành chính nhóm người tập yoga, chụp ảnh giữa đường

Tối 19/5, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, chiều 18/5, UBND thị trấn Kiến Xương (huyện Kiến Xương, Thái Bình) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 người về hành vi tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ để chụp ảnh gây cản trở giao thông.

Công an xã Kim Bôi: Bám địa bàn, giữ ổn định an ninh trật tự ở cơ sở

Xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi có địa bàn rộng, dân số đông, trước đây xã nổi lên các vấn đề liên quan đến ma túy, trộm cắp tài sản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự (ANTT). Để làm tốt công tác ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm, xây dựng địa bàn an toàn, ngoài việc phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, UBND xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật.

Xã Đồng Tân: Vững vàng thế trận an ninh

Xã Đồng Tân (Mai Châu) nằm trên quốc lộ 6, tiếp giáp với 5 xã của huyện Mai Châu và huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Xã có tổng diện tích 39,09km2, 2.694 nhân khẩu, sinh sống tại 11 xóm, dân cư phân bố rải rác, không tập trung. Nhờ lợi thế địa hình, Đồng Tân có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế, kết nối khu vực hình thành các chuỗi liên kết, trao đổi hàng hóa, nâng cao đời sống nhân dân. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng đã tạo ổn định chính trị và tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục