Tác giả gặp phạm nhân Sùng A Mua trong Trại giam

Tác giả gặp phạm nhân Sùng A Mua trong Trại giam

Đêm nào cũng thế, giữa giấc ngủ chập chờn trong buồng giam phạm nhân bị kết án tử hình, Mua lại giật mình bừng tỉnh; văng vẳng đâu đây tiếng gọi "tu chí ơi…" (bố ơi). Khi bị bắt, vợ Mua mới mang thai đứa con đầu lòng được 3 tháng.

 

Năm nay mới 23 tuổi, từng học khá giỏi, là một trong không nhiều người ở cái bản Mông heo hút trên đỉnh Pú Huổi Luông có bằng THCS; được "chọn mặt gửi vàng" tham gia công tác tại địa phương, nhưng chỉ vì hám món lợi nhuận khổng lồ từ buôn bán cái chết trắng, Sùng A Mua ở bản Pu Cai, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông đã sa ngã.

Một lần tặc lưỡi

Nắng gắt như hắt lửa xuống dãy nhà K1, Trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên. Tôi ngồi với Sùng A Mua ở buồng giam dành cho phạm nhân bị kết án tử hình. Thi thoảng câu chuyện bị ngắt quãng, bởi tiếng râm ran đồng thanh của đám ve vô tâm gọi hè bám trên rặng cây phượng đỏ ối hoa ở góc trại.

Nếu không khoác trên người bộ quần áo phạm nhân, thật khó hình dung đây là một ông trùm ma tuý có đai có số, từng tung hoành không chỉ ở Điện Biên, mà cả khu vực Tây Bắc. Mua sở hữu một khuôn mặt bầu bĩnh, nước da trắng trẻo, môi đỏ, dái tai to và dầy, đặc biệt nụ cười có duyên bẽn lẽn như con gái.

Sinh năm 1987, Sùng A Mua là con út trong một gia đình người Mông có 5 anh chị em. Vùng Pú Nhi - quê Mua, được thiên nhiên ưu đãi cho bờ xôi ruộng mật, đất đai phì nhiêu, cây lúa cứ cắm xuống là đơm bông nặng hạt. Nhà tuy đông anh em, bố mẹ Mua cả đời chỉ quanh quẩn trên nương rẫy, nhưng cũng chẳng để cho con cái đói ăn, rách mặc. Các anh, chị lập gia đình ở riêng, bao tình thương yêu ông bà Sùng Khua Bia dồn cả cho cậu con út. Sùng A Mua được bố mẹ nuôi ăn học tử tế.

Ở Pú Nhi, những người học hết lớp 9, có bằng tốt nghiệp THCS như Mua chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu không đi học tiếp, ở nhà vài tháng có thể đã được cấp ủy, chính quyền mời gọi, tiến cử tham gia công tác tại địa phương. Mua cũng không là ngoại lệ; anh ta được chọn mặt gửi vàng để tham gia công tác Đoàn thanh niên ở xã.

Một đôi lần theo đám bạn sang bên kia biên giới, choáng váng trước cảnh ăn chơi phù hoa của những người mới quen biết, Mua bắt đầu thay đổi quan niệm sống. Anh ta không muốn quay về với công việc nhàm chán trên nương rẫy cùng bố mẹ nữa. Mua bắt bố mẹ bán một con trâu và 2 tấn ngô để sắm một chiếc xe Win 100.

Có xe, Mua không chịu làm ăn, suốt ngày ăn diện, rồi cùng mấy giai bản hư hỏng lướt núi sang các bản Mông khác tìm bạn tình hoặc phi xe gần 30 cây số xuống TP Điện Biên Phủ nhậu nhẹt, hát karaoke. Mua rất tâm đắc một câu trong bài hát nào đó, coi như một triết lý sống: "Đồng ruộng phì nhiêu chẳng giữ nổi chân ta/ Cưỡi gió lướt mây ta vui thú cùng nàng!".

Trong một cuộc nhậu tới bến ở TP Điện Biên Phủ, Mua gặp một người dân tộc Dao ở Lào Cai, sau này mối quan hệ trở nên thâm tình hơn, người này đã nhờ Mua tìm mua ma tuý để kiếm lời. Tuy thừa biết buôn bán ma tuý là trọng tội, nhưng trong lúc đang kẹt tiền để bao mấy cô gái mới quen ở xã Xa Dung nên Mua tặc lưỡi. Chỉ mất có chưa đầy 1 tiếng đồng hồ chạy về thành phố, Mua được trả công đến 4 triệu đồng.

Sau lần mua bán đầu tiên, Mua lại chủ động vượt biên sang bên kia biên giới để tìm hàng, ban đầu là vận chuyển thuê, sau thấy ngon ăn, lại quen các mối, nên anh ta tách ra làm ăn riêng. Đường dây do Mua lập ra có đến 5 người, trải dài từ xã Na Ư về Pú Nhi, TP Điện Biên Phủ ra Mường Ảng, sang Lai Châu và Lào Cai...

Mua nói như thanh minh: "Một bánh heroin mua ở chợ biên giới là 75 triệu đồng, mang về Điện Biên bán được hơn 90 triệu, ra đến Tuần Giáo là 100 triệu, lãi như thế ai mà chẳng ham hả cán bộ".

Mua đi trót lọt mấy chuyến hàng cho đến một hôm, đó là chập tối ngày 26/12/2007, trong khi đang điều khiển chiếc xe Win 100 đổ đèo Na Hai, xã Sam Mứn, Sùng A Mua bị lực lượng trinh sát của Đồn Biên phòng Tây Trang phát hiện, bắt giữ. Trong chiếc túi thổ cẩm chằng sau xe của Mua có đến 3 bánh heroin, trọng lượng 1,05kg.

Cùng bị bắt với Mua còn có một "đồng nghiệp" là Sùng A Dũng ở bản Hua Thanh, xã Na Ư, huyện Điện Biên. Mua, Dũng bị bắt, đường dây bị bóc gỡ, 3 đàn em của Mua là Hạng Vạng Mua (29 tuổi), Sùng A Khu (21 tuổi), Sùng A Chính (19 tuổi) lần lượt bị bắt, 2 đàn em khác đang bị cơ quan Công an tầm nã ráo riết. Tòa sơ thẩm, rồi phúc thẩm đều tuyên phạt Sùng A Mua mức án tử hình.

"Thèm được nghe tiếng gọi tu chí ơi"

Trong câu chuyện với tôi, Sùng A Mua nói anh ta thường xuyên mất ngủ sau phiên toà phúc thẩm. Mua cũng viết đơn xin Chủ tịch nước tha tội chết. "Bây giờ cháu chỉ trách mình là không nghe lời bố mẹ mà dính vào buôn bán ma tuý. Cháu chỉ thương vợ con; con gái cháu tên là Sùng Thị Vừ mới chưa đầy 2 tuổi. Bị khép tội tử hình rồi, giờ cháu chỉ sống trong hy vọng", Mua ôm mặt khóc rưng rức.

Vợ của Sùng A Mua là Vừ Thị M., năm nay cô mới 20 tuổi. Cách đây 3 năm, trong một lần cùng đám bạn đi chơi xuân ở bản Háng Đồng, cô gặp Mua và ngay lập tức đã ưng cái bụng trước chàng trai Mông đẹp giai, nói năng có duyên, cưỡi con Win đen, đi như gió thổi trên đỉnh đèo Pò Cai heo hút gió.

M. về làm dâu nhà họ Sùng, nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang", chồng cô bị bắt cùng 3 bánh heroin khi cô mới mang trong bụng đứa con gái đầu lòng được 3 tháng. Bây giờ mỗi khi gặp bố, nó đã biết nhõng nhẽo gọi "tu chí ớ", bằng cái giọng Mông lơ lớ…

Mua bảo bây giờ anh ta mới thấy thương vợ. Nhiều hôm, thấy vợ địu đứa con gái xuống thăm, mồ hôi nhễ nhại, quần áo nhếch nhác, nụ cười héo hắt, quà chẳng có gì ngoài mấy gói mỳ tôm và vài quả mắc coọc, anh ta chỉ biết khóc. Mua bảo, từ sau phiên toà phúc thẩm (tháng 12/2009), chẳng bao giờ anh ta ngủ được. Vừa sợ ngày phải ra pháp trường lại vừa ân hận vì thương vợ con.

Mới lấy nhau về được vài ba tháng, Mua đã bỏ đi chơi suốt ngày, để vợ vò võ một mình. Phụ nữ người Mông vốn dĩ cực kỳ chiều chồng và rất cam chịu, vợ Mua cũng thế, chẳng bao giờ dám trách cứ chồng lấy một câu. Tiền kiếm được do buôn ma tuý cũng chẳng ít, nhưng Mua lại dành để bao các em gái khác, họa hoằn lắm mới đưa cho vợ vài ba trăm ngàn.

Bây giờ vào Trại rồi, Mua mới thấm hiểu sự ngang trái ở đời. Cô bạn gái được Mua ưu ái nhất cũng chỉ đến trong phiên toà sơ thẩm. Chỉ một lần duy nhất anh ta bắt gặp ánh mắt liếc xéo của nàng sơn nữ e lệ thuở nào khi Toà tuyên án tử hình, rồi mất hút đến tận bây giờ.

Mua thở dài: "Chỉ đến khi sa cơ lỡ bước, cháu mới biết tấm lòng của bố, mẹ và vợ mình. Vợ cháu vẫn động viên, dù thế nào đi nữa, cô ấy vẫn sẽ chờ cháu về. Cô ấy không hề biết bị án tử hình có nghĩa là đã phạm phải tội chết cán bộ ạ!".

Hành vi mua bán 8 bánh heroin đã đóng sập tương lai, chấm hết cuộc đời của Sùng A Mua khi còn rất trẻ. Khi Mua bị bắt, anh ta mới vừa tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 20 được 3 ngày. Tự đánh mất cuộc đời của mình, nhưng rất có thể rồi đây Mua sẽ để lại thêm một nỗi đau khác, đó là biến người vợ bằng xương bằng thịt thành đá vọng phu khi còn xuân sắc; đứa trẻ mồ côi, lớn lên trong nỗi mặc cảm về hành vi và tội ác của người cha…

Trong tác phẩm "Tiếng hát làm dâu" - một trường ca nổi tiếng của dân tộc Mông - có một người con gái đã đi qua trăm núi nghìn thung để tìm người mà mình yêu dấu.

Còn ở đây, "người yêu dấu" của Vừ Thị M. lại phải đang thúc thủ trong bốn bức phòng biệt giam để chờ ngày vĩnh quyết. Lúc ấy, tiếng gọi "tu chí" từ miệng đứa con mà Sùng A Mua chối bỏ từ khi mới là giọt máu phôi thai, hỏi còn ý nghĩa gì sau những chuyến vượt biên rồ dại? Đêm nào cũng thế, trong giấc ngủ chập chờn, Mua lại giật mình, từ ngoài song sắt của buồng biệt giam, hình như văng vẳng đâu đây có tiếng con gái bé bỏng gọi "tu chí ơi..."


                                                                                      Theo CAND

Các tin khác


Triệt phá đường dây sản xuất giấy phép lái xe, đăng ký xe giả

Ngày 20/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can: Lê Xuân Giáp, Trịnh Thị Thu, Nguyễn Văn Tĩnh, Đặng Văn Nam và Hoàng Thị Hạnh về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Công an huyện Tân Lạc bắt nhanh 2 đối tượng liên tiếp cướp tài sản trong đêm

Công an huyện Tân Lạc cho biết, đơn vị vừa bắt 2 đối tượng liên tiếp gây ra 2 vụ cướp trong đêm bằng hành vi đánh và xin "đểu” tiền người đi đường.

Xét xử sơ thẩm vụ án khai thác quặng lậu, rửa tiền tại Lilama

Ngày 20/5, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai mở phiên tòa xét xử sở thẩm 17 bị cáo trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Lilama; trong đó có một số bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ tỉnh.

Xử phạt hành chính nhóm người tập yoga, chụp ảnh giữa đường

Tối 19/5, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, chiều 18/5, UBND thị trấn Kiến Xương (huyện Kiến Xương, Thái Bình) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 người về hành vi tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ để chụp ảnh gây cản trở giao thông.

Công an xã Kim Bôi: Bám địa bàn, giữ ổn định an ninh trật tự ở cơ sở

Xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi có địa bàn rộng, dân số đông, trước đây xã nổi lên các vấn đề liên quan đến ma túy, trộm cắp tài sản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự (ANTT). Để làm tốt công tác ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm, xây dựng địa bàn an toàn, ngoài việc phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, UBND xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật.

Xã Đồng Tân: Vững vàng thế trận an ninh

Xã Đồng Tân (Mai Châu) nằm trên quốc lộ 6, tiếp giáp với 5 xã của huyện Mai Châu và huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Xã có tổng diện tích 39,09km2, 2.694 nhân khẩu, sinh sống tại 11 xóm, dân cư phân bố rải rác, không tập trung. Nhờ lợi thế địa hình, Đồng Tân có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế, kết nối khu vực hình thành các chuỗi liên kết, trao đổi hàng hóa, nâng cao đời sống nhân dân. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng đã tạo ổn định chính trị và tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục