Đến ngày 8/7, các đơn vị An ninh, Cảnh sát Bộ Công an phối hợp Công an TP HCM tiếp tục xóa thêm 5 tụ điểm tại khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7), đưa tổng số có 9 tụ điểm tội phạm sử dụng công nghệ thông tin để lừa đảo, bắt giữ 116 đối tượng (88 người Đài Loan và 28 người Trung Quốc), trong đó có 11 đối tượng đã tự ra đầu thú.
Đến ngày 15/7, Bộ Công an Việt Nam đã hoàn tất việc trục xuất, chuyển giao đối tượng, trao đổi tài liệu, tang vật chứng cho Trung Quốc và Đài Loan để tiếp tục điều tra xử lý số tội phạm đã bị cơ quan An ninh Việt Nam bắt giữ. Bộ Công an Trung Quốc đã tiếp nhận 28 đối tượng người Trung Quốc; Đài Loan cũng đã tiếp nhận 88 đối tượng người Đài Loan.
Sau khi cơ quan An ninh Việt Nam đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, bắt giữ 116 đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan. Không chỉ dư luận trong nước đánh giá cao công tác đấu tranh có hiệu quả của lực lượng Công an không để chúng có cơ hội tấn công vào ngân hàng và tài khoản của công dân Việt Nam; các cơ quan chức năng của Trung Quốc và Đài Loan đã cảm ơn sự hợp tác và chủ động ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này của Bộ Công an Việt Nam.
|
Một số tang vật bị thu giữ. |
Đầu năm 2010, Bộ Công an nhận được nhiều thông tin trao đổi của lực lượng chống tội phạm của một số nước về tình hình hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đang hoạt động tại các nước Đông Nam Á. Ngay sau đó, các biện pháp an ninh được tăng cường.
Đến tháng 3, cơ quan An ninh Việt Nam phát hiện nhiều nhóm đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc nhập cảnh vào nước ta (chủ yếu là một số tỉnh, TP phía Nam, trọng tâm là TP HCM) qua nhiều đường khác nhau.
Cuối tháng 6, cơ quan An ninh Việt Nam phát hiện nhiều đối tượng bắt đầu hoạt động tội phạm bằng việc sử dụng công nghệ thông tin (viễn thông, Internet) để tấn công vào các ngân hàng và tài khoản công dân một số nước và vùng lãnh thổ trong khu vực: Trung Quốc, Đài Loan.
Trước tình hình này, đồng chí Bộ trưởng Lê Hồng Anh đã phân công Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chỉ đạo trực tiếp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP HCM trong thời gian sớm nhất phải đấu tranh, triệt phá và bắt giữ các đối tượng hoạt động tội phạm.
Để ngăn chặn hành vi nguy hiểm của chúng, từ ngày 29/6 đến ngày 12/7, cơ quan An ninh Việt Nam đã tiến hành bắt giữ 116 đối tượng có quốc tịch Trung Quốc (có 86 đối tượng người Đài Loan, 28 đối tượng người Trung Quốc) khi chúng đang hoạt động tội phạm ở các quận: 12, 7, 8 (TP HCM), thu giữ nhiều phương tiện chúng đang sử dụng để gây án.
Từ các tài liệu, phương tiện thu được và lời khai của những tên cầm đầu, kết hợp với tài liệu của các cơ quan chống tội phạm các nước trao đổi, cơ quan An ninh Việt Nam xác định đây là nhóm tội phạm có tổ chức người Đài Loan, Trung Quốc, hoạt động xuyên quốc gia, bọn chúng hoạt động phạm tội ở Đài Loan, Trung Quốc và Thái Lan, gây nhiều thiệt hại cho các tổ chức, công dân của những nước, vùng lãnh thổ trên.
Khi bị lực lượng chống tội phạm của Đài Loan, Trung Quốc và Thái Lan phát hiện, tấn công, đã tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam để tiếp tục hoạt động tội phạm. Qua công tác điều tra, trong số 116 đối tượng bị lực lượng Công an Việt Nam bắt giữ chỉ là những kẻ thực hiện tội phạm cụ thể, còn những tên cầm đầu ở nước ngoài chỉ đạo qua mạng thông tin.
Nhằm rút ra những bài học, kinh nghiệm về công tác nắm tình hình, công tác quản lý nhà nước… để từ đó khắc phục những sơ hở, thiếu sót, tổ chức lực lượng chủ động nắm chắc tình hình, quản lý và phát hiện ngăn chặn kịp thời tình hình các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động tội phạm, chiều 16/7, tại TP HCM, Bộ Công an đã tổ chức sơ kết công tác đấu tranh chuyên án ngăn chặn hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ để lừa đảo của các đối tượng người Trung Quốc và Đài Loan.
Tại buổi sơ kết chuyên án, Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã đánh giá, phân tích toàn diện nội dung chuyên án, đồng thời biểu dương các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP HCM đã kịp thời phát hiện, đánh đúng, đánh trúng các tụ điểm hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền ngân hàng và các tài khoản cá nhân, bắt gọn các đối tượng gây án, không để xảy ra hậu quả xấu về an ninh và trật tự xã hội của nước ta.
Cũng từ chuyên án này, các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP HCM đã rút ra nhiều bài học bổ ích trong việc đấu tranh ngăn chặn hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo.
Theo Báo CAND