Cuối tháng ba, đi dọc quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Kon Tum lại thấy không khí nô nức thu hoạch mỳ của bà con nơi đây. Nhưng đằng sau rẫy mỳ bội thu là những cột khói bốc lên ngút trời từ những cánh rừng nguyên sinh. Ai cũng hiểu rằng rừng đang… khóc!

Khi cây rừng rỉ máu

Giữa cái nắng khô hanh của vùng Tây Nguyên, chúng tôi đi khắp các làng xã của các huyện vùng cao biên giới Đăk Glei, Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Những con đường đất đỏ bụi mù xuyên núi qua khe dẫn chúng tôi đến những rừng thông già, những rừng nguyên sinh của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nhưng xót xa thay, thay vì màu xanh bát ngát của núi rừng lại là những quả đồi trọc xám đen một màu than.

Trên đường đến với xã biên giới Đăk Nhoong huyện Đăk Glei, chúng tôi ngỡ ngàng trước những cánh rừng bị cháy sém từng vạt, tro hãy còn nóng hổi, khói bốc nghi ngút. Cây rừng bị đốn ngã lăn xuống dòng PôKô chảy về phía hạ nguồn. Nhiều đoạn lâm tặc dùng cưa xẻ thành từng khúc vuông thành sắc cạnh nhưng chưa kịp vận chuyển hãy còn đó.

Chúng tôi gặp anh H Ngơi đang dùng rựa chặt một cây thông đã bị cháy sém, anh nói: "Rừng này họ đốt rồi, mình chỉ chặt mấy cây về làm củi thôi chứ không phá rừng gì đâu". Anh Ngơi còn cho biết thêm: "Làng mình nghèo lắm, không có đất để trồng lúa nước nên phải phát nương trồng lúa rẫy và mỳ để bán cho nhà máy. Hai ba năm đất xói mòn, mỳ không lớn được nữa thì người ta lại phải đốt rừng thế này để trồng tiếp". Khắp những ngọn núi quả đồi là những con đường mòn nhằng nhịt do người dân tạo ra để thuận tiện cho việc phá rừng sau khi rừng bị cháy đã lộ ra mồn một.

Một thợ xẻ gỗ mà không vấp phải sự cản trở nào.

Chúng tôi đến với làng văn hóa Nú Vai xã ĐăKroong, huyện Đăk Glei chứng kiến những ngôi nhà được làm bằng những thớ gỗ hương to bản mới hiểu rằng vì sao rừng bị tàn phá nhanh đến vậy. Người dân ở đây xem rừng như tài nguyên vô tận mà họ có thể khai thác bất cứ lúc nào. Vì thế mà bây giờ rừng nguyên sinh ở đây đã thay bằng những rẫy mỳ bát ngát trải hết những quả đồi này đến quả đồi kia.

Theo một nguồn tin của người dân đi rừng về, chúng tôi đến với làng Đăk Wât, xã Đăkroong, huyện Đăk Glei ở bên bờ kia sông PôKô mới thấy sao xót xa. Một cánh rừng rộng hơn 10ha với nhiều loại gỗ quý như hương, trắc, sến bị thiêu rụi không thương tiếc. Trong cảnh hoang tàn chỉ trơ lại những gốc cây to đường kính từ 40 - 90cm và những thân gỗ lớn nằm la liệt không sử dụng được bị bỏ lại. Theo chúng tôi quan sát thì đây là một vụ phá rừng có quy mô lớn sử dụng đến cưa xăng, cưa máy và phải tiến hành trong nhiều ngày nhưng vẫn không hề bị ngăn cản.

Cạnh đó là rẫy mỳ của người dân đã lấn tới sát khu rừng nguyên sinh này và không lâu nữa khi mưa xuống, từ bãi tàn tro kia lại sẽ có những cây mỳ được cắm xuống đất. Chúng tôi hỏi anh Y Đơ - người dân tộc Xê Đăng đang nhổ mỳ cạnh đó thì anh nói: "Sau cơn bão năm 2009 ruộng bị mất nên cả nhà tôi phải lên đây đốt rẫy khai hoang trồng mỳ, sau đó sẽ trồng cao su". Khi được hỏi khi làm như vậy xã có nói gì không thì anh Đơ chỉ ậm ờ không trả lời.

Địa hình đồi núi trùng trùng điệp điệp khiến việc nắm rõ địa bàn khá khó khăn, bên cạnh đó là dòng sông PôKô chạy dọc các khe núi. Chảy giữa đại ngàn Trường Sơn, dòng PôKô mạnh mẽ lại đang vô tình tiếp tay cho những hành vi tội ác của lâm tặc. Những thước gỗ đã được xẻ vuông vắn được lăn xuống sông đến khi nào có bè sẽ được chuyển về xuôi. Vì vậy rất khó cho lực lượng kiểm lâm kiểm soát được đường dây vận chuyển gỗ và rừng vẫn từng ngày "chảy máu" xuống dòng sông đỏ ngầu đất bazan. Người dân, lâm tặc đang trực tiếp bức tử rừng nguyên sinh, biến rừng nguyên sinh thành những rẫy mỳ, những đồi cao su mà không hề nghĩ đến những hậu quả của nó đã xảy ra như cơn bão số 9 năm 2009.

Chính quyền vẫn… bàng quan

Cơn bão số 9 đi qua đã lấp đi bao mảnh ruộng của đồng bào các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Cái đói đã trở lại từng ngóc ngách của những bản làng mà trước nay vẫn nghèo khó. Dưới những mái nhà tranh vách đất là những giọt nước mắt oán than cho sự trớ trêu của ông trời đã cướp mất của họ ruộng vườn dọc dòng PôKô. Không chịu được cái đói cái nghèo, họ mang ngọn lửa, mang cây rựa lên rừng phát nương làm rẫy. Các chính quyền xã cơ sở cũng vì thương dân mà xin huyện cho dân được đốt cháy những rừng tre rừng nứa để trồng xuống đất cây mỳ xóa đói giảm nghèo và cây cao su với ước vọng làm giàu.

Tưởng rằng như thế là xong chuyện đói nghèo nhưng sau hai năm, nhà đất vẫn chưa biến thành nhà xây còn rừng thì vẫn cứ phá mà người nghèo cứ nghèo. Khi những cơn mưa của mùa mưa đến cũng là lúc người dân đi khắp núi đồi để cắm lên đất những cây mỳ mang hy vọng xóa được cái đói, đuổi được cái nghèo khi mỳ đang từng ngày tăng giá. Nhưng giữa những núi đồi bát ngát ấy chỉ có nguồn nước duy nhất là nước mưa phụ thuộc vào trời. Thời tiết khắc nghiệt cũng chính vì thế cuộc sống nhân dân cũng long đong cùng cây mỳ. Khi ấy người ta mới tự hỏi rừng hay mỳ cái nào giúp dân thoát nghèo?

Những cây gỗ lớn bị đốn ngã nằm la liệt.

Trước kia đã có khá nhiều dự án giúp dân trồng rừng, bảo vệ rừng nhưng cũng chính vì sự quản lý không siết chặt, không sát dân của chính quyền mà như muối bỏ bể, dự án tan vỡ còn rừng thì… tan hoang. Bây giờ khi xã đồng ý cho dân đốt nương làm rẫy theo định hướng nhằm tạo điều kiện cho dân có mảnh đất canh tác nhưng cũng chính sự quản lý lỏng lẻo, vô trách nhiệm của chính quyền mà dân vẫn chưa thể thoát nghèo. Dân đốt rẫy ở đâu, đốt gì, trồng gì chính quyền cũng không hề biết hay cố tình làm ngơ?

Trở lại vụ phá rừng tại làng Đăk Wât, xã Đăkroong, hiện trường chỉ cách Ủy ban nhân dân xã chưa đầy 4km nhưng khi được hỏi về vụ việc, ông A Thẳng, Chủ tịch xã nói rằng không rõ. Còn bà Y Loan, Phó Chủ tịch xã khi xem những hình ảnh chúng tôi ghi lại đã ngỡ ngàng không biết đó là nơi nào, phải sang phòng địa chính hỏi. Bà nói: "Vì mới nhậm chức nên tôi cũng không nắm rõ địa hình với lại tiểu khu đó nằm khuất sau dãy núi nên không thấy được. Hằng tháng xã chúng tôi vẫn kết hợp với kiểm lâm huyện đi tuần tra từng khu vực, có phát hiện một số trường hợp vi phạm đã tiến hành đo đạc và xử phạt hành chính". Nhưng những trường hợp bị phát hiện dường như chỉ là bề nổi của tảng băng chìm và việc xử phạt vẫn còn mang tính hình thức. Còn về việc dân lấn đất của rừng nguyên sinh thì bà cho hay đã tuyên truyền cho đồng bào hiểu nhưng họ làm rất nhanh nên khi phát hiện ra thì rừng cũng đã bị phá hết rồi.

Người ta vẫn chưa quên trận lũ quét lịch sử năm 2009 đã cuốn đi những gì, vậy tại sao rừng vẫn bị tàn phá không thương tiếc đến vậy. Phải chăng chuyện đốt rừng làm rẫy là "chuyện thường ngày ở huyện" nên chính quyền vẫn "bình chân như vại"? Cần phải có sự quyết liệt hơn từ các ngành chức năng để chấm dứt tình trạng lâm tặc phá rừng, còn với người dân phải quy hoạch rõ vùng được phép khai hoang. Chỉ như vậy mới cứu sống được những khu rừng nguyên sinh đang trên trên đà bị thu hẹp, giữ lại màu xanh cho rừng thẳm. Và có chính sách hợp lý giúp dân sống dựa vào rừng để con người và thiên nhiên hiền hòa.

                                                                           Theo Báo CAND

 

Các tin khác


Triệt phá đường dây sản xuất giấy phép lái xe, đăng ký xe giả

Ngày 20/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can: Lê Xuân Giáp, Trịnh Thị Thu, Nguyễn Văn Tĩnh, Đặng Văn Nam và Hoàng Thị Hạnh về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Công an huyện Tân Lạc bắt nhanh 2 đối tượng liên tiếp cướp tài sản trong đêm

Công an huyện Tân Lạc cho biết, đơn vị vừa bắt 2 đối tượng liên tiếp gây ra 2 vụ cướp trong đêm bằng hành vi đánh và xin "đểu” tiền người đi đường.

Xét xử sơ thẩm vụ án khai thác quặng lậu, rửa tiền tại Lilama

Ngày 20/5, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai mở phiên tòa xét xử sở thẩm 17 bị cáo trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Lilama; trong đó có một số bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ tỉnh.

Xử phạt hành chính nhóm người tập yoga, chụp ảnh giữa đường

Tối 19/5, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, chiều 18/5, UBND thị trấn Kiến Xương (huyện Kiến Xương, Thái Bình) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 người về hành vi tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ để chụp ảnh gây cản trở giao thông.

Công an xã Kim Bôi: Bám địa bàn, giữ ổn định an ninh trật tự ở cơ sở

Xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi có địa bàn rộng, dân số đông, trước đây xã nổi lên các vấn đề liên quan đến ma túy, trộm cắp tài sản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự (ANTT). Để làm tốt công tác ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm, xây dựng địa bàn an toàn, ngoài việc phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, UBND xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật.

Xã Đồng Tân: Vững vàng thế trận an ninh

Xã Đồng Tân (Mai Châu) nằm trên quốc lộ 6, tiếp giáp với 5 xã của huyện Mai Châu và huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Xã có tổng diện tích 39,09km2, 2.694 nhân khẩu, sinh sống tại 11 xóm, dân cư phân bố rải rác, không tập trung. Nhờ lợi thế địa hình, Đồng Tân có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế, kết nối khu vực hình thành các chuỗi liên kết, trao đổi hàng hóa, nâng cao đời sống nhân dân. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng đã tạo ổn định chính trị và tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục