Các học viên “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu” tháng 4/1945.         ảnh T.L

Các học viên “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu” tháng 4/1945. ảnh T.L

(HBĐT) - Đi tìm địa điểm làm trường học quân sự cho Xứ ủy Bắc Kỳ, tôi đến thăm sức khỏe bác Quách Rưỡng, chỉ huy đội du kích ở chiến khu Mường Khói và kiêm liên lạc giữa Xứ ủy với Ban cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình năm 1945.

 

Nay bác đã ngoài 80 tuổi, nghỉ hưu tại phố Hữu Nghị, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), bác cho biết: Để có thêm nhiều cán bộ quân sự lãnh đạo khởi nghĩa ở các địa phương, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định mở lớp huấn luyện quân sự tập trung tại chiến khu Mường Khói - nằm trong liên chiến khu của 3 tỉnh Hòa - Ninh - Thanh, có địa thế giáp ranh với các tỉnh miền núi và đồng bằng. Xứ ủy giao nhiệm vụ này cho cán bộ quân sự của xứ là đồng chí Vương Thừa Vũ vừa ra tù ở “căng” Tuyên Quang phụ trách, từ việc đi tìm địa điểm mở lớp, làm giảng viên - kiêm Hiệu trưởng. Trường mở ở đâu, thầy hiệu trưởng phải liên hệ với cơ sở Việt Minh sở tại để được giúp đỡ về lương thực, thực phẩm trong thời gian mở lớp.  

Qua nhiều ngày đi khảo sát địa hình thuộc đất tỉnh Sơn Tây, lên Lương Sơn rồi vào Lạc Sơn…, cuối cùng đồng chí đã tìm đến cụ Quách Hy đang làm bang tá triều thủy ở châu Lương Sơn. Lúc ấy, văn phòng làm việc của cụ ở Sào Báy (cách Ba Hàng Đồi khoảng 10 km) để cụ giúp đỡ. Biết được mục đích, yêu cầu của Xứ ủy, cụ đã viết thư cho con trai là Quách Rưỡng ở trong quê Mường Khói để đưa đồng chí Vũ đi tìm địa điểm trường du kích kháng Nhật vào trung tuần tháng 7/1945.

 

Nhận được thư cha do một người đến nhà nói rõ yêu cầu tìm địa điểm, bác Rưỡng đã đưa đồng chí Vũ đi một ngày vòng quanh các xóm: Ngái, Tưa, Bái, Tuôn… tới chân dốc Ngheo. Nhưng đồng chí Vũ vẫn chưa ưng ý nên sáng hôm sau trở về xuôi. Bất ngờ 5 ngày sau, đồng chí Vũ lại đến xóm Ngái, yêu cầu bác Rưỡng dẫn đến nơi xa và kín đáo hơn những địa điểm lần trước. Ngay chiều hôm ấy, bác Rưỡng dẫn đồng chí Vũ đến nhà lý trưởng Bùi Văn Mão (quan lang Quách Hy và lý trưởng Mão là người yêu nước đã nuôi giấu đồng chí Phan Bổng trốn khỏi tù của Pháp từ năm 1941) để cùng bàn bạc thực hiện nhiệm vụ mới của Xứ ủy giao. Cụ thể là cùng đưa đồng chí Vũ lên xã Hoài ân - nay là xã Tân Mỹ, gần núi Trường Sơn kín đáo hơn để tìm địa điểm làm trường học chống phát xít Nhật.

 

Sáng hôm sau, gà vừa gáy canh năm, 3 người đã bí mật đi qua xóm Bái vào xóm Ngheo thì trời vừa mờ sáng. Họ đi khoảng hơn 1km đường rừng thì đến Khạ Ngheo (tức là đến thác nước thuộc địa phận xóm Ngheo). Từ đây, 3 người phải đi theo đường độc đạo là lội ngược suối dốc để lên vùng cao, chiều dài hơn 2 km nhưng phải phát lối, mở đường mà đi. Hơn 1h tiếp theo, 3 người mới vượt qua thác lên đến miền đất cao. Đứng nghỉ ở đây, nhìn lại làng quê (xã Hiếu Nghĩa - nay là xã ân Nghĩa) và con đường vừa đi qua là một màu xanh thẫm của tre và cây rừng, xanh nâu là những thửa ruộng cằn cỗi mất mùa đang vào thu. Các xóm Cai, Ngheo, Bái… đã bị dòng sông Bưởi như dải vải mộc nhuộm màu nâu non chia cắt miền quê - chiến khu Mường Khói đang sục sôi cách mạng. Sau đó, 3 người đi tiếp, họ gặp đầu tiên là xóm Trểnh, phía tây nam là dãy Khụ. Đồng chí Vương Thừa Vũ hỏi: Đằng sau dãy núi đá này còn xóm nào không? ông Mão trả lời: Còn 2 xóm ở bên trong dãy Khụ này là xóm Bu và xóm Lọt. Đồng chí Vũ bảo: Thế thì đi tiếp xem nó có an toàn và kín đáo hơn ở đây không. Thế là họ đi vòng qua phía đông bắc rồi quặt vào phía tây dãy núi. Rẽ trái vào xóm Lọt, rẽ phải sang xóm Bu. Qua con mắt nhà quân sự thấy xóm Lọt ở sau dãy núi thật kín đáo, trong xóm lại có 3 chòm ở thế chân vạc. Chòm đầu tiên đồng chí Vũ chọn nhà bố Khuýnh ở giữa 2 nhà hàng xóm làm nhà Ban giám hiệu. Vì chòm này có đường đến hang Dợp và thoát sang xóm Voọc, sang đất Thanh Hóa có 3 km, quay lại đường 12 cũng chỉ có 7 km, tiến, thoái đều thuận tiện. Chòm thứ 2 ở bên phải có 2 nhà. Chòm thứ 3 ở bên trái có 3 nhà. Khoảng cách giữa 3 chòm cách nhau độ 50-60m như một tam giác hơi lệch, ở giữa 3 chòm là bãi tương đối bằng phẳng để làm bãi tập. Thật là một địa điểm phù hợp cho nơi đóng quân hay lớp học dưới 40 người. Lúc này, đồng chí Vũ tỏ ra rất vui vì đã nửa tháng nay đi nhiều nơi tìm địa điểm nhưng không đạt yêu cầu thì nay đã ưng ý nơi đây. Chân núi Bu Lọt là một địa điểm lý tưởng làm trường học quân sự trong chiến khu Mường Khói cho Xứ ủy.

Hòa cùng với sự vui vẻ của khách, bố Khuýnh đã thịt gà làm cơm mời các quan lang và lý trưởng uống chén rượu nhạt để tỏ lòng hiếu khách của người dân được vinh dự mời lang, còn mình (bố Khuýnh) chắp tay đứng hầu. Bác Rưỡng thấy ngại với đồng chí Vũ nên bảo bố Khuýnh được ngồi vào bếp nhà sàn hút thuốc lào. Ba ông khách vừa ăn, vừa chuyện trò, trao đổi, bác Rưỡng bảo: ở đây là xóm nhỏ của bà con dân tộc Mường. Bà con vẫn giữ phong tục dân là tớ, lang là thầy, chấp hành nghiêm chỉnh những phong tục, tập quán xa xưa của chế độ lang, đạo hà khắc để lại.

 

Họ coi chúng ta là lang, họ giữ lễ còn hơn cả chế độ phong kiến. Vì thế, ông bố chủ nhà đứng hầu đợi sai bảo chứ không dám ngồi cùng ăn. Nhưng thực ra, họ có biết đâu lang, đạo như cha tôi, cho đến vua quan nước Nam này cũng đều là người nô lệ, dưới sự cai trị của bọn thực dân Pháp trước kia - mà bây giờ trực tiếp là phát xít Nhật. Đồng chí Vũ nói: Chúng ta phải đoàn kết trong mặt trận Việt Minh, cùng nhau đứng lên khởi nghĩa cướp chính quyền trong tay giặc Nhật để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Việc đi tìm địa điểm mở trường du kích kháng Nhật là nhiệm vụ cấp bách, nay đã tìm xong. Đồng chí Rưỡng có trách nhiệm phân công trung đội tự vệ cách gác 2 vòng bảo vệ an toàn lớp học. Vòng trong từ núi Vó trở ra xóm Chiềng, qua Nà Đồi đến dốc Ngheo. Còn vòng ngoài tính từ chân núi Ngheo theo đường mòn ra núi Xiền, qua xóm Tuôn ra tới đường 12 có trạm canh gác kiêm liên lạc đón các học viên. Còn khách của Xứ ủy và Ban cán sự tỉnh do đồng chí Rưỡng trực tiếp giữ vững đường dây liên lạc. Đồng chí Mão có nhiệm vụ nhận lương thực, thực phẩm của tự vệ phố Vụ Bản đưa về rồi cử người đưa tiếp đến bếp ăn xóm Lọt. Mong 2 đồng chí cố gắng góp sức mình cho cách mạng sớm thành công. Hai người là cơ sở của Việt Minh tại chiến khu Mường Khói đang bùi ngùi xúc động thì tướng Vũ nói tiếp: Từ đây về xóm Cai của đồng chí Mão còn con đường nào khác không? ông Mão nhường cho bác Rưỡng trả lời là có! Tướng Vũ yêu cầu: Thế thì lúc về, ta đi thử xem đường buổi sớm hay đường về buổi chiều khó hay dễ đi hơn.

 

Cơm nước xong, “lang non” (bác Rưỡng được dân địa phương kính trọng gọi thế - tức là lang trẻ, lang cha - Quách Hy là lang khà - tức là lang già), bảo bố Khuýnh sang chòm bên trái mời bố Sểnhl, sang chòm bên phải mời bố Diểõnl đến nghe “lang non” dặn dò 3 chòm gồm 8 gia đình ở xóm Lọt: Từ nay phải thực hiện 3 không vớựi mọi người để du kích tập luyện quân sự đánh Nhật - Pháp. Căn dặn 3 già làng xong, bác thay mặt khách chào ra về theo đường xóm Bu, qua xóm Trlổ đi tiếp xuống dốc Bượnl, ra xóm Cai, xã Hiếu Nghĩa. Tưởng rằng sau 1 ngày trèo đèo, lội suối mệt nhọc, tướng Vũ sẽ nghỉ lại, ai ngờ ông yêu cầu ông Mão làm nhiều bó nứa khô, đốt thành bó đuốc đi ngay về xóm Ngái của bác Rưỡng (gần đường 12) để sớm mai về báo cáo Xứ ủy ở Vạn Phúc - Hà Đông cho học viên các tỉnh đến trường, tại điểm liên lạc ở đường 12, chỗ cây đa dốc De.

 

Lớp học quân sự được khai giảng đầu tháng 8/1945, ngay từ cuối tháng 7/1945 đã có 2 đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh Sơn La là Thạch và Hoan về chiến khu Mường Khói tựu trường, ở tạm thời nhà anh Quách Tỉnh để chờ lớp học khai giảng. Kế đến đoàn Sơn Tây 8 người, trong đó có anh Bạch Thành Phong là Thường vụ Xứ ủy. Hải Dương 2 người là Thanh Giang và Nguyễn Hiệp. Hà Nội 10 người, trong đó có anh Lê Trang, Hoàng Hữu Nhân, Trần Văn Tấn. Hà Đông có 5 người, trong đó có anh Lê Quang Hòa - Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh. Hòa Bình có 4 người là Vũ Đình Bản, ủy viên ủy ban khởi nghĩa tỉnh; Quách Rưỡng, Trần Hữu Phúc và Nguyễn Văn Vượng, cộng thành 30 người - kể cả thầy Vũ, Hiệu trưởng dạy quân sự, thầy Phong giảng tình hình trong nước và thế giới, thầy Hòa đọc, giảng giải mở rộng các bài theo báo “Cờ giải phóng” và dạy bài hát mới.

Để bảo vệ lớp học thật an toàn, ngoài 2 vòng bảo vệ nói trên, Ban cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình còn giao cho ủy viên Trương Đình Dần tuyển chọn 36 tự vệ phố Vụ Bản do đồng chí Lê Vĩnh Hòa chỉ huy ngày đêm canh gác từ xa tại một số con đường có thể đến xóm Lọt (bí mật đến bác Rưỡng phụ trách 2 vòng trong cũng không biết). Các học viên được phiên chế thành 3 tiểu đội, ăn ngủ tại 3 chòm của xóm Lọt. ở giữa bãi tập đào lỗ chôn 2 đoạn tre có lỗ để giữ cây hóp to, có con sỏ xiên ngang làm cột cờ. Sáng nào các học viên cũng xếp hàng ngang chào cờ, anh em đồng thanh hát bài Tiến quân ca rồi mới tập đội ngũ, xạ kích, ném lựu đạn, xung phong, đâm lê.

 

Phần lý luận học cách xây dựng cơ sở quần chúng, chỉ đạo phong trào cách mạng, chiến thuật đánh du kích. Tối nghe tình hình trong nước và thế giới từ báo Cứu quốc. Ngoài ra còn học thêm một số bài ca cách mạng như: Chiều chiến khu, Bạch Đằng Giang… làm không khí tự do, quyền làm chủ thôn, xã trong chiến khu ngày càng được khẳng định như khu giải phóng ở Việt Bắc.

 

Thực hiện “Quân lệnh số 1”, lớp học bế giảng. Dự định của Xứ ủy sẽ mở liên tục vài ba lớp học quân sự cho các đồng chí lãnh đạo các tỉnh nhưng sau khi hồng quân Liên Xô tiêu diệt hơn 1 triệu quân Nhật ở đông bắc Trung Quốc và quần đảo Curin, ngày 14/8/1945, Nhật hoàng chính thức đầu hàng phe đồng minh vô điều kiện, làm quân độõi Nhật hoang mang rệu rã ở khắp nơi. Thời cơ cướp chính quyền trên cả nước đã đến. Ngày 12/8/1945, ủy ban lâm thời khu giải phóng Việt Bắc ban bố mệnh lệnh khởi nghĩa, tức là Quân lệnh số 1. Ngày 13/8/1945, hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào đề ra chủ trương lãnh đạo toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Quốc dân đại hội (cũng họp ở Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang) bầu ra ủy ban Dân tộc giải phóng, tức chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Tỉnh Hòa Bình có Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Phan Lang dự hội nghị Đảng toàn quốc và các ông: Quách Hy, Đinh Công Sắc và Đặng Chí Viễn đi họp quốc dân đại hội cũng nhanh chóng trở về địa phương khởi nghĩa theo lệnh của Xứ ủy và Kỳ bộ Việt Minh.

 

Do đó, Chủ tịch ủy ban Giải phóng Vũ Thơ đã đến địa điểm liên lạc vòng ngoài nhắn bác Rưỡng xuống đón, đưa lên Bu Lọt vào chiều 15/8 gặp riêng ủy viên Vũ Đình Bản và Hiệu trưởng Vương Thừa Vũ phổ biến lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy và đề nghị lớp học cùng tham gia khởi nghĩa ở Hòa Bình. Nhưng tướng Vũ bảo: Các học viên là lãnh đạo quân sự các tỉnh, họ phải về địa phương để chỉ đạo Việt Minh cướp chính quyền. Bác Vũ Thơ nói ngay: Nếu như thế, anh Bản cử tự vệ đưa các học viên ngoại tỉnh ra khỏi địa phận Hòa Bình cho an toàn, chúng tôi sẽ tổ chức khởi nghĩa  và bắt đầu từ châu Lạc Sơn rồi tiến ra phối hợp với các chiến khu Cao Phong, Tu Lý - Hiền Lương và tự vệ thị xã cướp chính quyền tỉnh lỵ. Tin trên được giữ bí mật nên sáng hôm sau chỉ có bác Vũ Thơ và tự vệ vòng trong đưa xuống núi, lớp vẫn học quân sự bình thường. Buổi chiều được lệnh xuống nhà bác Rưỡng ăn cơm. Sáng ngày 17/8, lớp vẫn nghe thầy Vũ giảng tiếp bài sa bàn, ăn cơm chiều xong, thầy Vũ mới cho tập hợp rồi trịnh trọng tuyên bố bế giảng đột ngột với lý do là Xứ ủy đã có lệnh khởi nghĩa. Toàn quốc đã có Quân lệnh số 1, các đồng chí đi ngày đêm về ngay địa phương lãnh đạo khởi nghĩa.

 

 

                                        Nguyễn Hữu Duyên (ghi)

                        (86/28, phường Đồng Tiến - thành phố Hòa Bình)

 

Các tin khác

Trần văn Thu bị bắt giữ  cùng hàng loạt vũ khí
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Y án đối với Trần Thị Thúy tội chống phá nhà nước

Ngày 18/8, tại Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre, Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử công khai vụ án Trần Thị Thúy và đồng phạm bị Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,“ theo khoản 2 Điều 79 của Bộ Luật Hình sự, do các bị cáo Trần Thị Thúy, Phạm Văn Thông, Dương Kim Khải và Cao Văn Tỉnh có đơn kháng án.

Hà Nội: Đột kích nhà nghỉ, tạm giữ 23 đối tượng "chơi" ma túy có súng

Khi lực lượng CSHS đồng loạt ập vào các phòng tại nhà nghỉ Kim Xuân (phố Doãn Kế Thiện, Mai Dịch, Cầu Giấy), 23 đối tượng nam, nữ ăn mặc thiếu vải vẫn đang phê thuốc đã bị lực lượng CA tạm giữ với 3 khẩu súng tự chế và ma túy tổng hợp.

Xã Yên Lạc sơ kết 5 năm mô hình liên gia tự quản về ANTT giai đoạn 2006 – 2011

(HBĐT) - Ngày 17/8, tại hội trường UBND huyện Yên Thuỷ, UBND xã Yên Lạc đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm mô hình liên gia tự quản về ANTT giai đoạn 2006 – 2011. Đây là xã được huyện Yên Thuỷ lựa chọn triển khai thí điểm điểm mô hình liên gia tự quản về ANTT. Đại tá Bùi Đức Sòn, Giám đốc Công an tỉnh đã về dự và chỉ đạo hội nghị.

Một số hạng mục công trình hồ Tam đã có dấu hiệu xuống cấp

(HBĐT) - “Có nước hồ Tam, vụ chiêm- xuân vừa qua, nông dân chúng tôi thắng lớn, năng suất lúa đạt 62 tạ/ha. Người dân vui lắm vì niềm mong mỏi suốt mấy chục năm qua giờ đã trở thành hiện thực. Thế nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì Đảng ủy, chính quyền, nhân dân trong xã đã canh cánh nỗi lo liên quan đến tuổi thọ của công trình” - Chủ tịch UBND xã Thanh Hối Bùi Văn Huyến bộc bạch những tâm tư đó trước đông đảo đại diện các cấp, ngành của tỉnh, huyện nhân dịp đoàn đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri các xã trên trục đường 21 của huyện Tân Lạc.

Kim Bôi đẩy mạnh phòng - chống tham nhũng

(HBĐT) - Thực hiện chiến lược quốc gia về phòng - chống tham nhũng, trong những năm qua, huyện Kim Bôi đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch và làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ.

Huy động sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ ANTT

Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND) Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2011), 6 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2011), sáng 17/8, Đảng ủy Công an TW, lãnh đạo Bộ Công an long trọng tổ chức họp mặt kỷ niệm theo hình thức trực tuyến tại trụ sở Bộ Công an ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi gặp mặt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục