Sau khi phân tích điểm thi của thí sinh trên toàn quốc và xây dựng phổ điểm của các môn thi, cho đến thời điểm này, theo đánh giá tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần lớn các môn thi có phổ điểm gần với phân phối chuẩn.


Các thí sinh tập trung trao đổi kết quả sau khi rời khỏi phòng thi. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)


Sự phân bố phổ điểm như vậy hỗ trợ tốt cho các Sở Giáo dục và Đào tạo trong xét tốt nghiệp cũng như hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh.

Một số môn có phổ điểm tốt là Vật lý, Hóa học, Sinh học và Địa lý; một số môn có điểm trung bình thấp hơn các môn khác là Ngoại ngữ, Lịch sử. 

Mục đích thi ảnh hưởng tới phổ điểm môn Lịch sử 

Trước băn khoăn của dư luận về phổ điểm môn Lịch sử thấp, ở nhiều địa phương, tỷ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình chỉ xấp xỉ 20% , ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết năm nay, với môn Lịch sử, ban ra đề thi có một bước chuyển về định hướng câu hỏi trong đề thi theo hướng đánh giá năng lực của thí sinh. 

Tức là đề bài không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ hay trả lời các câu hỏi máy móc theo khuôn mẫu có sẵn mà chú trọng vận dụng kiến thức lịch sử trong việc giải quyết các vấn đề. Có lẽ, đây là một trong những lý do căn bản khiến kết quả thi của các em không cao như những môn khác. 

Tuy nhiên, kết quả thi Lịch sử của các em chỉ phản ánh một phần nội dung đề thi, cách thức tổ chức thi, điều quan trọng hơn là phải thay đổi phương pháp dạy học để môn Lịch sử thân thiện hơn, học sinh học hứng thú hơn, giáo viên dạy hiệu quả hơn. 

Từ đó, kiến thức lịch sử được tích lũy, năng lực vận dụng lịch sử trong cuộc sống được nâng lên, chắc chắn kết quả thi Lịch sử của các em trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia cũng như những kỳ thi khác sẽ được thể hiện qua điểm số ở mức độ cao hơn. 

Ông Mai Văn Trinh cũng chia sẻ môn Lịch sử vẫn là môn có số lượng điểm 10 lớn, với 11 điểm 10 và hơn 700 thí sinh đạt điểm 9 trở lên. Đây là những thí sinh dự thi môn Lịch sử để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. 

Như vậy, có thể thấy mục đích dự thi của thí sinh đã ảnh hưởng tới phổ điểm môn Lịch sử. Thực tế là những thí sinh dự thi môn Lịch sử với mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng có điểm số tốt hơn hẳn so với những thí sinh chỉ dự thi với mục đích tốt nghiệp. 

Phổ điểm Ngoại ngữ chuyển biến chưa rõ nét 

Năm nay, phổ điểm Ngoại ngữ vẫn nghiêng về phía điểm thấp nhiều hơn, tình trạng này không phải lần đầu tiên xảy ra. Nhận định về điều này, ông Mai Văn Trinh cho rằng riêng môn Ngoại ngữ, nhìn trong phạm vi cả nước thì sự chuyển biến chưa rõ nét. 

Tuy nhiên, đi vào phân tích sâu theo từng tỉnh, từng vùng thì thấy rất rõ, đối với những thành phố, thị xã có điều kiện để học ngoại ngữ tốt thì kết quả của các em cao và sự cải tiến nâng cao chất lượng rất rõ.

Ở những vùng còn khó khăn, sự chuyển biến về ngoại ngữ chưa rõ nét. Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai một cách hiệu quả Đề án 2080 để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong nền giáo dục quốc dân. 

Với một kỳ thi đổi mới theo hướng ra đề thi đánh giá được năng lực học sinh, ông Mai Văn Trinh bày tỏ không bất ngờ với kết quả thi năm nay. 

Ông phân tích Việt Nam đang chuyển nền giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực, điều đó đòi hỏi một quá trình, không thể chỉ ngày một, ngày hai. 

Trong quá trình ấy, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có thay đổi, đổi mới để năm sau kết quả cao hơn năm trước và đến một thời điểm nào đó, việc dạy học sẽ hoàn toàn theo định hướng phẩm chất, năng lực. Kèm với đó, hình thức thi theo hướng đánh giá năng lực của học sinh ở mức độ hoàn chỉnh, lúc đó chúng ta sẽ phản ánh một cách chính xác hơn, khách quan hơn năng lực của các em, không chỉ với môn Lịch sử mà tất cả các môn khác. 

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh nhấn mạnh không phải năm nay, mới đưa vào các câu hỏi đánh giá năng lực, việc này đã làm từ những năm trước, đặc biệt là từ năm 2016 trở lại đây. 

Các câu hỏi đánh giá năng lực ngày càng xuất hiện nhiều trong đề thi Trung học Phổ thông quốc gia, chỉ khác nhau về mức độ, năm sau dày hơn năm trước. 

Tất nhiên mỗi môn học có một đặc thù riêng, có thể với môn này sự chuyển đổi, sự tiếp nhận từ dạy học cho đến việc học sinh lĩnh hội, thi cử thuận lợi hoặc khó khăn hơn nên kết quả thể hiện ra bên ngoài có sự khác nhau./.

 

          TheoVietnamplus

Các tin khác


Tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã, đang tập trung cho học sinh ôn tập đảm bảo có kết quả tốt nhất. Đồng thời, cơ quan chức năng chỉ đạo triển khai kế hoạch đảm bảo kỳ thi an toàn, chất lượng.

Tổng kết chuyên đề “An toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục mầm non” giai đoạn 2020 - 2024

Ngày 20/5, tại huyện Tân Lạc, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện chuyên đề "An toàn giao thông (ATGT) trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN)” giai đoạn 2020 - 2024. 

Hội thi Phụ trách sao giỏi - Sao Nhi đồng chăm ngoan

Ngày 18/5, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Hội thi "Phụ trách sao giỏi – Sao nhi đồng chăm ngoan” năm 2024 với sự tham gia của 70 đội viên, thiếu niên, nhi đồng của 10 đội thi đến từ các huyện, thành phố.

Trường mầm non Lạc Sỹ: Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cho trẻ

Lạc Sỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, cách trung tâm huyện 20 km. Trường mầm non xã có 2 điểm trường lẻ cách điểm trường trung tâm 4km. 100% phụ huynh và học sinh là người dân tộc Mường, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 10 nhóm/lớp và 198 trẻ, 40 cán bộ giáo viên, nhân viên.

Tổng kết cuộc thi xây dựng trường học xanh - an toàn - hiệu quả      

Ngày 17/5, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết Cuộc thi Xây dựng trường mầm non "Xanh - an toàn - hiệu quả” và Cuộc thi Xây dựng không gian trường học, lớp học "An toàn - sáng tạo - hiệu quả” cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024.   

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục