(HBĐT) - Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, sách, báo, tạp chí dần bị thay thế bởi những phiên bản tiện lợi hơn đó là đọc báo trên internet. Thế nhưng ở xã Lạc Sỹ - một trong những xã khó khăn bậc nhất của huyện Yên Thủy, người dân vẫn luôn duy trì thói quen đọc sách tại Trung tâm Học tập cộng đồng. Tuy đời sống còn ở mức thấp, giao thông đi lại khó khăn nhưng thể thao, văn nghệ và đọc sách đã trở thành những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của người dân.

Xã Lạc Sỹ có 517 hộ với 2.332 nhân khẩu. Sau sáp nhập, xã còn 5 xóm. Mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng người dân luôn quan tâm đến việc làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần. Văn hóa đọc sách, báo, tạp chí ở vùng quê này đang ngày càng phát triển và lan tỏa rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân.

Trong những năm gần đây, sự quan tâm, chú trọng của cấp ủy, chính quyền xã đã có những việc làm thiết thực để khơi dậy văn hóa đọc của quần chúng nhân dân. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong việc xây dựng thói quen đọc sách. Từ đó giúp người dân nâng cao nhận thức, có thêm hiểu biết và kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất cũng như trong cuộc sống hàng ngày, góp phần xây dựng cuộc sống văn hóa lành mạnh ở khu dân cư.


Người dân xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) đọc sách tại Trung tâm Học tập cộng đồng xã.

Hiện, Trung tâm Học tập cộng đồng xã duy trì tủ sách cộng đồng với 136 đầu sách, bao gồm tài liệu ở các lĩnh vực: chăn nuôi gia súc – gia cầm; văn hóa – xã hội; kỹ thuật trồng rừng, rau, củ, quả; giáo dục pháp luật; tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chăm sóc sức khỏe; giáo dục sức khỏe, giới tính; tác phẩm văn học trong nước và nước ngoài; các tác phẩm thơ ca; tài liệu tham khảo; truyện thiếu nhi… Các loại sách này đều được phân loại cụ thể, rõ ràng theo từng lĩnh vực, chủ đề giúp cho người dân dễ dàng tìm kiếm, chọn lựa những những loại sách phù hợp với mình. Ngày 10 hàng tháng, nhân dân sẽ đến đọc và mượn sách tại trung tâm và trả lại sách vào ngày 20. Đối tượng đến đọc và mượn sách đa dạng. Học sinh yêu thích các loại truyện tranh, truyện thiếu nhi, các tác phẩm văn học hay những tài liệu tham khảo phục vụ cho học tập. Người dân lao động chủ yếu mượn những sách phục vụ cho việc sản xuất như kỹ thuật trồng trọt các loại cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăm sóc sức khỏe… Cán bộ, công chức, viên chức mượn những loại sách liên quan đến pháp luật, những tấm gương người tốt, việc tốt…

Để khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc trong khu dân cư, cấp ủy, chính quyền xã và Trung tâm Học tập cộng đồng đặc biệt chú trọng đến việc đọc sách của thế hệ trẻ. Hiện nay, xã duy trì tốt hoạt động của 5 nhóm trẻ đọc sách tại 5 xóm. Mỗi nhóm trẻ có từ 30 thành viên trở lên, trong độ tuổi từ 8 - 15 tuổi. Đều đặn mỗi tháng sinh hoạt 1 lần. Để việc đọc sách hiệu quả và đúng trọng tâm, tổ chức Tầm nhìn Thế giới đã hướng dẫn cho thanh niên các chi, xóm về cách đọc sách nhanh và chính xác. Từ đó, các đoàn viên, thanh niên hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho từng học sinh. Trường học là nơi khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc phù hợp và tốt nhất đối với học sinh. Nhưng hiện nay, các nhóm trẻ đọc sách cũng đang làm tốt và phát huy vai trò tác động tích cực đến nhận thức của thanh, thiếu nhi, góp phần giúp trẻ tiếp cận với nhiều kiến thức mới, bổ ích và thú vị hơn.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên thường trực Trung tâm Học tập cộng đồng xã cho biết: "Để làm phong phú thêm cho tủ sách cộng đồng, bản thân tôi đã quyên góp trên 220 cuốn truyện thiếu nhi. Thời gian gần đây, không chỉ có các nhóm trẻ đọc sách mà người dân trong xã đã đến đọc và mượn sách nhiều hơn. Thói quen đọc sách dần được hình thành. Từ đó, nhận thức của người dân được cải thiện và nâng cao”.

Tuy nhiên, số lượng đầu sách, báo, tạp chí hiện có tại trung tâm không nhiều, chưa đa dạng và phong phú về thể loại trong khi nhu cầu được tiếp cận thông tin của nhân dân ngày càng cao. Để khơi dậy và lan tỏa rộng khắp văn hóa đọc cho người dân vùng quê nghèo Lạc Sỹ, cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền xã, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có những việc làm cụ thể như thường xuyên bổ sung các loại sách, báo, tạp chí cho Trung tâm Học tập cộng đồng…, cùng chung tay xây dựng một cộng đồng yêu sách và đam mê văn hóa đọc.


Linh Nhật


Các tin khác


Chấn chỉnh cách ứng xử lệch chuẩn của học sinh 

(HBĐT) -   Hiện nay, tình trạng học sinh sử dụng bạo lực, nói tục, thiếu tôn trọng thầy, cô giáo, người lớn tuổi đang tồn tại ở một bộ phận học sinh. Đó là những hành vi lệch chuẩn phản ánh sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một số học sinh. Hiện tượng ứng xử lệch chuẩn không chỉ xảy ra đối với học sinh THPT, THCS, tiểu học mà ngay cả đối với học sinh mầm non. Chính vì vậy, toàn xã hội và ngành Giáo dục cần có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của từng trường học để chấn chỉnh kịp thời thực trạng này.

Trường TH&THCS Hang Kia B khánh thành thư viện thân thiện

(HBĐT) -   Ngày 26/9, Trường TH&THCS Hang Kia B (Mai Châu) tổ chức lễ khánh thành thư viện trường học thân thiện.

Đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2019 - 2020

(HBĐT) - Năm học 2018 - 2019, công tác BHYT đối với học sinh, sinh viên (HSSV) được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm tổ chức triển khai thực hiện và đạt kết quả cao, có trường đạt 100% học sinh tham gia BHYT. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều HSSV chưa tham gia BHYT bắt buộc theo quy định.

Hiệu quả Quỹ Khuyến học các cấp

(HBĐT) - Ngay trong lễ khai giảng và ngày toàn dân đưa trẻ đến trường năm học 2019 - 2020, hàng nghìn phần quà, suất học bổng trị giá hàng tỷ đồng đã được Hội Khuyến học các cấp, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… trao đến học sinh nghèo vượt khó, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đây là món quà động viên tinh thần có ý nghĩa lớn lao để đồng hành, nâng bước các em trước thềm năm học mới. Thông qua hoạt động này, Quỹ Khuyến học các cấp đã phát huy được vai trò là nhân tố tiên phong, khơi gợi sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội đối với hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Giáo dục hoà nhập ở huyện Tân Lạc - hiệu quả từ một dự án

(HBĐT) - Dự án Tăng cường sự tham gia của trẻ khuyết tật (TKT) trong giáo dục hoà nhập (Dự án) do Viện Tài chính vi mô và phát triển cộng đồng - MACDI triển khai thực hiện trong 2 năm (2018 - 2019) trên địa bàn 6 xã của huyện Tân Lạc. Mục tiêu dự án nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho giáo viên, lãnh đạo các trường học trên địa bàn huyện về giáo dục hòa nhập cho TKT; cải thiện môi trường hòa nhập và cơ chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương cho TKT tham gia học tập tại các trường học. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của TKT vào các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao trong nhà trường và đoàn, đội.

Bước tiến trong phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học

(HBĐT) -   100% các đơn vị, trường học tổ chức, thực hiện chương trình môn học giáo dục thể chất đảm bảo thời lượng, phù hợp về nội dung, hình thức. Đổi mới phương pháp giáo dục thể chất theo hướng phát triển năng lực học sinh, sinh viên (HSSV), tạo sự hứng thú, yêu thích cho HSSV khi tham gia giờ học thể dục. Đó là những điểm mới đáng ghi nhận trong hoạt động giáo dục thể chất, thể thao trường học trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục