Bộ GD&ĐT không thẩm định SGK tiếng Anh của Đề án ngoại ngữ
Trong số 6 bản mẫu sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh lớp 1 được đánh giá đạt trong đợt đầu tiên, chỉ 1 mẫu SGK có tổng chủ biên là người Việt Nam.
Tại hội nghị giới thiệu các bản mẫu SGK đã được thẩm định của NXB Giáo Dục Việt Nam vừa qua, một Tổng chủ biên SGK cho biết, mẫu SGK tiếng Anh này là của Bộ GD&ĐT vì Bộ giao cho đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, NXB Giáo Dục Việt Nam và đội ngũ tác giả 3 cấp học phổ thông thiết kế và biên soạn.
Với cách nói này, nhiều người hiểu rằng, bộ SGK tiếng Anh này là của Đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia và Bộ GD&ĐT là đơn vị chủ trì đứng ra biên soạn.
Được biết, SGK của đề án ngoại ngữ, nghĩa là tiêu tiền đề án để biên soạn, thẩm định, thử nghiệm. Vấn đề dư luận băn khoăn, lẽ nào nó đã được chuyển giao về doanh nghiệp và đăng ký thẩm định như SGK theo dạng xã hội hóa?
Chia sẻ với PV Dân trí về việc, bản mẫu SGK tiếng Anh lớp 1 duy nhất đã đề cập trên đây, chính là sách do Đề án ngoại ngữ quốc gia - Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn, ông ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Hội đồng thẩm định quốc gia chỉ thẩm định các cuốn sách của NXB gửi đến, không có quyền thẩm định sách của Đề án ngoại ngữ quốc gia. Đó là việc của Đề án.
Điều này khẳng định, bộ SGK tiếng Anh vừa qua, là sách xã hội hóa và nằm ngoài bộ sách của Đề án ngoại ngữ quốc gia.
Nên làm hay trả lại tiền cho Chính phủ?
Theo văn bản hiện có, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2080 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025.
Điểm mới của đề án so với giai đoạn 2008 - 2020 là mở rộng đối tượng được tiếp cận, học tập ngoại ngữ. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc ban hành chương trình và học liệu làm quen với ngoại ngữ cho trẻ mầm non, chương trình môn ngoại ngữ tự chọn lớp 1 - 2 cũng được hoàn thành trong năm này.
Còn quyết định 2658/QĐ-BGDĐT về việc ban hành kế hoạch triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025 của Bộ GD&ĐT ký ngày 23/7/2018 cũng đưa các cột mốc từ mẫu giáo đến lớp 12.
Trong đó quyết định nêu rõ, đối với lớp 1 và lớp 2: giai đoạn năm 2017 - 2020 khảo sát, nghiên cứu, xây dựng, triển khai thực nghiệm/thí điểm, tổng kết và đánh giá, hoàn thiện, ban hành chương trình, SGK làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2.
Sản phẩm dự kiến gồm chương trình, SGK làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2…
Từ năm 2021, tổng kết, đánh giá việc triển khai chương trình làm quen tiếng Anh với lớp 1 và 2. Cơ quan, đơn vị chủ trì các công việc này là Bộ GD&ĐT.
Như vậy, việc biên soạn chương trình và SGK lớp 1 - 2 vẫn nằm trong nhiệm vụ và kế hoạch của Đề án ngoại ngữ, dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, mặc dù đã có kinh phí từ ngân sách nhà nước nhưng bộ SGK tiếng Anh của Bộ GD&ĐT vẫn chưa có. Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, không biên soạn bộ SGK theo tinh thần của NQ88/QH quy định, mà xã hội hóa hoàn toàn việc biên soạn SGK.
Nhận xét với PV Dân trí, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục Phổ thông mới cho rằng, Chính phủ có Đề án ngoại ngữ quốc gia. Đề án này dùng tiền của Chính phủ xây dựng chương trình ngoại ngữ bắt buộc 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12.
Theo đó, chương trình và sách giáo khoa đều sử dụng tiền của Chính phủ. "Khi chương trình phổ thông mới ra đời, Ban chương trình mới chỉ chịu trách nhiệm về các môn văn hóa, còn môn Ngoại ngữ đã có tiền của Đề án Chính phủ. Nhưng về mặt chuyên môn, nó vẫn chịu điều hành chung và tôi là Tổng chủ biên”, ông Thuyết cho hay.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, để biên soạn sách tiếng Anh lớp 3 trở lên sẽ dùng tiền của Nhà nước còn sách lớp 1-2 là sách xã hội hóa.
"Sau này, Nhà nước giao cho ai biên soạn SGK từ lớp 3 trở lên thì chưa biết nhưng theo tôi nên giao cho NXB và hoàn tiền lại cho Nhà nước, như thế mới đúng luật xuất bản”, GS Thuyết nói.
Theo Dân Trí