Hậu thi học kỳ 2 không còn là thời điểm để học sinh nghỉ ngơi. Học sinh chuyển cấp phải gồng mình học ngày, học đêm lũ lượt vào các lớp học bồi dưỡng để chuẩn bị cho cuộc vượt vũ môn...

 

Học sinh đang luyện thi lớp 10 tại Trường THPT Lê Hồng Phong. Ảnh: MAI HẢI

Lớp chồi cũng... luyện thi

Chưa đến hè nhưng cứ 3 buổi/tuần, cậu con trai học lớp chồi của chị Nguyễn Thùy Chi (quận 1) đều đặn được mẹ đưa từ trường đến lớp học chữ vỡ lòng để chuẩn bị vào lớp 1. Mỗi buổi chiều thứ hai - tư - sáu, khi thấy mẹ mang thêm một ba lô đến trường mầm non rước là cậu bé lại khóc nhè không chịu đi học. Thương con nhưng chị Chi vẫn cương quyết “nếu không học trước, đến khi vào lớp 1 cháu sẽ không học theo kịp các bạn. Đến lúc đó sao mà xoay xở kịp”. Theo phân tuyến lớp 1, con chị sẽ được vào Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo danh tiếng trên địa bàn quận 1.

Sự căng thẳng của kỳ tuyển sinh đầu cấp những năm gần đây khiến phụ huynh lo lắng, ép con học theo kiểu “bán lúa non”. Học sinh mới vào lớp đầu cấp phải vội vã học bồi dưỡng chuẩn bị cho kỳ thi 2 - 3 năm nữa mới đến hạn.

Tại Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa (TTBDVH) 218 Lý Tự Trọng, trong số những phụ huynh chen lấn đăng ký có rất đông học sinh chỉ mới vào lớp 6 - 7 đã luyện thi lớp 10. Vừa thoát ra khỏi đám đông ghi danh, một học sinh đeo phù hiệu lớp 7.3 của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa bộc bạch: Em đăng ký vào lớp đội tuyển Lý - Hóa để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển lớp 10 vào Trường chuyên Lê Hồng Phong, ngày 15-5 này sẽ thi xếp lớp tại trung tâm. Em học như vậy là còn muộn so với nhiều bạn cùng lớp đã bắt đầu học từ đầu năm”.

Thực tế, nhiều học sinh sau 2 buổi học chính khóa đã mệt đừ. Vừa tan trường, phụ huynh đã chờ sẵn ở cổng để đưa con kịp có mặt ở trung tâm bồi dưỡng buổi tối. Dù cả phụ huynh và học sinh đều khổ nhưng phụ huynh vẫn khấp khởi hy vọng vào sự cố gắng “chạy sô” sẽ giúp con vào được ngôi trường tốt nhất.

“Lên đời” trung tâm luyện thi đầu cấp

Nắm bắt đúng nhu cầu của phụ huynh cho con luyện thi vào các lớp đầu cấp, các TTBDVH nhanh chóng chiêu sinh mở lớp ôn tập hè, luyện thi vào trường chuyên. Xu hướng này nhanh chóng trở thành một thị trường béo bở. TT Văn hóa ngoài giờ của Trường Trần Đại Nghĩa bắt đầu mở lớp luyện thi vào lớp 6 từ ngày 19-5 đến 27-6 và học phí trọn khóa cho 3 môn thi tuyển Toán - Văn - tiếng Anh là 780.000 đồng/khóa.

Tại TTBDVH Việt Học (quận 3) cũng nhanh chân thông báo mở các lớp luyện thi cấp tốc vào các lớp đầu cấp bắt đầu khai giảng từ giữa tháng 5, lớp “đặc sản” của TT là luyện thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa với học phí mỗi môn Toán, Tiếng Việt là 500.000 đồng/môn. Vào lúc cao điểm, các TT bắt đầu tăng tốc bằng cách luyện thông ca, tăng thời lượng buổi học vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người học.

Được vào học ở những ngôi trường nổi tiếng là mơ ước chung nên nhiều học sinh ra sức ôn luyện để vào được ngôi trường mơ ước. Dù đã theo học khóa bồi dưỡng cả năm nhưng em Trà My, học sinh của Trường THCS Đức Trí (quận 1) vẫn muốn bảo chứng cho quyết tâm đậu bằng được vào lớp chuyên Lý Trường chuyên Lê Hồng Phong bằng khóa luyện thi cấp tốc tại TTBDVH Lê Hồng Phong có học phí 3 môn Toán, Văn, Anh là 1.200.000 đồng cộng thêm 200.000 đồng cho môn chuyên học 2 buổi/tuần.

Khi nhu cầu ôn tập, luyện thi tăng vọt, các TT luyện thi đầu cấp càng trở nên “có giá”. Là TT luyện thi có tiếng nên TTBDVH 218 Lý Tự Trọng có những tiêu chí chiêu sinh như… chọn học sinh giỏi. Để được vào các lớp tại đây, học sinh phải có hạnh kiểm từ khá trở lên, chứng minh học lực bằng sổ liên lạc, phải qua thi tuyển xếp lớp đầu vào theo chuẩn được chia làm 3 cấp độ, thấp nhất phải đạt từ 6 điểm trở lên.

Không chỉ mở những lớp luyện thi dành cho đối tượng học sinh năm cuối cấp, TT này còn có cả những lớp luyện thi vào lớp 6 cho học sinh lớp 4, học sinh lớp 7 - 8 cũng tìm được lớp học chuẩn bị cho cuộc vượt vũ môn vào lớp 10. Tuy người học phải đóng khoản học phí không “dễ chịu” nhưng không phải ai cũng có thể được nhận vào học tại đây. Nhiều phụ huynh có nhu cầu đăng ký cho con vào bồi dưỡng lớp 9 đành ngậm ngùi tiếc rẻ vì bảng thông báo không còn chỗ trống từ nhiều tuần nay.

Lớp luyện thi cấp tốc vào lớp 6 Trần Đại Nghĩa dù có mức học phí đến 1.200.000 đồng/4 tuần học cũng được nhắc nhở sẽ hết nhận học viên sau ngày 13-5.

Cuộc đua không cần thiết

Chuyện cấp tập đi luyện thi vốn chỉ dành cho những cô cậu tú đã tốt nghiệp phổ thông chọn cho mình cánh cửa bước vào đời. Nhưng giờ đây, đối tượng luyện thi lại có cả những “sĩ tử” vừa tốt nghiệp lớp cơm nát, cơm thường ở trường mầm non. Không chỉ mang tính thời vụ như luyện thi đại học, bậc học phổ thông có thể đáp ứng nhu cầu của phụ huynh suốt cả năm: từ ôn tập hè, học nâng cao, bồi dưỡng kiến thức đến luyện thi vào các lớp đầu cấp. Các TTBDVH ngày càng ăn nên làm ra cho thấy nhu cầu học thêm, luyện thi vào các lớp đầu cấp ngày càng lớn, vì sao?

Mỗi học sinh phổ thông có đến 3 lần đối mặt với kỳ tuyển sinh đầu cấp. Khi chất lượng giáo dục chưa đồng đều, người học vẫn phải còn căng mình với việc học, thi cử để cạnh tranh chỗ học như mong muốn. Nhiều chuyên gia cho rằng, bi kịch học ngày đêm hiện nay chính do phụ huynh quá lo lắng, ép con em học quá vất vả. Nhưng chính thống kê hệ thống trường lớp của ngành giáo dục lại thể hiện điều ngược lại. Việc ngành giáo dục gắn sao, dán mác, phong danh hiệu trường tốt cho một số ít trường khiến phụ huynh không thể nào tin vào những trường “ít sao” hoặc “chưa có sao”. Điều này tạo nên dòng chảy người học “chạy” vào số ít trường hàng đầu bằng mọi cách.

Lãnh đạo ngành GD-ĐT luôn khuyến cáo phụ huynh, học sinh không nên học trước, không cần học thêm, chỉ cần học đúng độ tuổi và tập trung vào những bài học trên lớp vẫn đảm bảo chất lượng học tập. Thế nhưng, nhìn vào chương trình học quá tải với nhiều kỳ kiểm tra, thi căng thẳng đã vượt ra ngoài khả năng của một học sinh phổ thông.

Để hoàn thành giáo án đúng tiến độ buộc người thầy phải chạy và học sinh phải đua hết sức mình để theo kịp. Khi học sinh không thể theo kịp trên lớp thì phụ huynh phải chọn phương án cho con học thêm, và để đảm bảo hơn nữa là cho học trước để trẻ không bị tụt lại đằng sau. Chừng nào chương trình học hướng người học đến việc học để biết, để sống chứ không chỉ nhắm đến thi và thành tích thì chừng ấy lời khuyên không học thêm, học trước mới trở thành hiện thực.

 

                                                                                  Theo SGGP

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
giáo sư Trịnh Ngọc Trình giao lưu với thầy và trò nhà trường
Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Chu Văn An

Việt Nam đạt hai Huy chương đồng Ô-lim-pích Vật lý châu Á

Kỳ thi Ô-lim-pích Vật lý châu Á lần thứ 12 vừa kết thúc tại I-xra-en với sự tham gia của 120 thí sinh đến từ 16 nước và vùng lãnh thổ.

Phát động giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2011

Lễ phát động giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2011 đã được Đài Truyền hình Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Báo điện tử Dân Trí phối hợp tổ chức chiều 11-5, tại Hà Nội.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ sẵn sàng bước vào mùa thi

(HBĐT) - Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với kế hoạch ôn thi nghiêm túc, kỹ lưỡng, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ không khó để tiếp tục giữ vững tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%.

Bất cập trong đào tạo thạc sĩ: Lượng nhiều - Chất ít

Một trong những định hướng phát triển của ngành giáo dục Việt Nam là tăng quy mô đào tạo sau đại học. Thực tế, quy mô đào tạo bậc thạc sĩ của rất nhiều cơ sở đào tạo đang bùng nổ mạnh mẽ về mặt số lượng nhưng những điều kiện trọng yếu để đảm bảo chất lượng lại luôn thiếu và yếu. Vậy nhưng vẫn ngày càng có nhiều người bằng mọi giá đi học thạc sĩ.

Năm 2015, ít nhất 70% trẻ mẫu giáo được đến trường

Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu đến năm 2015, có ít nhất 25% trẻ độ tuổi nhà trẻ, 70% trẻ độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở mầm non; tất cả giáo viên đạt trình độ chuẩn và 50% số trường đạt chuẩn quốc gia.

Cao đẳng “đắt hàng”

Việc các trường CĐ mở rộng địa bàn tư vấn tuyển sinh tới nhiều tỉnh, thành đã có tác động đáng kể đến nhận thức của thí sinh và phụ huynh

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục