Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc vừa ra khuyến cáo về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 an toàn, góp phần đẩy lùi đại dịch.


Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Lê Phú.

Theo đó, trước tình hình đại dịch COVID-19 đã lây lan và bùng phát trên toàn thế giới; trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá hiện nay về hiệu quả, tính an toàn của vaccine phòng COVID-19, WHO khuyến cáo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19. Các nước cần đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng chống COVID-19 để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng COVID-19 trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Hiện vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và được WHO thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp (vào ngày 15/2/2021).

WHO khuyến cáo các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca là phản ứng bình thường của cơ thể trong quá trình đáp ứng miễn dịch sau tiêm vaccine. Trường hợp xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu và huyết khối tĩnh mạch có liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca là rất hiếm gặp; trong khi lợi ích của việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mang lại trong việc bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng trước COVID-19 lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro rất hiếm gặp nói trên.

Xác định hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 cùng với tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch tích cực, Bộ Y tế Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng COVID-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu về sử dụng trong nước. Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu các nhà sản xuất trong nước khẩn trương tiến hành nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 để chủ động nguồn cung.

Bộ Y tế cũng đã ban hành các kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19, các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng, hướng dẫn tiêm an toàn, hướng dẫn giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm chủng và triển khai tập huấn cho toàn hệ thống.

Sau hơn một tháng, Việt Nam thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho hơn 70.000 người là các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố, đảm bảo an toàn tối đa theo phương châm: "Tiêm đến đâu an toàn đến đó”.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia cho biết: "Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến. Các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ. Người tiêm cũng được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm. Cùng với đó, các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm”.

Theo đó, trong đợt tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên, hệ thống giám sát của Chương trình TCMR quốc gia đã ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế. Có khoảng một phần nghìn trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.

"Đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của vaccine tại Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của WHO. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng quốc gia để đảm bảo rằng các quy chuẩn và tiêu chuẩn toàn cầu được thực hiện để đánh giá và giám sát chất lượng, an toàn và hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 đang được triển khai trong nước”, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết.

Theo đó, hiện Việt Nam đang sử dụng hệ thống sẵn có của Chương trình TCMR quốc gia đã được thiết lập trong hơn 30 năm qua. Các cán bộ tiêm chủng đã được đào tạo bài bản về tiêm chủng an toàn và tất cả các quy trình đều được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, bao gồm vận chuyển và bảo quản vaccine, quy trình tiêm chủng, bố trí địa điểm tiêm chủng để đảm bảo tiêm chủng an toàn.

"Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là một chiến dịch tiêm chủng đại trà lớn chưa từng có trước đây trên thế giới và WHO tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai chiến dịch này theo các nhóm đối tượng ưu tiên”, Tiến sĩ Park khẳng định.

Do các loại vắc xin phòng COVID-19 hiện nay được nghiên cứu, phát triển và đưa vào sử dụng trong tình huống khấn cấp, phục vụ cấp bách cho phòng, chống dịch; nên khi triển khai tiêm chủng đại trà trên nhiều nhóm đối tượng, địa bàn rộng lớn có thể xuất hiện nhiều trường hợp có phản ứng thông thường sau khi tiêm; thậm chí sẽ có một số rất ít các trường hợp xuất hiện phản ứng quá mẫn nặng hoặc nghiêm trọng sau khi tiêm. Mặt khác, tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng như các loại vaccine khác và thuốc đều có thể gây ra các phản ứng sau tiêm ở các mức độ khác nhau.

Do vậy, Bộ Y tế, WHO, UNICEF sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên xác thực và cung cấp đầy đủ các thông tin khoa học, chính xác về hiệu quả, tính an toàn của vaccine phòng COVID-19, sự liên quan giữa vaccine và những phản ứng nặng sau tiêm chủng, nhất là những trường hợp xuất hiện tình trạng đông máu và huyết khối sau tiêm vắc xin; cung cấp các khuyến cáo đến người dân và cộng đồng; thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm người dân Việt Nam được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 an toàn, góp phần vào thành công của cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Đặc biệt, Chương trình TCMR, Bộ Y tế kêu gọi người dân tích cực, chủ động thực hiện các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn về tiêm vaccine phòng COVID-19 và tải ứng dụng sổ sức khỏe điện tử "SSKDT” trên điện thoại để được quản lý khi được tiêm chủng.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, mỗi người dân, khi đến lượt mình được tiêm vaccine phòng COVID-19, hãy đăng ký với các cơ sở tiêm chủng của địa phương để được tiêm chủng, theo dõi sức khoẻ và thông tin kịp thời cho nhân viên y tế về các phản ứng sau tiêm.

Theo đó, ý thức và hành động của mỗi người sẽ chung tay, góp sức đưa Việt Nam sớm đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tạo miễn dịch cộng đồng để ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2, đẩy lùi đại dịch COVID-19.

 

                             Theo Baotintuc

Các tin khác


Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài 1: Nguy cơ thường trực

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp tại các địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thậm chí có người đã tử vong.

Lấy dị vật nằm trong phổi bệnh nhân suốt 25 năm

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa tiến hành lấy dị vật trong phổi của bệnh nhân suốt 25 năm bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê. Hiện tại, sức khoẻ của bệnh nhân tạm ổn định và đang được tiếp tục điều trị, chăm sóc. 

Những lá thư khen ngợi - lời tri ân của người bệnh đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận được nhiều thư khen của người bệnh và người nhà bệnh nhân đối với đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng. Những lá thư cảm ơn mộc mạc, lời tri ân chân tình là động lực giúp đội ngũ y, bác sỹ vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực, quyết tâm hơn trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục