(HBĐT) - Đối với người Việt, Tết cổ truyền thật thiêng liêng, là những ngày trọng đại nhất trong năm. Quanh năm đi làm ăn xa, ai cũng muốn đến Tết để về thăm quê hương, sum họp cùng ông bà, cha mẹ. Đối với một số bạn trẻ, Tết - thời điểm đẹp nhất trong năm để xách ba lô lên đường khám phá những miền đất mới. Nhưng để bảo vệ thành quả trong công tác chống dịch Covid-19 của các cấp, ngành, của địa phương, từng cá nhân, gia đình thay đổi kế hoạch đón Tết Nhâm Dần.


Hạn chế du xuân đến những nơi đông người, các bạn trẻ lựa chọn ở nhà tìm hiểu về các món ăn truyền thống của cha ông trong dịp Tết Nguyên đán.

Chuẩn bị đón Tết Nhâm Dần 2022, nhiều gia đình đã linh hoạt phương thức mua sắm để đảm bảo an toàn trong phòng dịch Covid-19. Những ngày giáp Tết, nhiều chị em không tất bật mua sắm ngoài chợ mà chuyển sang mua sắm online. Ngày Tết, các trang thương mại điện tử thực hiện nhiều chương trình khuyến mại rầm rộ. Chỉ cần ngồi nhà, lên mạng truy cập Shopee, Sendo, Lazada... là tha hồ chọn lựa các mặt hàng phong phú. Chơi đào, hay quất chỉ cần vào các tài khoản mạng xã hội của nhà vườn, chụp hình ảnh gửi qua Zalo hoặc Facebook là có thể chọn được cây ưng ý và được vận chuyển đến tận nhà mọi lúc. Thời gian tất bật mua sắm ngày Tết thay vào đó là thời gian thảnh thơi dành cho sự sum họp, chăm sóc gia đình.

Không khí chào đón năm mới tại những miền quê trong tỉnh ngày giáp Tết thật đầm ấm. Tết đơn giản một chút cũng chẳng sao miễn là an toàn, không phải giãn cách, cách ly. Đa số các gia đình ở vùng nông thôn vẫn giữ tục lệ đụng lợn ngày Tết nhưng không tụ tập ăn uống linh đình. Ông Bùi Văn Hiền, xóm Vó Giữa, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) cho biết: Mọi năm, những ngày giáp Tết, xóm làng rộn ràng lắm, các gia đình, dòng họ thịt lợn liên hoan linh đình. Năm nay thì khác, gia đình tôi và mọi nhà trong xóm chỉ tổ chức ăn uống quy mô nhỏ với anh em trong nhà để gặp gỡ, hàn huyên, hạn chế tập trung đông người. Xóm làng những ngày giáp Tết không còn cảnh tụ tập đông đúc "chén chú chén anh”.

Chị Trần Minh Trang - sống và làm việc tại TP Hà Nội tâm sự: Quê tôi ở huyện Yên Thủy. Theo kế hoạch, năm nay, gia đình tôi sẽ về quê đón Tết cùng ông bà nhưng từ đầu tháng 12 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội và Hòa Bình nên tôi và chồng quyết định năm nay sẽ đón Tết tại Hà Nội. Mặc dù 1 năm nay chưa được về thăm quê, nhớ quê, nhớ người thân, nhớ không khí quây quần bên gia đình, song nếu di chuyển về quê ăn Tết sẽ rất nguy hiểm cho các cháu nhỏ. Không về quê đón Tết cùng gia đình, tôi thường xuyên gọi điện qua facebook hoặc zalo cho người thân để đón năm mới cùng quê hương, tổ tiên và chúc ông bà, bố mẹ những lời chúc tốt lành nhân dịp năm mới.

Đón Tết thời Covid đối với những người con xa quê, xa gia đình thì công nghệ số là cầu nối tình thân. Nhờ sự phát triển của công nghệ, những người con xa xứ sử dụng video call, live stream, viber, Facebook, zalo… có thể trò chuyện trực tiếp với người thân, gửi những lời chúc tốt đẹp tới gia đình trong khoảnh khắc giao thừa, đón năm mới. Họ cũng có thể gửi những món quà bằng video, hình ảnh cực kỳ phong phú, sinh động. Tết Nhâm Dần năm nay, là cái Tết thứ 2 cô gái trẻ Bùi Thị Thanh, quê ở phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) không về quê đón năm mới. Thanh nhớ lại: Tết Tân Sửu năm ngoái, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên mình quyết tâm ở lại nước Pháp đón năm mới cùng cộng đồng người Việt tại Pháp. Chiều 30 Tết nhớ nhà da diết mình gọi Facebook về hỏi thăm ông bà, bố mẹ. Mình an tâm hơn khi nhìn thấy hình ảnh ông bà khỏe mạnh, bố mẹ hồ hởi khoe cành đào, chậu hoa. Dù cách xa nửa vòng trái đất, song nhờ công nghệ tôi vẫn có thể cùng gia đình mình thưởng thức bữa cơm chiều 30 Tết ấm áp.

Tết thời Covid là không tập trung đông người, hạn chế du xuân mà giành thời gian nhiều hơn để đoàn tụ bên gia đình, chia sẻ chuyện vui buồn của năm cũ. Gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm, cùng xem ti vi nhâm nhi chén trà, thưởng thức miếng cam vàng óng, ngọt đậm đà. Các bà, các mẹ dạy con trẻ chế biến những món ăn truyền thống trong ngày Tết. Giá trị cốt lõi của Tết là gia đình sum vầy, là tình cảm và những lời chúc chân thành từ trái tim mỗi người con đất Việt được bảo tồn.


Thu Thủy


Các tin khác


Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài 1: Nguy cơ thường trực

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp tại các địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thậm chí có người đã tử vong.

Lấy dị vật nằm trong phổi bệnh nhân suốt 25 năm

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa tiến hành lấy dị vật trong phổi của bệnh nhân suốt 25 năm bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê. Hiện tại, sức khoẻ của bệnh nhân tạm ổn định và đang được tiếp tục điều trị, chăm sóc. 

Những lá thư khen ngợi - lời tri ân của người bệnh đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận được nhiều thư khen của người bệnh và người nhà bệnh nhân đối với đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng. Những lá thư cảm ơn mộc mạc, lời tri ân chân tình là động lực giúp đội ngũ y, bác sỹ vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực, quyết tâm hơn trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục