(HBĐT) - Trong 5 tháng đầu năm, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã tiếp nhận 5 trường hợp nhập viện do ngộ độc lá du mại. Đây là loại cây thường mọc tự nhiên trên rừng, còn được gọi là lộc mại hay mọi trắng, rau mọi, rau mại.
Bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám bệnh nhân bị ngộ độc lá du mại.
Lá du mại được người dân ở một số địa phương trong tỉnh sử dụng làm rau ăn ghém, chế biến cùng với thức ăn hoặc đun nước uống để chữa một số bệnh, trong đó có bệnh táo bón. Độc tố của lá vô hình gây vỡ hồng cầu, làm tan máu, dẫn đến thiếu máu nặng, nhất là với những người thiếu hụt men G6PD (Glucose-6-phosphat dehydrogenase).
Bác sỹ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: Gần đây có 2 trường hợp ngộ độc lá du mại là ông Lò Văn V., 78 tuổi ở huyện Mai Châu và anh Bùi Văn K, 28 tuổi ở huyện Tân Lạc. Qua khai thác bệnh sử cách đây ít ngày, ông Lò Văn V. hái lá du mại đun với nước để uống chữa táo bón. Sau đó, ông có biểu hiện vàng da, vàng mắt, nước tiểu đỏ, tiểu ít, kèm theo sốt và mệt mỏi nhiều. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng lơ mơ, suy hô hấp, tụt huyết áp, da xanh, niêm mạc, củng mạc mắt vàng, vô niệu (không có nước tiểu). Kết quả xét nghiệm máu, tình trạng bệnh nhân thiếu máu nặng, suy gan cấp, tổn thương thận cấp, rối loạn nước - điện giải và rối loạn toan kiểm.
Khai thác bệnh sử anh Bùi Văn K. bị ngộ độc sau khi đi ăn cỗ có món ăn được chế biến với lá du mại. Bệnh nhân cũng xuất hiện các triệu chứng vàng da, vàng mắt, đi tiểu ít và nước tiểu màu đỏ. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân biểu hiện mệt nhiều, da xanh, niêm mạc, củng mạc mắt vàng. Xét nghiệm máu có tình trạng thiếu máu nặng, suy gan cấp, tổn thương thận cấp và rối loạn nước - điện giải. Cả 2 bệnh nhân được điều trị tích cực, truyền máu nhiều lần. Riêng trường hợp bệnh nhân 78 tuổi do tình trạng bệnh nặng hơn nên các bác sỹ phải nhanh chóng thực hiện cấp cứu ban đầu, sau đó điều trị chuyên sâu bằng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp, thở máy, lọc máu liên tục, lọc máu chu kỳ và thay huyết tương để hỗ trợ các tạng suy. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải truyền một khối lượng lớn máu và các chế phẩm của máu.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cả 2 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và trong quá trình điều trị, chăm sóc tích cực, theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe. Các bác sỹ khuyến cáo, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ghi nhận các ca ngộ độc lá du mại rải rác ở một số địa phương như: Tân Lạc, Kim Bôi, Mai Châu. Có một thực tế là việc cấp cứu ngộ độc tốn kém, với những ca nặng như 2 trường hợp trên phải điều trị dài ngày, chi phí hàng chục triệu đồng. Nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng, người dân cần thay đổi hành vi, thói quen, không nên sử dụng lá du mại để làm thức ăn hoặc đun nước uống để tránh ngộ độc, gây tan máu, đặc biệt lưu ý với những người bị thiếu hụt men G6PD. Khi không may bị ngộ độc lá du mại, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị hoặc chuyển tuyến trên kịp thời. Những trường hợp ngộ độc lá du mại thường nhập viện trong tình trạng nặng, phải áp dụng các biện pháp xử trí chuyên sâu mới có hy vọng cứu sống người bệnh, như rửa dạ dày, thở máy, lọc máu, thay huyết tương, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải và điều chỉnh rối loạn toan - kiểm máu.
P.V
Tính từ 16 giờ ngày 27/5 đến 16 giờ ngày 28/5, cả nước ghi nhận 1.114 ca nhiễm mới COVID-19, Hà Nội chỉ còn gần 300 ca.
Đậu mùa khỉ là căn bệnh đặc hữu, đồng nghĩa rằng căn bệnh này chỉ xuất hiện ở một số khu vực địa lý nhất định. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), căn bệnh này hiện đã lan ra 20 nước với hơn 200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và hơn 100 ca nghi mắc đã được phát hiện tại các quốc gia vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này.
(HBĐT) - Hưởng ứng Tháng công nhân năm 2022, Công đoàn ngành y tế tổ chức tọa đàm, biểu dương cán bộ công đoàn có thành tích tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; tổng kết trao giải cuộc thi ảnh "Nét đẹp công đoàn và người lao động ngành y” năm 2022.
(HBĐT) - Ngày 27/5/2022, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Hòa Bình tổ chức lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ công tác DS – KHHGĐ cho Cộng tác viên dân số trên địa bàn thành phố Hòa Bình
Chiều 26/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đang có nguy bùng phát các dịch bệnh đã có vaccine như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván…
Tính từ 16 giờ ngày 25/5 đến 16 giờ ngày 26/5, cả nước ghi nhận 1.275 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, giảm 69 ca so với ngày trước đó; trong ngày không có ca tử vong.