Thực tế ghi nhận tại một số nước ở châu Âu và Mỹ bắt đầu có sự gia tăng về số mắc khi xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5. Biến thể BA.5 đã xâm nhập Việt Nam, nguy cơ bùng phát dịch lớn đòi hỏi các địa phương cần phải tăng cường giám sát và đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine nhắc lại.
(Ảnh minh hoạ)
Biến thể BA.5 nguy cơ lấn át biến thể cũ
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong vòng 6 tháng, các biến thể phụ của Omicron đã thay đổi toàn bộ, hiện nay chủ yếu là BA.2, BA.4, BA.5.
Việt Nam đã ghi nhận sự xâm nhập của biến thể phụ BA.5, khả năng số ca mắc sẽ xuất hiện nhiều hơn và tăng trong thời gian tới.
GS, TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, thực tế ghi nhận tại một số nước ở châu Âu và Mỹ đã xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 và bắt đầu có sự gia tăng về số ca mắc.
Hiện nay thế giới vẫn đang tiếp tục các đánh giá về tính lây lan của 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5. Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy 2 biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2.
Về khả năng gây bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện tăng nặng tại khu vực châu Phi. Để có được bức tranh đầy đủ hơn về biến chủng này, ông Lân cho biết, thế giới vẫn cần có những nghiên cứu bài bản hơn. Cục Y tế dự phòng đang theo dõi sát diễn biến dịch để đề xuất phương án phòng, chống dịch.
TS Sorroco Escalante, Quyền Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, từ tuần trước, toàn cầu ghi nhận sự gia tăng của ca nhiễm Covid-19 với hơn 3 triệu ca nhiễm mới và hơn 7.000 ca tử vong.
Dựa trên phân tích dữ liệu toàn cầu, từ ngày 13 đến 19/6, số mắc mới ở khu vực Đông Nam Á tăng 46%, khu vực Địa Trung Hải và châu Âu cũng tăng.
Theo bà Sorroco Escalante, các biến thể vẫn đang phát triển mạnh. Các biến thể phụ của Omicron là BA.5 và BA.4 tiếp tục có xu hướng tăng lên trên toàn cầu và đã được phát hiện lần lượt ở hơn 50 quốc gia. Ở một số quốc gia, sự gia tăng của chủng mới dẫn tới sự gia tăng nhiều hơn tỷ lệ ca mắc mới, nhập viện và phải hồi sức cấp cứu.
Bà nhấn mạnh: Covid-19 không phải là một bệnh nhẹ. Ngay cả khi bạn khỏe mạnh, đã tiêm rồi thì không có gì bảo đảm rằng khi mắc bệnh bạn sẽ bị nhẹ. Tiêm vaccine bao gồm cả liều nhắc lại giúp ngăn ngừa việc mắc Covid-19 nghiêm trọng có thể dẫn đến nhập viện và tử vong.
Hai phương án ứng phó với tình huống dịch Covid-19
Trong dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Bộ Y tế cũng đề xuất phương án ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023.
Theo đó, ở tình huống đầu tiên khi chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.
Các biện pháp phòng, chống dịch sẽ được giảm dần, tương tự như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Ở tình huống 2, xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong.
Các biện pháp đặc thù như: Giám sát phát hiện; kiểm soát ra vào vùng có dịch; cách ly/theo dõi sức khỏe; khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vệ sinh trong việc mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt.
Do đó, việc phòng chống dịch phải linh hoạt theo chuyển biến dịch bao gồm cả nhóm A và nhóm B. Các biện pháp đáp ứng chống dịch điều chỉnh chuyển dần từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B để thích ứng linh hoạt việc kích hoạt trở lại các biện pháp phòng, chống dịch mạnh, quyết liệt khi SARS-CoV-2 biến đổi.
Các chuyên gia cho biết, tương tự các biến thể phụ Omicron trước, BA.5 có khả năng tránh vaccine một phần. Tuy nhiên, vaccine vẫn giữ được hiệu quả giảm diễn biến nặng và tử vong đối với người nhiễm BA.5.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần đi tiêm vaccine phòng Covid-19 khi có chỉ định. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại thứ 2) khi đã qua 4 tháng kể từ ngày tiêm mũi 3.
Theo Báo Nhân Dân
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, virus SARS-CoV-2 biến đổi liên tục. Từ tháng 12/2019 đến nay ghi nhận 5 biến thể mới và trong vòng 6 tháng qua biến thể Omicron có 5 biến thể phụ, nguy cơ xuất hiện biến thể mới với khả năng lây lan nhanh, gây bệnh nặng.
(HBĐT) - Ngày 28/6, thực hiện kế hoạch của Bàn Chỉ đạo 09 huyện Đà Bắc, UBND thị trấn Đà Bắc đã tổ chức ra mắt mô hình "Phòng ngừa, trợ giúp, giáo dục cảm hóa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật; phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tình dục”. Dự buổi lễ ra mắt mô hình có đại diện Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương.
Biến thể phụ BA.5 của Omicron được cho là có khả năng lây lan nhanh đã xâm nhập vào Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo biến chủng mới có thể làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại... Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cần tiêm đúng lịch, đủ liều.
Ngày 27/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục gia tăng, đồng thời ghi nhận thêm một trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong do SXH tại thành phố lên 10 trường hợp.
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 27/6 của Bộ Y tế cho biết số ca mắc COVID-19 tăng lên so với hôm qua, với 637 F0 tại 39 tỉnh, thành; Trong ngày có hơn 6.600 F0 khỏi, gấp gần 10 lần mắc mới; Tiếp tục không có F0 tử vong.
(HBĐT) - Ban Chỉ đạo phòng chống dịch (BCĐ PCD) Covid-19 tỉnh vừa bàn hành Quyết định số 1349/QĐ-BCĐ về việc phân bổ vắc xin phòng Covid-19 đợt 43.