Từ đầu tháng 7 âm lịch, nhộng ong được bầy bán thường xuyên tại chợ Phương Lâm (TP Hòa Bình).

Từ đầu tháng 7 âm lịch, nhộng ong được bầy bán thường xuyên tại chợ Phương Lâm (TP Hòa Bình).

(HBĐT) - Từ tháng 6/2010 đến nay, Khoa hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận khoảng trên 10 trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ban đỏ toàn thân, tụt huyết áp, suy hô hấp, sốc phản vệ... vì bị ong đốt. Những bệnh nhân này nếu không được cứu chữa kịp thời thì nguy cơ bị suy thận cấp, suy hô hấp, truỵ tim mạch... dẫn đến tử vong là rất cao.

 

Nọc độc của ong có thể gây chết người!

 

Đêm ngày 18/08/2010, Khoa hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Bạch Văn Sinh (50 tuổi, trú tại khu Hoa Lư, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi). Bệnh nhân Sinh nhập viện trong tình trạng: thở gắng sức nhẹ; đau khắp người; trên da toàn thân có những ban đỏ dạng dị ứng; ngứa nhiều; vết ong đốt nhiều ở đầu, má, mặt, chân tay. Chuẩn đoán của các bác sỹ là bệnh nhân bị dị ứng do ong đốt. Theo người nhà bệnh nhân cho biết: anh Sinh bị khoảng 30 con ong vàng đốt, ngất tại chỗ, tiểu tiện không tự chủ được, đã điều trị 2 ngày tại Bệnh viện huyện Kim Bôi nhưng không thấy tiến triển nên gia đình phải chuyển anh lên bệnh viện tỉnh ngay trong đêm. Sau một ngày được điều trị tại Khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân đã tỉnh, không sốt, tự thở tốt, ban đỏ toàn thân đã bay. Trao đổi với chúng tôi về ca bệnh này, Thạc sỹ Hoàng Công Tình - Phó Khoa hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng thuốc giải độc, truyền dịch nhiều để đào thải chất độc và theo dõi sát chức năng thận. Bệnh nhân đã được sơ cứu và đưa tới bệnh viện kịp thời nên có thể cứu sống. Tuy nhiên, cần phải theo dõi diễn biến tình hình sức khoẻ bệnh nhân, nhất là chức năng thận thêm 5 - 7 ngày nữa”.

 

Sau khi bệnh nhân bị ong đốt, cơ thể sẽ có phản ứng dị ứng ở nhiều mức độ khác nhau. Nhẹ thì bệnh nhân đau, ngứa trên da vùng vị đốt. Nặng thì bệnh nhân khó thở, đau tức ngực, mệt mỏi, nước tiểu vàng.... Ở mức độ nguy kịch thì bệnh nhân bị sốc phản vệ, tụt huyết áp, suy hô hấp, không có nước tiểu, suy thận cấp. Đối với các trường hợp dị ứng mức độ nhẹ thì nên bình tĩnh, thận trọng dụng một vật nhọn như mũi dao, đầu kim... để khều kim chích ra; tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy kim, túi độc vì sẽ tạo điều kiện cho nọc độc lan toả và thấm sâu hơn vào cơ thể. Sau đó rửa sạch chỗ có vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng, đắp khăn lạnh hay túi chườm lên vùng sưng nề khoảng 15 - 20 phút để giảm đau, không nên đắp trực tiếp nước đá lên chỗ ong đốt. Bôi dung dịch calamin (thường bôi lên vết bỏng để làm dịu đau) hoặc hồ bột natri lên vết thương có tác dụng trung hoà và thấm hút nọc độc; dùng băng che kín vết thương. Nạn nhân nên nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan chuyển sang nơi khác; phần bị chích nên để ở vị trí thấp hơn tim. Bó nẹp tay hoặc chân để tránh sự lay động khi di chuyển đến bệnh viện, nếu cần thiết có thể tiêm huyết thanh chống độc.

 

Thạc sỹ Hoàng Công Tình lưu ý thêm: “Công đoạn sơ cứu khi bệnh nhân bị ong đốt có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu bệnh nhân được sơ cứu kịp thời, đúng cách thì sẽ được cứu sống và ngược lại. Bệnh cảnh thường gặp của nạn nhân bị ong đốt là ly giải cơ vân, hoại tử tế bào gan, suy thận, rối loạn đông máu và choáng phản vệ. Trong đó nguyên nhân tử vong thường là choáng phản vệ sớm hay muộn và suy thận”.

 

Tuỳ theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều. Có loại gây chết người chỉ với vài vết chích như ong vò vẽ, ong đất; nhưng cũng có loại gần như không độc là ong mật. Điều đáng nói là ở những mức độ nặng nhẹ khác nhau, khi bệnh nhân bị ong đốt, độc tố của nọc ong xâm nhập vào cơ thể người thì sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận ở những mức độ khác nhau. Có trường hợp gây tổn thương thận không thể phục hồi, làm suy yếu sức khoẻ. Do vậy, theo lời khuyên của các bác sỹ chuyên khoa thì chúng ta nên cố gắng hết sức tránh bị ong đốt, kể cả các loại ong thông thường như ong vàng, ong muỗi.... Khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh, trước tiên cần che vùng đầu để không bị đốt, tiếp đến tìm cách dùng tay bới đất cát vung lên cao để xua ong bay đi chỗ khác, không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng bu lại tấn công.

 

Hoà Bình vào mùa “ăn ong”

 

Đến hẹn lại lên, cứ vào khoảng tháng 7 âm lịch ở chợ Phương Lâm (thành phố Hoà Bình) lại xuất hiện 2 - 3 hàng bán nhộng ong, ong trưởng thành và tổ ong. Nhộng ong vàng có giá dao động trong khoảng 120 - 150 nghìn/kg; nhộng ong vò vẽ có giá cao hơn khoảng 150 - 200 nghìn/kg. Con ong đã trưởng thành ngâm rượu được người dân đồn đại là sẽ thành vị thuốc “thập toàn đại bổ”, chữa được đủ thứ bệnh, đặc biệt là trị phong tê thấp, nhức xương cốt, giải độc.... Do đó, hiện nay ngoài thị trường giá ong, đặc biệt là các loại ong độc như ong đất, ong vò vẽ...được săn lùng và có giá rất cao. Theo lời chị bán hàng thì đây là một món “đặc sản” được người dân ưa thích nên được giá, cung không đủ cầu, “hàng” chủ yếu được gom từ các chợ huyện.

 

Vì giá ong hiện nay khá cao nên nhiều bà con đã tích cực trở thành những tay “ăn ong” chính hiệu. Nếu trúng được tổ lớn có thể được vài trăm ngàn, thậm chí tiền triệu. Theo lời tay thợ săn ong lâu năm của huyện Đà Bắc thì phương pháp săn ong truyền thống là sử dụng khói lửa thường làm chết nhiều ong, thân khô, khó bán nên giờ thợ ong dùng bình xịt muỗi, thuốc trừ sâu để bắt. Khi xịt xong, ong say lả tả, thợ săn ong chỉ có việc bốc cả tổ bỏ vào túi lưới đã chuẩn bị sẵn. Khi ong tỉnh lại, vẫn bò lổm ngổm như thường. Với phương pháp bắt ong “hiện đại” này thì các tay thợ săn ong ít bị ong đốt nhưng người uống phải lĩnh hậu quả, vì thuốc xịt côn trùng, thuốc sâu ngấm vào con ong rồi sẽ tan ra rượu ngâm ngây ngộ độc.

 

Theo truyền thống của bà con dân tộc vùng cao, họ thường ngâm rượu ong khi đã phơi khô, sấy, đốt tồn tính, tán bột và chỉ uống rượu khi hạ thổ ít nhất 100 ngày hoặc rượu ngâm với mật ong non, hạ thổ 100 ngày. Nhưng thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, không chỉ các hộ gia đình riêng lẻ mà rất nhiều quán ăn, nhà hàng đều có ngâm rượu ong để phục vụ thượng khách. Hiện nay, rượu ong được ngâm chủ yếu theo kinh nghiệm dân gian. Để đáp ứng nhu cầu của khách, chủ quán sẵn sàng bán ra loại rượu ong mới ngâm, chưa đảm bảo thời gian ngâm. Đó là chưa kể đến trường hợp một số quán còn sử dụng rượu cồn Trung Quốc ngâm rượu ong để hạ giá thành, rất nguy hiểm cho sức khoẻ người uống.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề rượu ong, Thạc sỹ Hoàng Công Tình cảnh báo: “Chưa có công trình khoa học nào đi sâu nghiên cứu, phân tích các thành phần hoá, lý , tác dụng dược lý của rượu ong. Mọi người nên hết sức thận trọng khi dùng rượu ong vì nọc ong rất độc, uống vào sẽ gây hại cho gan, thận, dị ứng, mẩn ngứa...”.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các trường hợp bệnh nhân phải nhập viện vì dị ứng nọc ong chủ yếu là do: bắt ong, trêu ong bị ong đốt; ngộ độc rượu ong và cho ong đốt để chữa bệnh. Vào mùa ong, một bộ phận người dân truyền tai nhau phương pháp chữa bệnh bằng cách cho ong đốt vì cho rằng “nọc ong chữa được rất nhiều bệnh”. Theo Đông y, có thể sử dụng nọc ong trong điều trị một số chứng bệnh nhất định nhưng sử dụng ở dạng nào, phương pháp điều trị và điều trị bệnh gì thì phải do các lương y có kinh nghiệm quyết định và tiến hành. Đây được xác định là một phương pháp chữa bệnh hết sức nguy hiểm. Bởi vì một người khoẻ mạnh cũng không chịu nổi 5 con ong đất đốt cùng lúc và 20 con ong đất thì có thể hạ gục một con trâu trưởng thành. Do vậy, khi y học ngày càng phát triển thì tốt nhất là người dân nếu có bệnh thì nên đi khám bác sĩ để được chuẩn đoán và có chỉ định điều trị phù hợp; nên sử dụng các phương pháp, loại thuốc tân dược, thuốc nam, thuốc bắc vốn rất da dạng và phong phú để tránh những tai biến có thể xảy ra bằng cách chữa bệnh nguy hiểm này.    

 

 

                                                                                Dương Liễu

 

Các tin khác


Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài 1: Nguy cơ thường trực

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp tại các địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thậm chí có người đã tử vong.

Lấy dị vật nằm trong phổi bệnh nhân suốt 25 năm

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa tiến hành lấy dị vật trong phổi của bệnh nhân suốt 25 năm bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê. Hiện tại, sức khoẻ của bệnh nhân tạm ổn định và đang được tiếp tục điều trị, chăm sóc. 

Những lá thư khen ngợi - lời tri ân của người bệnh đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận được nhiều thư khen của người bệnh và người nhà bệnh nhân đối với đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng. Những lá thư cảm ơn mộc mạc, lời tri ân chân tình là động lực giúp đội ngũ y, bác sỹ vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực, quyết tâm hơn trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục