Buồng cấp cứu, khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa tỉnh) không còn giường trống.

Buồng cấp cứu, khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa tỉnh) không còn giường trống.

(HBĐT) - Mấy ngày qua, trời chuyển rét đậm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Số bệnh nhân nhập viện do viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, cao huyết áp, tai biến mạch máu não… tăng cao. Theo dự báo, không khí lạnh sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới. Vì vậy, người dân cần chú ý hơn trong việc chăm sóc sức khỏe.

 

Khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa tỉnh) sáng ngày 11/2, tất cả 2 buồng cấp cứu gồm 7 giường đều chật kín bệnh nhi. Hai buồng hô hấp cũng không còn giường trống. Đơn nguyên sơ sinh có 20 trẻ đang phải điều trị tích cực. Với khuôn mặt mệt mỏi, mẹ một cháu bé 3 tháng tuổi ở xóm Nẻ, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) đến nay mới thở phào vì con đã qua cơn nguy hiểm. Chị cho biết: Cháu ho, thở khò khè, nhiều đờm, khóc quấy nhưng cứ nghĩ là ho bình thường. Khi đến khoa Nhi ngày 9/2, các bác sĩ khám và kết luận cháu đã bị viêm phổi nặng phải cho thở ôxy, kết hợp dùng thuốc kháng sinh. Nếu nhập viện muộn hơn thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.  

 

Bác sĩ chuyên khoa II, Trưởng khoa Nhi Đinh Thị Diệu cho biết: Kể từ chiều ngày 9/2, khi thời tiết đang nóng chuyển sang rét, số bệnh nhân nhập viện bắt đầu tăng cao. Trong đó, nhiều bệnh nhân nặng phải cấp cứu. Bình thường hàng năm, thời điểm ngay sau nghỉ Tết, số bệnh nhi nhập viện thường ít hơn. Thời điểm này, mỗi ngày có 60 – 70 bệnh nhi đến khám, 50 bệnh nhi phải nằm lưu điều trị. Phần lớn bệnh nhi bị các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, trong đó có không ít trẻ còn bú mẹ, trẻ sinh non tháng đang trong tình trạng viêm phổi khá nặng. Nhiều trẻ khác lại bị chảy máu cam do nhiệt độ xuống thấp. Có trường hợp trẻ bị viêm phổi do bố mẹ quấn, mặc quá nóng. Khi khóc, mồ hôi trẻ rịn ra mà không được lau khô kịp thời sẽ nhiễm lạnh trở lại.

 

Tại khoa Hồi sức cấp cứu, ngoài các ca cấp cứu nội khoa như: tai biến mạch máu não, viêm phổi, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, mấy ngày chuyển rét đậm có thêm bệnh nhân hen phế quản và đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Số bệnh nhân này đều ở độ tuổi từ trung niên đến người già và khoa hiện đang điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân. Tại khoa Khám bệnh, số bệnh nhân là người cao tuổi chiếm đa số.  

Thời tiết biến đổi đột ngột, chuyển rét đậm, trẻ em và người già là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Khi  nhiệt độ xuống thấp, lớp mỡ dưới da đông lại  làm cho trẻ không thể hấp thụ, hô hấp, chuyển hoá chất dinh dưỡng. Hệ hô hấp của trẻ dễ bị vi rút xâm nhập qua mũi, mồm, tai và đi thẳng vào phổi cũng như các cơ quan khác. Đối với người già, cơ thể biến đổi theo thời gian, sức đề kháng giảm và những thay đổi của hệ thống mạch máu nên dễ mắc bệnh.  

Để phòng bệnh, bác sĩ Đinh Thị Diệu khuyến cáo: Nên cho trẻ ăn uống đủ dưỡng chất để tăng sức đề kháng. Bổ sung thêm hoa quả và vitamin C vào bữa ăn. Đối với các bé mới sinh chưa có khả năng tự điều hòa thân nhiệt, cần mặc ấm phù hợp cho trẻ, không nên để quá nóng hoặc quá lạnh. Vệ sinh đường hô hấp cho trẻ em hàng ngày bằng cách súc miệng nước muối, nhỏ mũi bằng dung dịch natri clorid 0,9%. Việc lau rửa, tắm cần thực hiện nhanh bằng nước ấm và ủ ấm ngay sau khi tắm. Không nên đi ra ngoài trời rét khi không cần thiết.

Còn theo bác sĩ Trần Hoàng Dương, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu thì khi trời chuyển rét đậm, người già cần giữ ấm, tránh gió lùa. Khi ở trong nhà cũng nên mặc ấm, quàng khăn, đội mũ, cẩn thận khi mở cửa vì dễ gặp luồng gió lạnh đột ngột. Nên ăn nhiều bữa, các thực phẩm lỏng dễ tiêu hoá. Uống thêm sữa, sinh tố hoa quả, bột ngũ cốc và ăn thêm món có nhiều gia vị như gừng, tiêu, hành, tỏi... Đối với bệnh nhân bị bệnh về đường hô hấp như hen phế quản, viêm tiểu phế quản co thắt, viêm mũi dị ứng, cần tránh khỏi khói thuốc lá, khói than. Nếu phát hiện thấy người già có biểu hiện như đau đầu, méo mồm, khó phát âm, liệt chi... là triệu chứng của tai biến mạch máu não, nên tìm cách đưa tới bệnh viện để điều trị.

 

                                                                                 

                                                                

                                                                 Cẩm Lệ

 

 

 

Các tin khác


Cảnh báo biến chứng nguy hiểm từ phương pháp căng da mặt bằng chỉ không an toàn

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, căng da bằng chỉ là phương pháp làm đẹp không phẫu thuật được nhiều người lựa chọn, tuy nhiên biến chứng căng chỉ gây ra nhiễm khuẩn là vô cùng tai hại.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu thành công bệnh nhân tổn thương mạch máu lớn 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã tiến hành cấp cứu thành công bệnh nhân tổn thương mạch máu lớn nguy hiểm đến tính mạng dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức.

Thành phố Hòa Bình lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Hiến máu tình nguyện (HMTN) là hành động ý nghĩa, nhân văn, nghĩa cử cao đẹp, góp phần cứu sống, mang lại hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân cần máu tại các cơ sở y tế. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) vận động HMTN TP Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của phong trào HMTN. Qua đó, ngày hội HMTN hàng năm tổ chức tại địa bàn đã tiếp nhận hàng nghìn đơn vị máu do cán bộ, công chức, chiến sỹ, đoàn viên, thanh niên và người dân chia sẻ.

Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục