Cán bộ Trạm y tế phường Phương Lâm (TPHB) tiêm vắc xin sởi, rubella cho trẻ trong độ tuổi từ 1 – 5.
(HBĐT) - Chiến dịch tiêm vắc - xin sởi, rubella miễn phí cho toàn bộ trẻ từ 1-14 tuổi là chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên toàn quốc do Bộ Y tế chủ trì. Cùng với cả nước, tỉnh ta cũng đang triển khai chiến dịch tại tất cả 11 huyện, thành phố. Kết thúc tiêm đợt I, một số huyện vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Điều này đòi hỏi ngành chức năng và các địa phương cần có biện pháp tích cực hơn nữa trong việc tiêm vét đợt I và triển khai tiêm đợt II, đợt III.
Theo kế hoạch, tỉnh ta sẽ cùng cả nước triển khai tiêm vắc-xin sởi, rubella cho gần 200.000 trẻ và chia thành 3 đợt tiêm cho 3 nhóm tuổi: 1 – 5 tuổi, 5 – 10 tuổi và 10 – 14 tuổi. Đợt I triển khai tiêm trong tháng 10 – 11/2014, sau đó tiếp tục triển khai tiêm đợt II, đợt III và dự kiến kết thúc vào tháng 2/2015. Riêng huyện Mai Châu đã triển khai tiêm cho tất cả gần 10.000 trẻ từ 1 – 14 tuổi do bùng phát dịch sởi tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò, tỷ lệ đạt 99,1%. Mục tiêu của chiến dịch có trên 95% số trẻ trong độ tuổi được tiêm nhằm tạo miễn dịch, chủ động phòng bệnh sởi, rubella, hướng tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2017, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh.
Đồng chí Trần Thị Ái Hương, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết: Để đạt mục tiêu chiến dịch, ngành Y tế đã tổ chức tập huấn, hỗ trợ các tuyến. Cấp phát vắc xin, vật tư, tài liệu, kinh phí tới các huyện, thành phố. Tổ chức kiểm tra, giám sát trước chiến dịch; giám sát các điểm tiêm trong, sau đợt tiêm và công tác an toàn tiêm chủng. Nhờ triển khai đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền; gửi giấy mời tiêm chủng đến từng trẻ nên nhận thức của các gia đình về vai trò, tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin sởi, rubella được nâng cao. Đa số phụ huynh đã đưa con đến điểm tiêm đúng ngày theo kế hoạch. Đến cuối tháng 11, toàn tỉnh có 9 huyện đã tiêm xong đợt I và đang triển khai tiêm đợt II. Tính đến ngày 25/11, các địa phương đã tiêm cho 73.571 trẻ ở 2 nhóm tuổi 1 – 5 và 6 – 10, đạt 94,5% đối tượng cần tiêm. Tuy nhiên, tỉ lệ không đồng đều, mới có 5 huyện đạt tỉ lệ tiêm từ 95% trở lên: Kim Bôi 95%, Tân Lạc 99,4%, Lạc Sơn 97,4%, Cao Phong 98,4%. Còn lại huyện Lạc Thủy mới đạt 82%, Kỳ Sơn 87,2%, Lương Sơn 92,4%, TP Hòa Bình 85%. Riêng TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn đang triển khai tiêm vét đợt I, sau đó mới triển khai tiếp đợt II.
Quy trình tiêm chủng được thực hiện theo quy định, đảm bảo an toàn, chỉ có 8 trường hợp trẻ phản ứng sau tiêm nhưng ở mức độ nhẹ, không trầm trọng. Y sĩ Mai Thị Đức, cán bộ Trạm y tế phường Phương Lâm (TPHB) cho biết: Phương Lâm là địa bàn có số trẻ trong diện tiêm đông nhất do có nhiều trường đặt trên địa bàn. Riêng trường MN Tư thục Sao Mai đã có trên 400 trẻ 1 – 5 tuổi. Trạm đã gửi giấy mời tiêm đến tất cả gia đình các trẻ trong độ tuổi. Khi đến tiêm, trẻ đều được khám, tư vấn, ngồi chờ sau tiêm 30 phút và tiêm theo đúng quy trình. Từ khi triển khai chiến dịch chưa xảy ra trường hợp phản ứng nào. Song, tỉ lệ trẻ từ 1 – 5 tuổi được tiêm trong đợt I đến cuối tháng 11 mới đạt khoảng 70%. Trạm đang tích cực thông báo, vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vét.
Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng bệnh nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, một số phụ huynh vẫn còn e ngại về tính an toàn của việc tiêm. Theo ngành Y tế, vắc xin sởi, rubella là vắc xin phối hợp, có tính an toàn. Sau tiêm có thể gặp một số phản ứng như đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, phát ban, nổi hạch, đau cơ, cảm giác khó chịu. Phản ứng nặng như giảm tiểu cầu, sốc phản vệ rất hiếm gặp. Sởi và rubella là 2 loại bệnh rất nguy hiểm và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để bảo vệ sức khoẻ cho trẻ, các gia đình cần đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Nhiều người nghĩ rằng, cứ bệnh viện công lập đương nhiên sẽ được phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 đã được Quốc hội thông qua Nghị định số 87 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB), Thông tư số 41 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB thì Bệnh viện Đa khoa huyện Cao Phong chưa đủ điều kiện được cấp phép hoạt động.
(HBĐT) - Tính đến trung tuần tháng 11, huyện Lạc Sơn đã hoàn thành tiêm vắcxin LMLM đợt 2 cho đàn trâu, bò với 48.200 liều, đạt 100,4% kế hoạch. Bên cạnh chủ động phòng dịch bệnh cho gia súc, công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi được hộ chăn nuôi trên địa bàn chú trọng thực hiện ngay từ đầu vụ.
(HBĐT) - Trong 2 ngày 29-30/11, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Sơn, Hội CTĐ tỉnh phối hợp với Công ty CP Thương mại dịch vụ quảng cáo NEO, Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Sơn tổ chức khám, chữa bệnh nhân đạo và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, diện chính sách, thanh - thiếu niên thuộc gia đình hoàn cảnh khó khăn của huyện.
(HBĐT) - Ngày 30/11, tại huyện Kim Bôi, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày nhà tiêu thế giới 19/11. Đến dự có lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Bộ NN&PTNT, T.Ư Hội LHPN Việt Nam; Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Quỹ Unilever. Về phía tỉnh ta có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện Kim Bôi và đông đảo học sinh trường tiểu học, THCS Kim Bình (Kim Bôi).
(HBĐT) - Sáng 28/11, tại thị trấn Lương Sơn, Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn. Dự hội nghị có đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), lãnh đạo Sở LĐ- TB&XH, các xã, thị trấn và thân nhân người lao động làm việc tại Hàn Quốc sẽ hết hạn hợp đồng trong 2 năm 2014, 2015 trên địa bàn huyện Lương Sơn.
(HBĐT) - Được thành lập từ tháng 1/2011, đến nay, sau gần 4 năm phát triển với nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, CLB Thầy thuốc trẻ Hòa Bình đã thực sự tạo được dấu ấn và phát huy khả năng trí tuệ của người thầy thuốc trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.