Cán bộ Chi cục DS/ KHHGĐ tổ chức truyền thông, tư vấn tại xã Dân Chủ (TP Hòa Bình).
(HBĐT) - Trong những năm qua, theo số liệu báo cáo thống kê của hệ thống dân số cho thấy, tỉnh ta có tỷ số giới tính khi sinh tăng cao so với mức cân bằng tự nhiên và toàn quốc với tỷ số 119,9 bé trai/100 bé gái (năm 2011).
Thực trạng trên không chỉ diễn ra tại thành thị mà ngay cả nông thôn, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) cao, trong đó chủ yếu do tư tưởng trọng nam khinh nữ, có con trai để có người nối dõi tông đường, con trai mới là người chăm sóc cha mẹ khi về già... đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Thêm vào đó tình trạng làm dụng các kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm trong việc lựa chọn giới tính, nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi, trong khi đó Nhà nước chưa thể kiểm soát được các dịch vụ xác định giới tính thai nhi... đã dẫn đến tình trạng MCBGTKS cao như hiện nay. Với tốc độ gia tăng dân số và sự chệnh lệch giới tính ngày càng cao, nếu không khống chế được tốc độ gia tăng MCBGTKS, tỉnh ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như: sự phân bố dân cư giữa các vùng còn chênh lệch, dẫn đến tình trạng có nơi thừa có nơi thiếu lao động; sự chênh lệch giới tính ở trẻ sơ sinh sẽ kéo theo gia tăng tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, tình trạng mại dâm và các tệ nạn xã hội; MCBGTKS còn khiến cho nhiều nam giới khi trưởng thành khó có cơ hội tìm kiếm được bạn đời và sẽ bị mất quyền làm chồng, làm cha...
Để giải quyết có hiệu quả vấn đề MCBGTKS, trong những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, đẩy mạnh và duy trì các hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cấp xã, sự ủng hộ và tham gia của tổ chức, người có uy tín ở cộng đồng trong việc phòng ngừa và giải quyết tình trạng MCBGTKS. Tăng cường và duy trì các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn hướng tới các đối tượng truyền thông chuyển đổi hành vi tại cộng đồng nhằm phòng ngừa hiệu quả tình trạng MCBGTKS. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15, ngày 11/10/2012 về việc tăng cường các biện pháp nhằm can thiệp giảm thiểu MCBGTKS và mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Năm 2011, bắt đầu triển khai các hoạt động can thiệp tại 71 xã của 5 huyện. Năm 2012, triển khai ở 100% xã, phường, thị trấn và duy trì cho đến nay nhằm cung cấp thông tin về thực trạng MCBGTKS cho người dân, từng bước khống chế, giảm tốc độ gia tăng tiến tới ổn định CBGTKS. Công tác truyền thông được chú trọng và triển khai dưới nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, truyền thông trên báo, đài của tỉnh, nhân bản và cấp phát tài liệu truyền thông, phổ biến các văn bản pháp luật, đưa chính sách DS/KHHGĐ vào hương ước xã, tư vấn trực tiếp cho các cặp nam nữ đến đăng ký kết hôn... Phối hợp với các ban, ngành để truyền thông trong hệ thống ngành dọc và xây dựng một số mô hình hoạt động phù hợp với các ngành như: Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức các hội thảo với chủ đề: “Nam nông dân thực hiện KHHGĐ, làm kinh tế giỏi”, “Vấn đề bình đẳng giới và bạo lực gia đình”. Phối hợp với Tỉnh Đoàn truyền thông nâng cao nhận thức cho ĐV-TN, nhất là nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của MCBGTKS. Phối hợp với Hội LHPN tỉnh giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, gặp mặt các gia đình tiêu biểu, sinh con 1 bề là gái... Hội thảo biểu dương, chia sẻ kinh nghiệm học tập, rèn luyện của các cháu gái trong các gia đình sinh con một bề là gái có thành tích học tập tốt giữa các trường trong tỉnh, qua đó đã tổ chức 11 cuộc với 1.300 cháu. Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và truyền bá lựa chọn giới tính thai nhi ở 19 cơ sở y tế và 21 cơ sở phát hành sách, báo trong toàn tỉnh.
Trong năm qua, với nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ đã và đang góp phần tích cực vào việc giảm thiểu MCBGTKS. Do vậy, tỷ số GTKS của tỉnh năm 2011 là 119,9 và đến năm 2014 là 115,7; dự kiến năm 2015 dưới 116, đạt yêu cầu theo chỉ tiêu của tỉnh đặt ra trong Quyết định số 269, ngày 8/3/2012 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược DS - SKSS tỉnh Hoà Bình giai đoạn năm 2011 - 2015.
Hồng Ngọc
(HBĐT) - Tỉnh ta vừa được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) hỗ trợ 10.000 liều vắc xin dại. Theo đó, tiến hành phân bổ cho 5 huyện Kỳ Sơn (1.500 liều), Đà Bắc (2.000 liều), Yên Thuỷ (1.500 liều), Kim Bôi (2.000 liều), Cao Phong (3.000 liều).
(HBĐT) - Vừa qua, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Lương Sơn phối hợp với Đài Truyền thành - Truyền hình huyện và Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát đã tổ chức trao quà hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng nặng từ trận mưa lũ xảy ra trong hai ngày 17-18/9/2015. Đây là trận mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện Lương Sơn.
Ngày 30-9, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH) do muỗi truyền có chiều hướng gia tăng, số mắc tăng mạnh ở các tỉnh phía nam, Hà Nội và một số tỉnh phía bắc.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, từ nguồn quỹ “Đền ơn - đáp nghĩa”, đóng góp của các tổ chức và các nguồn khác đã huy động trên 7.900 triệu đồng hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho nhiều gia đình người có công.
(HBĐT) - Trong những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào và các hoạt động CTĐ, Hội CTĐ thành phố Hòa Bình đã có nhiều phong trào và các mô hình mới được triển khai, thực hiện, đem lại sức sống mới cho hoạt động công tác Hội. Trong đó, điển hình là CVĐ “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do T.Ư Hội CTĐ phát động chỉ đạo thực hiện.