(HBĐT) - Năm nào cũng vậy, từ tháng tư, thành phố Điện Biên Phủ rợp sắc cờ hoa. Dòng người ngược lên Tây Bắc cứ nối dài. Trở về Điện Biên! Trở về với những địa danh Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam... về với hoa ban, với điệu xòe nồng say; trở về với những ký ức hào hùng giữa mùa ban nở trắng trời.


Vùng đất Điện Biên Phủ không chỉ có chiến thắng lịch sử "chấn động địa cầu” mà còn có những mùa hoa Ban đắm say lòng người. Trong ảnh: Khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2023 và ngày hội VH, TT, DL các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VII.

Về Điện Biên Phủ, lần nào cũng vậy, nghĩa trang chiến dịch Điện Biên Phủ với chúng tôi luôn là điểm khởi đầu cho hành trình. Khi chúng tôi đến nghĩa trang chiến dịch Điện Biên Phủ với niềm xúc động tràn đầy như hòa vào nhịp đập những trái tim hồng của người lính tuổi 20 đã nằm lại vĩnh viễn ở mảnh đất lịch sử này. Đó cũng là cảm xúc của những người lính Điện Biên năm xưa khi trở về thăm chiến trường xưa.

Thành phố Điện Biên Phủ ngày nay vẫn còn đó cánh đồng Mường Thanh rộng ngút màu nắng với sóng lúa dập dờn; còn đó cầu Mường Thanh thuở rầm rập quân đi; đồi A1 với hố bom sâu, dấu vết của khối thuốc nổ nghìn cân; còn đó sở chỉ huy của thực dân Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ nơi viên bại tướng Đờ Cát bị bắt... và Điện Biên Phủ vẫn còn nhiều lắm dấu tích chiến tranh. Điện Biên Phủ ngày nay đã khác hoàn toàn so với thung lũng lòng chảo cách đây gần 70 năm khi quân Pháp lựa chọn để xây dựng một cứ điểm mà chúng cho là "bất khả xâm phạm”. Nhưng Điện Biên Phủ vẫn còn trong ký ức với sự tàn khốc của chiến tranh; với chi chít hầm hào, cả nước mắt, nụ cười sau mỗi trận đánh. "Về Điện Biên Phủ, tôi vẫn còn có cảm giác như mình đang là một người lính. Vẫn còn vẳng bên tai tiếng hô "xung phong” của đồng đội”, một cựu chiến binh già từng là người lính Điện Biên, năm nay đã ngoài 90 tuổi vui vẻ nói với những người cùng đi.

Trong âm điệu ồn ào của phố xá, tôi vẫn còn nghe rõ những câu chuyện từ trong dòng chảy ký ức: "Nơi này chúng tôi đào hầm, đào hào”, nơi kia "đại đội tôi bắn rơi chiếc máy bay Dakota”... và cả ký ức về những con đường, cây cầu Mường Thanh vắt ngang dòng sông Nậm Rốm khi họ trở về trong chiến thắng rạng rỡ nụ cười với cờ, hoa sau "56 ngày đêm, khoét núi ngủ hầm, mưa rừng, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Đến nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ, kính cẩn thắp nén hương tri ân những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, đôi mắt ai cũng đỏ hoe. "Trong mưa bom bão đạn giữa lòng chảo Điện Biên Phủ, người ta có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng khi ấy, cũng chẳng ai mảy may, đắn đo về ranh giới sống - chết mong manh ấy. Chỉ biết quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, chiến đấu quên mình cho chiến dịch”, cô gái trẻ là hướng dẫn viên du lịch cất giọng trong trẻo tự hào nói về những người nằm lại mảnh đất Điện Biên Phủ.

4.020 người lính đã hy sinh, 9.118 người bị thương, 792 người bị mất tích trong cuộc chiến "56 ngày đêm”. Đó là những con số thống kê chưa đầy đủ, nỗi mất mát, đớn đau nhưng cũng là niềm tự hào bất tận. Cả nghĩa trang có hàng nghìn ngôi mộ mà hầu hết đều là liệt sỹ vô danh. Cùng với đó là ngôi mộ của 4 người anh hùng đã được lịch sử tôn vinh như những huyền thoại: Trần Can, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện. Còn lại, tên các liệt sỹ được đúc chữ đồng theo danh sách từng tỉnh, thành phố. Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ là minh chứng cho sự khắc nghiệt của cuộc chiến. Dẫu thế, chúng tôi vẫn thấy những khuôn mặt đen nhẻm màu khói súng tươi rói nụ cười của những người đã nằm lại ở chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

Cái tên Điện Biên Phủ - miền đất cuối trời Tây Bắc đã ăn sâu và đọng lại mãi mãi trong tiềm thức những người con đất Việt. Để mỗi dịp tháng 5 về lại bồi hồi, sống dậy ký ức thuở đôi mươi của những cụ ông, cụ bà. Nay đã lùi xa gần 70 năm rồi.


Dương Liễu


Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục