(HBĐT)-Vân Sơn là xã mới thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã vùng cao của huyện Tân Lạc, gồm: Lũng Vân, Nam Sơn, Bắc Sơn. Trong thời kỳ những năm 1971 - 1972, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, xã Vân Sơn là "chiến địa” với chiến công vây bắt giặc lái Mỹ còn vang vọng đến bây giờ.


Những "lão” dân quân du kích xã Vân Sơn (Tân Lạc) ôn lại ký ức về những trận đánh vây bắt giặc lái Mỹ năm xưa. 

Chúng tôi cùng đồng chí Đinh Văn Truyền, Bí thư Đảng ủy xã Vân Sơn về xóm Hượp, tìm đến nhà ông Đinh Văn Phính. Theo giới thiệu thì đây chính là một trong những nhân chứng sống, từng tham gia trận đánh vây bắt giặc lái Mỹ tại khu vực núi Làn Khoái vào tháng 12/1971, cách đây 48 năm. Chỉ lên trán, ông Phính bảo: Ký ức về trận đánh ấy tôi vẫn còn giữ ở đây này. Vén áo, chỉ vào vết thương trên người vẫn còn nguyên mảnh đạn, ông cười: Còn dấu vết của trận đánh nó vẫn còn ở đây. Thế mà đã gần 50 năm rồi đấy.

Trong ký ức của người lính già, vào khoảng đầu giờ chiều ngày 18/12/1971, khi trung đội dân quân xã đang trực chiến tại trận địa, thì phát hiện có nhiều tốp máy bay phản lực địch xâm phạm bầu trời. Khi 2 chiếc máy bay phản lực F4D của địch bay tới khu vực cách xã Tử Nê, Thanh Hối bị không quân ta bắn cháy. Chiếc máy bay bị bắn cháy đã lao về phía Thanh Hóa, sau đó rơi xuống xóm Hô, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Trước khi máy bay rơi, xuất hiện 2 mục tiêu là phi công Mỹ nhảy dù xuống khu vực các xã Nam Sơn, Lũng Vân. Tiếp đó, có 2 chiếc máy bay phản lực bay lượn tại khu vực phi công Mỹ nhảy dù để trinh sát. 

Trước hành động của địch nhằm giải cứu 2 mục tiêu không quân, trung đội dân quân cơ động các xã đã tập trung thực hiện tốt phương châm chiến đấu, khống chế trên không, luồn sâu, siết chặt vòng vây, truy lùng triệt để, bắt nhanh, bắt gọn. Với phương châm đó, nên ngay sau khi 2 giặc lái Mỹ vừa nhảy dù tiếp đất thì 1 tên đã bị lực lượng dân quân xã Nam Sơn bắt giữ, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Tên còn lại, sau khi nhảy dù xuống khu vực núi Lở, thuộc dãy núi Làn Khoái đã lẩn trốn vào khe núi, hốc đá. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ngay trong đêm 18/12/1971, 1 tổ gồm 10 dân quân cơ động xã Lũng Vân đã vượt qua nhiều lớp đá tai mèo, tiếp cận khu vực tên giặc lái Mỹ nhảy dù xuống. Đến 8h ngày 19/12/1971, các chiến sỹ dân quân cơ động vừa chiến đấu, vừa áp sát, bắt giữ tên giặc lái đang trốn trong một hốc đá. Trong trận chiến đấu này, ông Đinh Văn Phính đã bị thương. Cho đến nay, mảnh đạn vẫn còn găm trong người. 

Tiếp sau chiến thắng vây bắt giặc lái của dân quân xã Lũng Vân, Nam Sơn, trong các ngày từ 11 - 13/5/1972, quân và dân xã Bắc Sơn tiếp tục lập chiến công bắt gọn 2 tên giặc lái; quyết liệt đánh trả hàng trăm lượt máy bay đến bắn phá nhằm giải cứu  2 phi công nhảy dù xuống khu vực núi rừng thuộc xóm Hày Dưới, xã Bắc Sơn. Đồng chí Hà Văn Quynh, cán bộ Văn phòng - Thống kê xã Vân Sơn chia sẻ: Thời kỳ đó, bố tôi là ông Hà Văn Kim, năm nay 96 tuổi cũng là một trong những người tham gia truy bắt giặc lái Mỹ. Nghe ông kể, khi biết tin có giặc lái Mỹ nhảy dù xuống địa bàn, người dân ai cũng hăng hái tham gia lực lượng truy bắt. Sau 3 ngày liên tiếp chiến đấu, truy bắt, lực lượng dân quân xã Bắc Sơn đã bắt gọn 2 giặc lái cùng toàn bộ phương tiện liên lạc, vũ khí. Với những chiến công đó, ngày 3/5/1976, lực lượng dân quân du kích xã Lũng Vân đã vinh dự được Quốc hội tuyên dương "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh được nhận vinh dự này. Các xã Bắc Sơn, Nam Sơn sau đó cũng đã được Nhà nước tuyên dương, phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Phát huy truyền thống trong chiến đấu, ngày nay, Nhân dân xã Vân Sơn tích cực phát huy tốt vai trò trên mặt trận kinh tế, từng bước xóa nghèo. Xã đã chuyển đổi hàng trăm ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị cao như: cam, quýt, đào, rau su su, tỏi, lạc, rau sạch. Nhờ đó, nâng mức thu nhập bình quân của xã đạt trên 22 triệu đồng/người/năm.


 Mạnh Hùng

Các tin khác


Phú Yên sau 45 năm giải phóng: Vươn lên mạnh mẽ với diện mạo mới

Chiến thắng của quân và dân Phú Yên giải phóng tỉnh vào ngày 1/4/1975 đã đập tan âm mưu “mở đường máu” chiến lược của Ngụy quân rút lui khỏi chiến trường Tây Nguyên về tử thủ ở Đồng bằng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Vào Đà Nẵng giải phóng

Ngày 29/3/1975, chiến dịch giải phóng Đà Nẵng - thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Có mặt trong thời khắc tiếp quản Đà Nẵng cách đây tròn 45 năm, những hồi ức "Vào Đà Nẵng giải phóng" vẫn còn nguyên vẹn với nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

"Bài toán" thiếu - thừa chưa có lời giải

(HBĐT) - Sau khi thực hiện Đề án "Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình” (Đề án 1084) và Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình (Nghị quyết 830), tỉnh đã giảm được nhiều đầu mối đơn vị hành chính. Tuy nhiên trên thực tế, việc thừa, thiếu và quản lý, sử dụng các trụ sở làm việc, trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa thôn, xóm của một số đơn vị hành chính sau sáp nhập như thế nào là vấn đề còn đang bỏ ngỏ. 

Trên mảnh đất Quảng Nam trung dũng kiên cường

Nếu Củ Chi được tặng danh hiệu "Đất thép thành đồng” thì Quảng Nam là vùng đất "Trung dũng kiên cường” trong cuộc trường chinh vệ quốc.

Kỷ niệm 45 năm giải phóng Thừa Thiên - Huế - Bài 1: Khúc ca khải hoàn trên đất Cố đô

Giữa tháng 3/1975, khi quân địch thất thủ ở mặt trận Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã kịp thời chỉ đạo Mặt trận Trị Thiên Huế chớp lấy thời cơ, nhanh chóng chuyển hướng tấn công, tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Huế đỏ cờ bay

Cách đây 45 năm (ngày 26/3/1975), lá cờ cách mạng tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu (Huế), đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên - Huế hoàn toàn giải phóng. Nhân dịp này,  trân trọng giới thiệu bài viết "Huế đỏ cờ bay" của nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đã trực tiếp tham gia tác nghiệp khi Huế giải phóng ngày ấy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục