Để cắt đứt huyết mạch chi viện từ Bắc vào Nam, quân đội Mỹ điên cuồng oanh tạc, rải chất độc hóa học xuống Trường Sơn. Chúng cũng muốn Hà Nội "trở về thời kỳ đồ đá".

Đối đầu cỗ máy chiến tranh B-52 để bảo vệ miền Bắc và tuyến đường mòn chiến lược trở thành nhiệm vụ cảm tử của các phi công Không quân Việt Nam. Người chiến thắng trở về cũng cảm nhận sâu sắc nỗi đau khi đồng đội và chiếc MiG thân yêu của họ không trở về.

Nhưng khát vọng thống nhất còn cháy bỏng hơn lò lửa chiến tranh…


Phi công Hoàng Biểu (giữa) cùng đồng đội. Ảnh: Nhân vật cung cấp/TTXVN phát

Cuộc đối không quả cảm

Ngày giữa tháng 4/2025, Đại tá Hoàng Biểu - một trong những phi công bay đêm đầu tiên của Không quân Việt Nam, người từng bắn rơi 2 máy bay Mỹ, tiếp chúng tôi trong ngôi nhà trên phố Nguyễn Viết Xuân (Hà Nội). Tay cầm cuốn album có ảnh ông trong bộ đồ bay hơn 50 năm trước, nguyên Đại đội trưởng Đại đội bay đêm, Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 hồi tưởng: "Chúng tôi có nhiệm vụ rất đặc biệt là vừa chiến đấu, bảo vệ đường Trường Sơn lại vừa nghiên cứu cách đánh B-52".

Lý giải nhiệm vụ, ông Hoàng Biểu cho hay, tháng 4/1966, đế quốc Mỹ dùng máy bay B-52 ném bom đèo Mụ Giạ (Quảng Bình) rồi mở rộng ra các mục tiêu quân sự, dân sự và trọng điểm giao thông, nhất là đường Trường Sơn. Trước tình hình này, Bác Hồ chỉ thị Bộ đội Phòng không - Không quân "phải tìm cách đánh bằng được B-52". Thực hiện mệnh lệnh đó, các đơn vị thuộc Quân chủng tập trung nghiên cứu cách đánh tối ưu.


Đại tá phi công Hoàng Biểu giới thiệu những hình ảnh, kỷ vật trong thời gian học lớp đào tạo phi công lái máy bay MiG21 tại Liên Xô. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Năm 1966, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam máy bay chiến đấu MiG-21, thì tháng 2/1967, Quân chủng lập tổ bay đêm 3 người gồm: Hoàng Biểu, Hà Văn Chúc, Nguyễn Văn Thuận. Sau đó, Đại đội 5 được thành lập với nhiệm vụ tìm cách đánh B-52. Những chiếc MiG-21 bí mật từ Hà Nội vào ém tại các sân bay Vinh, Đồng Hới, Thọ Xuân.

"Bay đêm khó hơn bay ngày rất nhiều. Phi công phải hoạt động độc lập, phải rèn luyện kỹ thuật, tự cất, hạ cánh trên đường băng dã chiến ngắn, hẹp, phải biết sử dụng mắt thường kết hợp rađa. Bay đêm tầm thấp ở Trường Sơn không tỉnh táo có thể dẫn đến tai nạn trong khi bay", ông Hoàng Biểu nói.

Song, Không quân Mỹ biết MiG-21 xuất hiện ở Khu 4 và sự lợi hại của tiêm kích này. Ban ngày hầu hết máy bay đều bị phát hiện bằng mắt và từ xa nên Mỹ cho B-52 đánh đêm. Nhưng khi phi công ta xuất kích lên vùng trời Khu 4, ra-đa chúng từ Biển Đông phát hiện liền báo: MiG ở cổ chai. B-52 lập tức quay đầu.

Hồi tưởng lần xuất kích rạng sáng 30/3/1972 từ sân bay Vinh trong "thời tiết cực xấu", ông Hoàng Biểu cho hay, đoán máy bay địch sẽ vào Đường 9 phía tây Quảng Trị, ông lên độ cao 14km, rồi tăng lực, vòng trên đó hai vòng. Thấy MiG-21, B-52 từ Thái Lan bay qua Lào vào Việt Nam oanh tạc đường Trường Sơn lập tức quay đầu còn những chiếc F4 lao tới. Tình hình vô cùng nguy hiểm vì ông không đủ dầu ra Hà Nội hạ cánh, chỉ có thể hạ cánh gần Vinh nhưng trời mù sương, không đèn chiếu sáng, nhảy dù là ranh giới giữa sự sống và cái chết.


Đại tá phi công Hoàng Biểu giới thiệu những hình ảnh, kỷ vật trong những năm tháng chiến đấu oanh liệt. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

"Cố hạ cánh chỉ đâm xuống đất. Gần 2 giờ sáng, tôi đành nhảy dù ở huyện Yên Thành, may là rơi xuống luống khoai. Thấy ánh đèn le lói ở Hợp tác xã gần đó, tôi tháo dù và gắng bò tới rồi lịm đi", ông Hoàng Biểu kể.

Tỉnh dậy, ông được Sở Chỉ huy tiền phương cho hay: "Hôm qua chúng tớ biết thời tiết rất xấu nhưng cậu nên nhớ, sáng nay bộ đội ta mở Chiến dịch Trị - Thiên. Lúc 1 giờ cậu đi là B-52 vào. Sợ nó phát hiện đội hình tập kết của bộ đội ta mở Chiến dịch, sợ nó biết việc bố trí lực lượng của ta nên chúng tớ phải để cậu đi. Có MiG thì B-52 phải vòng ra".

Hồi tưởng những đêm quầng lửa đỏ rực bùng lên phía dưới đại ngàn Trường Sơn, cả một cung đường ô tô vận tải của mình bị bom Mỹ dội trúng, "nhìn mà đau đớn lắm!", ông Hoàng Biểu nói rồi chia sẻ, phi đội bay đêm coi "chết cho Tổ quốc nhẹ như lông hồng". Có nhiều phi công hy sinh và nếu tính tỷ lệ thì đó là những tổn thất lớn, song ông và lực lượng không quân luôn sẵn sàng góp phần bảo vệ đường 559, đúc rút kinh nghiệm đánh B-52 cho mục tiêu lâu dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

"Chúng tôi khao khát được trực tiếp làm gì đó cho chiến trường miền Nam, góp sức thống nhất đất nước", ông Hoàng Biểu nói.

Mũi tiến công thứ 6

Chia sẻ khát vọng "làm gì đó cho chiến trường miền Nam", Thượng tá Phạm Chu Hải (nguyên Thanh tra Quốc phòng, Quân chủng Phòng không Không quân) thành viên Phi đội Quyết thắng oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất xúc động nhớ lại chiều 28/4/1975. "Mũi tiến công thứ 6" bằng cường kích A-37 vừa thu được của địch đã phá huỷ 24 máy bay của địch khiến Mỹ - ngụy trong cơn hoang mang càng thêm hoảng loạn.

Ông Chu Hải cho hay, Đà Nẵng giải phóng một ngày thì ông - lúc ấy là Trung uý, Phòng Kỹ thuật Sư đoàn Không quân 371 nhận "nhiệm vụ tuyệt mật". Đó là cùng Nhóm công tác đặc biệt gồm 4 kỹ sư kỹ thuật không quân đi gấp vào miền Nam nghiên cứu sử dụng kỹ thuật các máy bay của không quân Nguỵ, trọng tâm là F5 và A-37 để lấy máy bay địch đánh địch khi có thời cơ và nhiệm vụ.

Tại sân bay Nha Trang, sau mấy ngày, ông tìm được tài liệu bằng hình vẽ và tiếng Anh về kỹ thuật chuẩn bị bom, đạn các loại cho F5 và A-37. Lúc này, Không quân cũng sẵn sàng tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn và lựa chọn phi công lái MiG để chuyển loại sang bay A-37. Quân chủng còn giới thiệu hai phi công của quân ngụy rất giỏi lái máy bay A-37 xin được chiến đấu cho cách mạng.

Ngày 27/4/1975, được lệnh, nhóm của Chu Hải đến phi trường Thành Sơn ở Phan Rang, chuẩn bị bom đạn cho 5 chiếc A-37. "Hơn 11 giờ ngày 28/4/1975, một trực thăng Mi-6 hạ cánh, bước ra là lực lượng Không quân ta cùng khoảng 10 người là thợ máy, kỹ thuật của không quân Nguỵ đã cảm hoá. Họ rất giỏi và muốn lập công chuộc tội", ông Chu Hải nhớ lại.

Ông Chu Hải liền phân công nhóm và các thợ máy kiểm tra kỹ thuật, nạp xăng dầu, lắp bom đạn. Phi đội cũng bàn phương án trận đánh với 6 mục tiêu ném bom được lựa chọn gồm: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Tổng Nha cảnh sát, Tòa Đại sứ Mỹ, Kho xăng nhà Bè, Sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi bàn bạc, họ quyết định chọn mục tiêu là sân bay Tân Sơn Nhất.

"Đây là nơi thể hiện sức mạnh quân đội Mỹ- Nguỵ. Đánh vào đó sẽ tạo tiếng vang cực kỳ lớn, khiến quân địch hoảng loạn, bẻ gãy ý chí chiến đấu của chúng, góp phần cùng 5 cánh quân của ta giải phóng Sài Gòn", ông Phạm Chu Hải kể.

16 giờ 25 phút ngày 28/4/1975, năm chiếc A-37 rời đường băng, bay thấp nhằm tránh hoả lực và ra-đa địch. "Chúng tôi ở lại đợi chờ cực kỳ nóng ruột, cầu mong cho các anh "tự đi, tự đến, hoàn thành tốt nhiệm vụ và trở về an toàn". May quá, lời cầu mong ấy đã thành hiện thực", ông Phạm Chu Hải xúc động nói.

Bài 3: Vui sao nước mắt lại trào

Theo TTXVN

Các tin khác


Cải cách hành chính ở Hòa Bình - từ chạm nhỏ đến chuyển động lớn: Bài 3 - Hành chính phục vụ - không ai bị bỏ lại

5 sở, 22 phòng chuyên môn, 6 đơn vị sự nghiệp bị xóa khỏi sơ đồ tổ chức bộ máy hành chính tỉnh Hòa Bình trong vòng chưa đầy 1 năm. Nhưng không ai "mất việc”. Và cũng không có một cuộc xáo trộn nào gây bức xúc trong dư luận. Thay vào đó là một bộ máy mới - tinh gọn, rõ người, rõ việc, được người dân mô tả bằng một cụm từ duy nhất - nhẹ: Nhẹ hơn trong thủ tục. Nhẹ hơn trong tiếp cận. Nhẹ cả trong thái độ của cán bộ tiếp dân.

Cải cách hành chính ở Hòa Bình - từ chạm nhỏ đến chuyển động lớn: Bài 2 - Một chạm, vạn thay đổi

1.482 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với gần 13.000 thành viên trên toàn tỉnh. Ở Hòa Bình, người dân không đơn độc trước công nghệ. Từ những xóm Mường ven suối đến vùng cao đất đá như Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), mỗi tổ công nghệ số là một "người bạn” giúp người dân khai hồ sơ online, tạo tài khoản VNeID, nộp giấy tờ không cần giấy. Những cú "chạm” tưởng chừng xa lạ ấy đang dần trở thành thói quen hàng ngày, thay đổi cách người dân nhìn về chính quyền.

Cải cách hành chính ở Hòa Bình - từ chạm nhỏ đến chuyển động lớn: Bài 1 - Lặng lẽ nhưng quyết liệt

Không phải những con số biết nói. Không phải chỉ số PAR Index tăng 30 bậc sau 3 năm… Điều khiến người dân Hòa Bình nhớ và tin hơn cả là ánh mắt thân thiện của cán bộ "một cửa”, là lời xin lỗi nơi phòng tiếp dân, là tiếng gõ bàn phím thay cho tiếng thở dài vì thủ tục rườm rà. Cải cách hành chính (CCHC) ở Hòa Bình khởi nguồn bằng văn bản nhưng đánh dấu sự bắt đầu từ thay đổi rất nhỏ - cách hành xử của chính quyền. Cũng từ đó, một nền hành chính phục vụ được dựng nên từng ngày.

Khám phá đảo Trần - “Trường Sa” của vùng Đông Bắc

Nằm ở phần Đông Bắc của quần đảo Cô Tô, thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô (Quảng Ninh), đảo Trần chỉ cách hải phận Trung Quốc chừng 4 - 5 km nên được ví như "con mắt” trấn giữ cửa ngõ vịnh Bắc Bộ. Để đến thăm đảo, thời gian phù hợp vào tháng 3 - 5 hàng năm, khi thời tiết miền Bắc ấm dần, biển khá êm đềm, ít sóng lớn.

Hòa Bình - vùng đất sử thi, địa chiến lược: Bài 5 - Xứ Mường và khát vọng vươn mình

Theo các chuyên gia kinh tế, Hòa Bình có vị trí thuận lợi là trung tâm kết nối giữa Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Tây Bắc. Đây là cầu nối, bệ đỡ cho sự phát triển cả vùng Tây Bắc, bởi nơi đây có những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và khát vọng vươn mình mạnh mẽ.

Hòa Bình - vùng đất sử thi, địa chiến lược: Bài 4 - Địa bàn đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh

Không phải tự nhiên mà ngay sau khi quay trở lại xâm lược nước ta năm 1946, thực dân Pháp đã nhanh chóng đánh chiếm tỉnh Hòa Bình và lập phòng tuyến sông Đà, bởi Hòa Bình chính là địa bàn có vị trí chiến lược cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục